Nguyễn Quang Thiều, người nâng niu những sản vật của làng quê

GD&TĐ - Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều yêu làng Chùa, quê hương ông, như máu thịt và thường mang những giá trị bền vững nhất, thiêng liêng nhất của quê mình vào trong những trang văn.

Nguyễn Quang Thiều, người nâng niu những sản vật của làng quê

Những ngày Tết đến Xuân về, chúng ta cùng điểm lại những trang viết ấy để thấy một con người luôn nặng lòng với quê, luôn cố gắng để nâng niu những sản vật của làng quê.

1. Từ đặc sản dân dã Làng Chùa...

Từ xa xưa, bữa cơm gia đình đã trở thành biểu tượng đẹp của nếp nhà Việt Nam. Với làng Chùa (ven sông bờ Đáy thuộc xã Sơn Công, Huyện Ứng Hòa, Tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), với gia đình tác giả cũng luôn luôn có những bữa cơm bình dị, ấm áp như thế.

Trong những hình ảnh về kí ức tuổi thơ, không thể thiếu được bữa cơm nhà với đầy dư vị hương đồng gió nội mà không thể tìm được ở chốn nào nơi phố thị.  

Đó là món chả hến cầu kỳ mẹ làm khi nông nhàn hay khi nhà có khách. Để làm nên món chả hến, ruột hến phải được băm qua trộn đều với riềng, gừng, nghệ giã nhỏ, ớt tươi băm và rau thì là, có lúc trộn thêm mỡ phần và lá chanh. Chả hến được “bọc bằng lá xương xông và lấy lá chuối bọc lớp ngoài để cho bụi than không dính vào miếng chả, để cho lớp lá xương xông không bị cháy đen và cũng để cho món chả hến được nướng kỹ” (Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại).

Đó là món gỏi cua được nhắn đến trong tản văn “Món gỏi độc nhất vô nhị”. Món ăn mà mỗi lần nhà văn nhắc đến là “như nói về một câu chuyện cổ tích”: Người làng Chùa làm gỏi cua từ tháng Mười đến cuối tháng Hai âm lịch. Những thứ để làm gỏi cua là những thứ có sẵn trong vườn nhà như: Củ chuối, khế chua, lá nghệ bánh tẻ và vừng đen.

Món này đòi hỏi tương đối cao ở người làm về kĩ thuật vì tất cả phải đúng vị và đúng độ. Chẳng hạn, “mình cua vừa xé ra là bỏ ngay vào bát khế chua để làm “chín” cua”. Phải là khế chứ không phải chanh vì vị chua của khế rất dịu và có vị ngọt.

Củ chuối non thái cho vào nước sôi khoảng 60 độ để làm mềm chuối. Vừng đen được răng đúng tầm và để nguyên hạt chứ không giã nhằm giữ được độ béo, độ ngậy.

Gỏi cua không được cho loại rau nào khác ngoài lá nghệ bánh tẻ, những chiếc lá được thái nhỏ như sợi chỉ - nó tạo nên một vị thơm đặc biệt mà như tác giả nói là “thơm từ trong miệng mình thơm ra”.

Nước trộn gỏi là nước chưng từ càng cua và mai cua, tạo nên màu vàng thẫm, thêm một ít ớt tươi thái nhỏ. Vậy đấy, một món ăn được làm một cách tinh tế, chỉ cần lệch đi một chút thôi sẽ “gián tiếp hủy hoại thanh danh món gỏi làng Chùa”.

Một món gỏi như tác giả đánh giá: “Mâm cỗ có món gỏi cua thì đó là món chính. Và đã có gỏi cua rồi thì tất cả những món khác đều trở nên vô vị... Bởi thế gỏi cua được gọi là món gỏi Lý trưởng theo cách gọi của người làng Chùa. Nghĩa là món gỏi đứng đầu. Món gỏi quyền uy nhất trong các món gỏi và trong mọi mâm cỗ” (Món gỏi độc nhất vô nhị).

Có thể thấy, Nguyễn Quang Thiều đã viết về món gỏi cua làm bằng tất cả niềm hứng khởi và sự tự hào. Với cách viết ngắn gọn, ông đã đánh thức được gần như các giác quan của người đọc. Ta như được ngắm nhìn đĩa gỏi đầy sắc màu, được nghe thoang thoảng mùi vị đồng quê, sông nước, được cảm nhận vị ngọt ngọt của cua, vị thơm thơm của lá nghệ, vị bùi bùi của những hạt vừng, vị cay cay của những miếng ớt... tất cả tạo nên hương vị đầy quyến rũ.

Ngoài ra, quê hương của nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn có những món ăn độc đáo như: Món xáo chuối, canh, cà dầm tương, mắm cua, cua muối, gỏi cá diếc, gỏi tép đỏ, cá kho, da trâu hầm tương và đu đủ xanh, trứng rán với bột mì trong những ngày đói rét... tất cả đều được Nguyễn Quang Thiều nhớ về và ghi lại một cách kĩ lưỡng.

Những món ăn mà Nguyễn Quang Thiều điểm danh đều là đặc sản của chính người dân làng Chùa. Những món ăn mà chỉ nghe tên, người dân trong làng có thể nhận ra nhau dù ở bất cứ đâu. Món ăn ấy được tạo ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bởi nhiều số phận, cuộc đời khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm: Là những món đồng quê, đều hấp dẫn, được người dân gửi vào đó tình yêu đất đai, ruộng đồng.

Ghi lại những công thức, những trải nghiệm, những xúc cảm là cách nhà văn muốn gửi tình yêu và niềm tự hào về quê hương.

2. Đến món ăn chơi trứ danh

Đọng lại trong các trang tản văn của Nguyễn Quang Thiều, ngoài các món ăn dân dã độc đáo không thể không kể đến những thức ăn chơi trứ danh...

Gọi là món ăn chơi bởi nó không phải là món trong bữa chính mà nó chỉ là món ăn trong bữa sáng, bữa tối hoặc giữa bữa... những món không để ăn no mà chỉ có tính chất thưởng thức.

Đọc tản văn Nguyễn Quang Thiều, bạn đọc sẽ có dịp đi qua những miền nhớ thương, để có thể nếm lại những món ngày xưa như: Bánh khúc, bánh đúc riêu cua, món khoai đốm...

Mỗi lần nhớ về bà là kí ức về cánh đồng rau khúc, món bánh khúc lại xuất hiện. Từ sự ám ảnh về “hương rau khúc tươi trên cánh đồng làng”, “cánh đồng như chìm trong mưa bụi luênh loang” khi rau khúc nở trắng đồng đến cách làm bánh khúc cầu kì cùa bà từ hái rau, giã rau, nhào bột, nặn bánh với nhân gồm mỡ nước, đậu tằm đồ chín và hành lá cùng với nếp bao quanh bánh.

Đặc biệt, người viết không thể nào quên cảm giác ấm áp khi ngồi bên bếp lửa chờ bà đổ bánh khúc, để nghe mùi "ngon đến lạ lùng" của món bánh này.

Hương vị ấy khiến tác giả thao thức đến tận bây giờ: “Mùi thơm ngậy của rau khúc đồ chín, mùi của gạo nếp, mùi của nhân đậu xanh hòa quyện với mùi hành mỡ tỏa ra và làm nên một thứ ẩm thực chứa đầy hạnh phúc lạ lùng trong tâm khảm tôi. Không phải hạnh phúc của một kẻ đói khát được ăn. Một thứ hạnh phúc của ẩm thực nhưng thiêng liêng và da diết mơ hồ” (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc).

Với tác giả, việc thưởng thức những thức quà quê đã trở thành một niềm hạnh phúc vô ngần, có lúc tác giả còn nâng nó lên như là một yếu tố của đức tin, của những giá trị không gì có thể thay thế “Tôi nâng chiếc bánh khúc lên như nâng một báu vật” (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc).

Trong miên man nỗi hoài nhớ, dòng kí ức của tác giả lại đưa người đọc về với những phiên chợ quê. Những buổi theo bà, theo mẹ đi chợ Tía của làng Chùa vẫn rộn ràng trong kí ức của Nguyễn Quang Thiều. Ngày xưa, ai mỗi lần được mẹ dắt đi chợ thì coi như là được tưởng thưởng vào một dịp rất đặc biệt.

Sau khi người lớn mua bán xong, những đứa trẻ ấy được người lớn hào phóng dắt qua hàng đồ ăn để đãi một vài thứ quà quê. Mãi đến bây giờ nhà văn vẫn còn nguyên cảm giác khi được nếm món bánh đúc riêu cua ở phiên chợ làng quê, đó là bát bánh đúc khiến tác giả “ngất ngây tựa như người say” và “Lần nào đi chợ ăn bánh đúc riêu cua tôi cũng húp đến giọt canh cuối cùng trong bát” (Bánh đúc riêu cua và bí mật của bà tôi).

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi rất sâu lắng, các thức quàlàng Chùa xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm.

Mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người thôn quê những rất tinh tế trong cách chế biến và thưởng thức các món ăn.

Đối với Nguyễn Quang Thiều, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, là thần thái, cũng như bộc lộ nét văn hóa trong cách thưởng thức bởi: "Ăn quà cũng là một nghệ thuật".

Và với Nguyễn Quang Thiều và người dân làng Chùa, những thức quà quê chính là những chỉ dẫn văn hóa để mọi người có thể tìm về với nguồn cội của mình.  

Qua việc vực dậy ký ức ấy, những trang văn của Nguyễn Quang Thiều giúp người đọc không chỉ sống chậm mà là rất chậm. Văn của ông gần gũi, chậm rãi đi qua những hoài nhớ. Cái tình của người con làng Chùa lan tỏa nên cảm giác những con chữ ấy hình như vẫn chưa chở hết cái tình cảm đầm đìa ở trong lòng tác giả.

Đọc tản văn của Nguyễn Quang Thiều, chúng ta lại như được trở về với quê, với những gì tin yêu nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

***********

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Thiều (2012), "Có một kẻ rời bỏ thành phố", Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

2. Nguyễn Quang Thiều (2017), "Mùi của kí ức", Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ