Khi đại biểu Quốc hội là nhà giáo

GD&TĐ - Ở tuổi 34, cô giáo Đinh Thị Bình, giáo viên Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiệm kì 2016 - 2021, đoàn Phú Thọ. Cô cũng là một trong 21 đại biểu không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV vào năm 2016.

Khi đại biểu Quốc hội là nhà giáo

Từ cô trò nghèo thành đại biểu Quốc hội

Vốn là học sinh nghèo, sinh ra và lớn lên trên quê hương miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cô Đinh Thị Bình cho biết mình luôn nuôi dưỡng khát khao trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho các học trò nhỏ. Với mơ ước ấy, tốt nghiệp phổ thông, cô nữ sinh vùng núi nỗ lực ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi nộp hồ sơ tình nguyện lên dạy học tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu sau khi ra trường.

Vài năm sau, vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, cô Bình xin chuyển về công tác tại quê nhà, trở thành giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Có chuyên môn vững, cộng sức trẻ và nhiệt huyết, hơn chục năm công tác, cô giáo trẻ đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng đồng nghiệp và học trò; được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen và công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong nhiều năm liền. “Bên cạnh những thành tích ấy, tình cảm quý mến của các đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và sự tin yêu của nhiều thế hệ học trò mà tôi nhận được có lẽ là món quà quý giá nhất, cũng có thể coi là thành tích lớn nhất mà bản thân đã đạt được trong những năm qua” – cô Đinh Thị Bình chia sẻ.

Năm 2016, khi nhận được thông tin mình sẽ trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, cô Bình cho biết bản thân thực sự cảm thấy rất lo lắng. Bởi lẽ, trước đây mình chủ yếu là dạy học với những công việc thuần túy về chuyên môn, ít có cơ hội tiếp cận với các hoạt động chính trị của đất nước. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ, của tập thể lãnh đạo nhà trường, cùng các cơ quan ban ngành hữu quan, cô giáo trẻ đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ trong suốt quá trình ứng cử.

“Khi nhận được kết quả mình đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tôi hiểu rằng, bản thân sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa để có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ của một cô giáo, vừa hoàn thành trọng trách của người đại biểu nhân dân” – nữ đại biểu Quốc hội trải lòng.

Khó khăn lớn nhất là thời gian

Gánh trên vai hai nhiệm vụ đã khiến cho công việc và cuộc sống gia đình nữ đại biểu Quốc hội 34 tuổi gặp phải nhiều khó khăn. Cô chia sẻ: Với gia đình, phải thường xuyên công tác xa, dài ngày nên tôi không thể chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già và các con nhỏ. May nhờ các thành viên trong gia đình luôn ủng hộ nên cô Bình có thể yên tâm tập trung cho công tác chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội.

Khó khăn lớn nhất là làm sao hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ trong khi quỹ thời gian thì có hạn. Kinh nghiệm của cô Bình là sắp xếp thời gian thật khoa học; nhưng dù có cố gắng đến đâu thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác giảng dạy; sự gắn bó giữa cô và trò phần nào bị ảnh hưởng do cô giáo quá bận rộn.

“Có một kỷ niệm tôi không thể quên, đó là khi một học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của tôi đang gặp vấn đề về gia đình và muốn nghỉ thi học sinh giỏi. Tôi dự định sẽ gọi điện thoại để trao đổi, tư vấn ngay cho em bởi chỉ còn một ngày nữa là đến kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Thế nhưng cùng lúc ấy, tôi nhận được cuộc điện thoại của một cử tri muốn trình bày kiến nghị của mình về vấn đề đất đai để thông qua đại biểu chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết.

Cuộc trao đổi lâu và phức tạp đến mức tôi suýt quên mất cuộc gọi với học trò. Mãi đến khuya, tôi mới kịp nhớ ra và lập tức điện thoại để trao đổi với học sinh của mình. Sau khi nhận được trao đổi từ tôi, vấn đề của em mới tạm ổn, em cũng đã tham dự kì thi vào ngày hôm sau với kết quả tốt. Tôi tự hỏi, nếu vì cuộc gọi với cử tri mà tôi quên mất cuộc gọi với học trò thì không biết kết quả sẽ như thế nào? Do vậy việc sắp xếp thời gian làm việc với một đại biểu nhân dân là hết sức quan trọng” – cô Đinh Thị Bình kể lại.

Lắng nghe và chia sẻ

Cô Bình cho biết, nếu trước đây khi là một giáo viên, bản thân luôn được học sinh tin tưởng để chia sẻ và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; thì nay, là một đại biểu Quốc hội còn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân, trong đó có đội ngũ những người làm trong ngành Giáo dục. Nữ giáo viên – đại biểu Quốc hội khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn xác định sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nên đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cho giáo dục.

Tuy nhiên, điều kiện dạy và học, đời sống của giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Bởi vậy, nữ đại biểu trẻ tuổi luôn mong muốn quá trình ban hành chính sách, pháp luật, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là phải coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai.

Từ đó, cần tập trung nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập hiện nay như tình trạng giáo viên ở các địa phương, quan tâm nhiều hơn nữa đến những vùng khó khăn để nâng cao điều kiện dạy và học, có chính sách đãi ngộ xứng đáng để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ