Tặng lì xì là một phong tục truyền thống và được coi là việc làm ý nghĩa trong dịp Tết Nguyên đán nhưng chính phong tục này đã khiến không ít người phải ngượng chín mặt trong ngày xuân.
Lì xì nhiều – ít, dày – mỏng không phải là thước đo tình cảm và tôn vinh nhau
Anh Trần Văn Quang (Hà Nội) cho biết, anh từng rất ngượng ngùng khi gặp tình huống đi chúc Tết ở nhà người quen và gặp rất nhiều trẻ con ở đó. Do không kịp đổi tiền lẻ mà trong ví anh Quang chỉ còn 1 tờ 500.000 đồng nên anh Quang không thể mừng tuổi cho đám trẻ con.
Đang ngồi uống nước, ăn kẹo bỗng một cháu bé chỉ tay vào anh Quang và nói: “Còn mỗi chú này chưa mừng tuổi cho con”.
“Lúc đó tôi thấy hơi bẽ bàng nên uống vội ngụm nước rồi kiếm cớ đi về”, anh Quang kể lại.
Một tình huống khác, chị Nguyễn Thị Lan (Nam Định) đến nhà họ hàng chúc Tết và mừng tuổi cho mỗi cháu 10.000 đồng để lấy may. Trong số đó, có bé không nhận. Ngay lập tức một bà mẹ bô bô: "Cháu nó khôn lắm. Nó thấy tờ 10.000 đồng nên nó chạy đi đấy”, nói rồi bà mẹ này cười ha hả cười khen con mình.
Chị Phan Thu Thủy (Thái Bình) là người chu đáo nhưng cũng bị bẽ mặt vì đưa nhầm bao lì xì không có tiền.
“Tôi đã chuẩn bị một tập tiền cho vào bao lì xì về quê chồng để mừng tuổi cho các cháu. Bỗng một cháu gọi với: “Cô ơi, sao cô lại mừng tuổi cho con phong bao chẳng có tiền trong đó. Ngượng quá, tôi vừa đứng dậy lấy phong bao khác bù cho cháu. Vô tình nhầm lẫn cũng khiến tôi ngượng chín mặt", chị Thủy kể.
Trước những tình huống dở khóc, dở cười này, trao đổi với PV, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, lì xì ngày nay ít mang lại ý nghĩa vốn có.
Ngày nay bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Có khi phong tục lì xì biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì con trẻ thật nhiều tiền để lấy lòng bố, mẹ; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”... Đó là sự biến tướng mang tính tiêu cực.
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói về phong tục lì xì ngày Tết.
Nguyên tắc lì xì là, cha mẹ mừng tuổi con cái, cháu chắt. Con cái trưởng thành mới được mừng tuổi bố mẹ; người chưa làm ra tiền không được mừng tuổi người khác.
Do đó, theo TS Trần Hữu Sơn, để tránh “sự biến đổi tiêu cực” trên, chỉ có cách tuyên truyền, vận động. Đến thời điểm nào đó, con người sẽ nhận thức được rằng, đó là tiêu cực và trở lại đúng ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi đầu năm.
“Phong tục lì xì ngày tết mang ý nghĩa chúc phúc, nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao. Quan trọng là thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết”, TS.Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần gieo vào lòng con trẻ rằng, ý nghĩa lớn nhất của Tết Nguyên đán vẫn là dịp để gia đình được sum vầy, đoàn viên và mừng tuổi chỉ là để lấy lộc may mắn đầu năm.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, lì xì, dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Do đó, ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng tiền là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa khuyến cáo, khi lì xì, mọi người chỉ nên cho vào phong bao một số tiền rất nhỏ. Số tiền trong phong bao càng nhiều thì giá trị càng ít. Lì xì nhiều – ít, dày – mỏng không phải là thước đo tình cảm và tôn vinh nhau.