Dù chưa phải chính ngày hội nhưng hàng nghìn người vẫn nô nức về Yên Tử dịp Tết Nguyên Đán để chiêm bái và lễ Phật. |
Với những người con đất Việt, về Yên Tử còn là về với cội nguồn của dân tộc, nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập dòng thiền mang bản sắc thuần Việt.
Sớm mùng 1 Tết, Yên Tử trang nghiêm, trầm mặc với những vườn tháp cổ mờ sương, tiếng kinh cầu quốc thái dân an và tiếng chuông chùa thong thả buông, đón chào năm mới.
Núi Yên Tử còn được gọi là Bạch Vân Sơn hay Phù Vân Sơn cao 1.068 mét so với mặt nước biển. Xưa kia, năm 1299, vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông thắng lợi đã rời bỏ ngai vàng về Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng Thiền đã trở thành nền tảng tư tưởng của phật giáo Việt Nam.
Người dân thắp nén nhang thơm, cầu mong Quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. |
Để lên được đỉnh thiêng Yên Tử, du khách có thể đi cáp treo với quãng thời gian di chuyển được rút ngắn. Tuy nhiên, nhiều du khách đã chọn cách đi bộ qua những rừng trúc, rừng tùng cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, để đến những ngôi chùa cổ in dấu bước chân Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành như chùa Giải oan, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, Hoa Yên… Tất cả được xây dựng theo kiến trúc chùa cổ Việt Nam hình chữ công với mái vút cong hướng ra biển.
Qua hàng nghìn bậc đá cheo leo vắt ngược, đỉnh chùa Đồng ở độ cao 1.068m hiện ra trước mắt sau màn mây bao phủ. Du khách như trút bỏ tất cả những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường để thấy tâm mình sáng hơn, hướng hiện hơn trong khung cảnh lòng người, đất trời hòa quyện cùng cảnh phật.
“Phật là ngay tại tâm mình. Về với Yên Tử không phải cầu mà được. Về với Yên tử là về với nội tâm của chính mình. Nên đó chiêm ngưỡng cảnh nước non hùng vĩ cùng hào khí của ông cha đặc biệt là với tư tưởng của phật giáo Trúc lâm để chúng ta chiêm nghiệm.
Chúng ta thả hồn thanh thản, sống với cái tâm thực tại. Hay nói cách khác chúng ta sống với tâm thiện, làm mọi việc tốt đạo, đẹp đời. Từ đó có ý chí, suy nghĩ, hành động và ý chí đưa lại tốt đẹp cho mọi người và mọi loài. Đó mới là về với phật”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nói.
Dù đã tuổi cao sức yếu, nhiều cụ già vẫn về Yên Tử chỉ để tìm về cội nguồn của dân tộc, về với đức Phật và về với chính mình. |
Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua cùng sự biến thiên của tạo hóa đất trời có những am, chùa của Yên Tử trở thành phế tích, có những công trình được trùng tu, tôn tạo song những giá trị lịch sử văn hoá, tư tưởng đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông còn mãi với thời gian như chính di sản trong lòng người dân đất Việt.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Tinh thần cơ bản nhất của Trúc lâm Yên tử là gắn giáo lý rất cao sang của nhà Phật với đời sống của người dân. Cho đến bây giờ chúng ta thấy điều này càng phát huy trong đời sống. Rằng phật giáo không phải là cái gì đó xa xôi mà là tư tưởng gắn liền với con người.
“Từ nếp ăn, cách ở đến cách ứng xử trong đời sống xã hội, tạo dựng được những giá trị trong đời sống con người với con người cũng như trách nhiệm của con người với xã hội và Quốc gia. Mà biểu tượng Trần Nhân Tông có sức sống lâu dài. Mà chúng tôi được biết những tư tưởng ấy không chỉ Việt Nam kế thừa và phát huy mà Phật giáo thế giới cũng ghi nhận và trân trọng những giá trị nhân bản và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay”, ông Dương Trung Quốc nói.
Xuân về, Yên Tử khoác lên mình màu vàng tươi của những rừng đại lão mai vàng đang nở rộ. Tương truyền đây là loài hoa được Trúc lâm Đại đầu đà Trần Nhân Tông mang về trồng ở non thiêng. Trong màn sương mờ của dãy Yên Tử, dòng người chầm chậm nối tiếp nhau.
Đứng trước bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trên đỉnh thiêng Yên Tử hay dưới chân chùa Đồng, dâng nén tâm hương mỗi người sẽ hướng lòng mình về cõi thanh tịnh và chân, thiện... Mỗi sắc màu, mỗi bước chân, mỗi tấm lòng tìm về cõi Phật đang dệt nên bức tranh Xuân...