Những “thiên thần” mùa thi

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lại nhiều ấn tượng với thí sinh và người nhà, cán bộ coi thi. Đó là những người thầy đồng hành với học trò của mình trong năm học nay lại thay cha mẹ đưa trò đi thi, lo chỗ ăn, ở, động viên tinh thần các em. Bên cạnh đó còn có thí sinh đặc biệt bởi họ đi thi khi lên chức ông bà. Hay những sĩ tử luôn vững vàng trên hành trình chinh phục tri thức dù mang trong mình nhiều bệnh tật. Chúng tôi gọi đó là những “thiên thần”.

Các HS lớp 12 Trường THPT Kim Bình được thầy cô chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ
Các HS lớp 12 Trường THPT Kim Bình được thầy cô chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ

Việc học không bao giờ muộn

Hội đồng thi Trường THCS và DTNT A Lưới huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vừa là điểm thi xa nhất của tỉnh đồng thời có nhiều thí sinh đặc biệt. Ông Hồ Quang Đông (55 tuổi, có 4 người con và 2 đứa cháu) là một trong số đó.

Ông Đông sinh sống tại xã Hồng Vân (H.A Lưới – Thừa Thiên - Huế) là Bí thư Chi bộ thôn Ca Cú 2, xã Hồng Vân (huyện A Lưới). Sau khi học hết cấp 2, ông đi nghĩa vụ quân sự rồi về nhà lấy vợ sinh con và theo nghề làm nông, rẫy tại quê nhà.

Chẳng ai ngờ ở tuổi 55, sự học lại trỗi dậy, ông đăng ký vào học lớp 10 ở Trường Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới năm 2015. Từ đó, đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu, ông một mình chạy xe 17km từ xã biên giới Hồng Vân để ra thị trấn A Lưới học để học cho đến hết lớp 12.

Thí sinh Hồ Quang Đông 55 tuổi dù đã có cháu nội nhưng ông vẫn quyết tâm đi thi để con cháu noi gương
  • Thí sinh Hồ Quang Đông 55 tuổi dù đã có cháu nội nhưng ông vẫn quyết tâm đi thi để con cháu noi gương

“Qua 3 năm đèn sách, năm nay dù đã tuổi cao nhưng tôi vẫn đi thi tốt nghiệp THPT”- ông Đông kể. Suốt thời gian học cấp 3 ở trường dù hay bị lớp trẻ đùa “Chú học để làm gì?”, ông chỉ cười và nói: “Không bao giờ là quá muộn đối với việc học!”. Kỳ thi lần này, mục đích chính của ông Đông là làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước để xóa mù chữ và một lý do khác không kém phần quan trọng, là làm gương cho con cháu.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Đông thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và tổ hợp Khoa học xã hội.“Nếu thi đậu lấy được tấm bằng 12 thì càng tốt mà không đậu thì năm sau tôi thi tiếp. Tôi muốn là tấm gương để con cháu nhìn vào phấn đấu, coi trọng việc học”, ông Đông nói.

Hình ảnh bố con Thiên Phú cùng nhau đến trường thi đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng mọi người
  • Hình ảnh bố con Thiên Phú cùng nhau đến trường thi đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng mọi người

Vượt qua chính mình

Gặp Nguyễn Thiên Phú khi em được bố là ông Nguyễn Văn Tân đẩy xe lăn đưa em đến điểm thi Trường THPT Quốc học Huế khiến chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực của cậu học trò vượt lên bệnh tật để chinh phục tri thức.

Không may bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ, mọi việc đi lại đều phải nhờ người thân giúp sức. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và ý chí vươn lên, khi còn là học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng, TP Huế, Phú là học sinh giỏi tiếng Anh. Chính sự đam mê ấy đã giúp em gặt hái liên tiếp được nhiều giải như giải Nhì tiếng Anh cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải Ba tiếng Anh trên mạng toàn quốc, giải Ba tài năng tiếng Anh toàn quốc. Năm học 2016, Phú thi đỗ vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT Quốc học Huế.

Đặc biệt, trong suốt hai ngày thi vừa qua với với các cán bộ, thí sinh ở điểm thi Trường THPT chuyên Quốc Học còn khâm phục tình cảm người cha dành cho Phú. Dù đôi chân không lành lặn nhưng ông vẫn muốn tự mình lo cho con. Điều kiện kinh tế không cho phép nên để con đi taxi, còn mình đi xe máy theo sau nhằm giảm chi phí.

Dù làm bài thi trên xe lăn, song Phú vẫn niềm nở chia sẻ: “Năm nay em đăng ký dự thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế. Môn thi Ngữ Văn em làm bài tốt và cố gắng hoàn thành xuất sắc các môn thi còn lại để thực hiện ước mơ bước vào giảng đường”.

Để hành trình chinh phục tri thức của Phú bớt gian nan, nhà trường trang bị một chiếc xe lăn điện để em có thể tự điều khiển di chuyển. Các thầy cô giáo cho biết, ngoài giỏi tiếng Anh, Phú còn học giỏi các môn tự nhiên và xã hội, đặc biệt với các hoạt động của lớp, của nhà trường, Phú đều tham gia tích cực.

Cô Nguyễn Thị May và nam sinh Hoàng Văn Dũng
  • Cô Nguyễn Thị May và nam sinh Hoàng Văn Dũng

Người mẹ thứ hai

Dù đang là thời gian nghỉ hè nhưng với thầy cô Trường THPT Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bận rộn chẳng khác nào ngày thường. Hết lo chuyện ôn tập cho trò, nay họ chuyển vai thành người cha, người mẹ chăm các em từ bữa ăn tới giấc ngủ và là chỗ dựa để các em vững tâm trong suốt kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Trường THPT Kim Bình có 181 HS dự thi, trong đó 120 em ở lại trường. Do KTX của trường chỉ phục vụ được 80 HS nên các thầy cô liên hệ với nhà dân ở ngoài khu vực cổng trường và lân cận cho 40 HS ở trọ với mục tiêu không để HS vì khó khăn đường xa, vì lý do thời tiết, khó khăn trong cuộc sống… mà bỏ thi.

Thầy Hoàng Đức Lợi – GV Thể dục và thầy Đoàn Út Bảy – GV môn Sinh học được giao thêm nhiệm vụ quản sinh, chăm lo cho HS từ miếng cơm, giấc ngủ, đôn đốc các em học tập. Hỏi chuyện thầy Lợi và thầy Bảy, cả hai không nói nhiều về bản thân mà chỉ thương các HS nhà nghèo, hoàn cảnh éo le vẫn cố gắng vươn lên. Có em về nhà bố mẹ cho mang gạo, mang rau cùng 15.000 đồng lên trường để chi tiêu cho 1… tháng. Thấy HS thiếu thốn, thầy cô lại san sẻ cho các em.

Có HS ham học nhưng bố mẹ bỏ nhau, không màng con cái, thế là cứ bơ vơ lủi thủi trong KTX, thầy cô biết chuyện lại động viên em cố gắng theo học, đi thi có tấm bằng THPT xin việc tự lập cuộc sống… Nhà trường đùm bọc HS, thầy cô có rau, có thịt đều không quên những “đứa con” KTX của mình.

Dù thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa khi phải làm bài thi trên xe lăn nhưng Phú tự tin mình sẽ đỗ đại học
  • Dù thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa khi phải làm bài thi trên xe lăn nhưng Phú tự tin mình sẽ đỗ đại học

Cũng như thầy Lợi, thầy Dũng, cô Nguyễn Thị May tranh thủ giờ trưa được nghỉ sau buổi làm công tác coi thi tại điểm Trường THPT Kim Bình lại ra khu KTX để xem HS ăn uống nghỉ ngơi ra sao, có làm được bài thi buổi sáng hay không. Nhìn đám HS ăn rào rào như tằm ăn rỗi, cô vui lắm. Đặc biệt, khi thấy nụ cười của nam sinh Hoàng Văn Dũng với các bạn, cô thấy dâng trào cảm giác hạnh phúc của một người mẹ.

Hoàng Văn Dũng là học sinh dân tộc Tày – học lớp 12C4. Bố Dũng mất năm em 15 tuổi. Mẹ em đi bước nữa. Dũng ở với ông bà ngoại hiện đã già. Cô May nhớ lại lần đầu gặp Dũng khi nhận công tác chủ nhiệm lớp 12, em nhút nhát, ít nói, khi đến lớp thì thiếu ăn đến mức xanh xao, mệt mỏi. Cô May đã tìm hiểu hoàn cảnh riêng của Dũng và vô cùng bất ngờ về nghị lực của cậu học trò.

Thì ra ngoài giờ lên lớp, Dũng còn đi đào cây thuốc nam thuê để lấy tiền ăn học. Biết chuyện, cô May đã trao đổi với bác dâu của Dũng để đưa em về ở nhà bác, đồng thời đề nghị nhà trường quan tâm, hỗ trợ cho em. Kêu gọi các nguồn tài trợ, xã hội hóa, Trường THPT Kim Bình đã hỗ trợ cho Dũng 1/2 học phí. Bản thân Dũng vẫn hàng ngày đi đào cây thuốc nam thuê, tự mình đóng 1/2 học phí còn lại.

Không kêu ca, phàn nàn cuộc sống khó khăn vất vả, Dũng dần dần tìm được niềm vui trong cuộc sống. Trước Dũng không hòa hợp được với các bạn, đến lớp là xách cặp ra ngồi một góc. Nhưng giờ khác rồi. Ôn thi ở nhà không hiệu quả, Dũng dọn lên ở KTX với các bạn để ôn thi, đi thi cùng nhau! Hỏi Dũng về dự định tương lai, em chia sẻ: “Em cố gắng thi, có bằng THPT rồi xin đi làm công nhân. Để đến được trường thi hôm nay, em biết ơn cô May và nhà trường nhiều lắm!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.