TS-BS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trả lời:
Bình thường, người trưởng thành ở Việt Nam được khuyến cáo ăn khoảng 5 g muối/ngày và nếu mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, thận thì cần thực hiện chế độ ăn giảm muối; thế nhưng người Việt đang ăn gấp đôi số lượng muối cần thiết. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Việc giảm muối trong chế độ ăn phụ thuộc rất nhiều vào cách nấu nướng của người nội trợ, thói quen lựa chọn thực phẩm và ăn uống...
Một số cách hạn chế lượng muối ăn vào là giảm dần gia vị khi nấu ăn; hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn như: giò, chả, xúc xích, bơ mặn... vì những thực phẩm này đã sử dụng muối trong quá trình chế biến. Hạn chế dùng gia vị có muối khi chấm trực tiếp trên bàn ăn như nước mắm, các loại mắm tôm, tép, tương cà chua, hoặc các loại nước sốt pha sẵn… tất cả các loại đó đều có chứa muối.
Đặc biệt các loại mắm làm từ các loại cá, tôm, ruốc (moi), tép, cua, cáy có lượng muối đặc biệt cao, ví dụ chỉ với 5 g mắm tôm chứa 515 mg muối, 5 g mắm tép chua chứa 135 mg muối. Một số món ăn "đưa cơm" như dưa muối, cà muối, bắp cải muối cũng chứa lượng muối khá cao như 100 g dưa chuột muối có khoảng 2,5 g muối. Các loại thịt, cá ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… đều chứa sẵn muối nên đây là những thực phẩm cần hạn chế chấm thêm gia vị chứa muối trong khi ăn.
Các loại súp, nước dùng cũng chứa nhiều muối. Trong 1 bát phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200 ml nước dùng) chứa khoảng 2-4 g muối. Ngoài ra, một số đồ ăn vặt như bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Đơn cử, trong gói bim bim 48 g có tới gần 900 mg muối; trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3 g có tới 195 mg muối. Hầu hết các loại hải sản đều chứa nhiều muối hơn các loại sinh vật sống trong nước ngọt. Nên lưu ý khi nấu, chế biến các loại thực phẩm này, cho thêm ít muối hơn các loại khác.