Đồng thuận cao với các dự thảo luật sửa đổi của ngành Giáo dục

GD&TĐ - Tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Các hội thảo diễn ra lần lượt dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Văn Phúc.

Đồng thuận cao với các dự thảo luật sửa đổi của ngành Giáo dục

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức tại các vùng, miền trong cả nước để lấy ý kiến rộng rãi góp ý cho hai dự thảo luật quan trọng này.

Nâng chuẩn GV tiểu học hoàn toàn có tính khả thi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Luật Giáo dục (GD) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động GD.

Qua gần 12 năm thực hiện, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp GD, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật GD đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện.

Bộ GD&ĐT cũng như Ban soạn thảo dự án Luật nhận thấy, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật sẽ rất có lợi, vì qua đó những người hoạch định chính sách sẽ hiểu sát thực tiễn để có những quy định phù hợp với cuộc sống.

Đồng thời, việc lấy ý kiến còn nhằm cung cấp thêm cho Bộ GD&ĐT, Ban soạn thảo những thông tin, cách nhìn từ thực tế để từ đó xem xét, cân nhắc và có những điều chỉnh cần thiết, đảm bảo cho dự án Luật mang tính cụ thể, sát thực tế và dễ đi vào cuộc sống hơn.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham gia góp ý đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD.

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật GD, cá nhân ông đồng tình và thống nhất cao, đặc biệt là những vấn đề mà dự thảo đề ra, trong đó có vấn đề chính sách nhà giáo và HS. “Nâng chuẩn trình độ giáo viên (GV) tiểu học, chúng tôi đồng tình và thống nhất cao. Tôi cho rằng, điều này có tính khả thi, thậm chí giáo viên mầm non chúng ta cũng dần quy định trình độ cao đẳng”, ông Hoàng Văn Thi nêu rõ.

Về vấn đề miễn học phí cấp THCS không phải đóng học phí, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa và một số đại biểu khác cũng bày tỏ sự đồng tình, nhưng cũng đề nghị cân nhắc về vấn đề nguồn kinh phí đề thực hiện chính sách này, khi mà ngân sách cho GD vẫn còn hạn chế.

Đóng góp cho dự thảo, ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên đánh giá: “Tôi nhận thấy việc sửa đổi lần này rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu, với thực tiễn. Chúng tôi mong muốn được điều chỉnh và luật hoá như chương trình GD, nội dung, SGK, định hướng nghề nghiệp… nhất là vấn đề lương nhà giáo được quan tâm hơn, miễn học phí đối với THCS. Theo tôi nâng chuẩn GV tiểu học là cần thiết. Trên tinh thần chung, chúng tôi nhất trí với bản Dự thảo bổ sung sửa đổi một số điều của Luật GD. Hi vọng bản dự thảo sau khi được thông qua sẽ có tác động tích cực đến GV, tạo động lực cho nhà giáo gắn bó với nghề”.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD diễn ra trong sáng 5/12, thu hút 28 ý kiến phát biểu của các đại biểu ở nhiều góc độ khác nhau từ các cơ sở GD - đối tượng chịu nhiều tác động của luật; cơ bản đều thống nhất với nội dung dự thảo luật nêu ra, đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung 3 vấn đề về miễn học phí THCS, nâng lương GV ở mức cao nhất trong bảng lương sự nghiệp hành chính, nâng chuẩn GV tiểu học.

Các ý kiến góp ý đều khẳng định sự đồng tình, đánh giá cao trong dự thảo, có ý kiến đề xuất mang tính đột phá như nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm chất lượng GD… Nhiều ý kiến bổ sung chúng tôi xin tiếp thu như miễn học phí mầm non 5 tuổi, xây dựng TTGDTX cấp huyện, lương cán bộ QL, cơ sở GDTX có đầu tư nước ngoài… Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, sẽ tiếp thu và ghi nhận, nhận diện đầy đủ, toàn diện hơn để bổ sung vào dự thảo, đảm bảo đúng tiến độ thời gian trình Bộ Tư pháp trong tháng 12 này.

Băn khoăn cơ cấu Hội đồng trường

Chiều cùng ngày, Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc. Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp về những nội dung: Mô hình, cấu trúc các cơ sở GD ĐH; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD ĐH; Phân tầng, xếp hạng ĐH; Cơ quan chủ quản các cơ sở GD ĐH; Quản trị ĐH; Kiểm định chất lượng các cơ sở GD ĐH; Điều kiện đảm bảo chất lượng GD ĐH; cơ cấu và hoạt động của Hội đồng trường (HĐT)...

Theo bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Dự thảo cần thể hiện rõ hơn tự chủ, sự phân định giữa Hiệu trưởng với HĐT; nên theo sự quản trị của doanh nghiệp, HĐT cần hoạt động kiểm toán nội bộ. SV tham gia vào HĐT là rất cần thiết, với các tổ chức kiểm định quốc tế nếu không đưa sinh viên vào không qua được kiểm định quốc tế. Thành phần ngoài trường nên tăng vì đây là cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, sự kết nối với trường sẽ giúp tạo việc làm cho SV, đưa ra những ý kiến, kinh nghiệm quý báu cho nhà trường.

Cũng quan tâm đến vấn đề HĐT, ông Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải cho biết Trường ĐH Hàng hải là trường có HĐT sớm nhất, đến nay vai trò HĐT vẫn chưa rõ ràng, chưa thực sự phát huy. Hiệu trưởng nên kiêm Bí thư Đảng ủy. HĐT sẽ bầu Hiệu trưởng nhưng một số bộ, ngành thi chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, liệu có mâu thuẫn với Luật? HĐT chỉ nên để tối thiểu 20% thành viên bên ngoài. Về quy hoạch mạng lưới, nên gắn quy hoạch mạng lưới với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, nếu không sẽ bị chồng chéo.

Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải nhận xét: Tính kế thừa, giải quyết được những vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Việc sửa đổi chiếm 50% hàm lượng số điều luật nhưng giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có hội nhập. Ông Đông ý kiến: Cần xem xét đưa tỷ lệ cán bộ giảng viên trong HĐT tăng lên, tỷ lệ bên ngoài nên giảm xuống khoảng 20%. Vai trò của các ĐH, trường ĐH trong phát triển khoa học công nghệ ngày càng cao, bởi vậy, các điều liên quan, 38, 39, 40 phải được đề xuất rất cụ thể. Ví dụ Điều 40, xây dựng các phòng thí nghiệm là chưa đủ mà là xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh đánh giá cao dự thảo này đã tiếp thu các ý kiến góp ý từ dự thảo trước. Ông ý kiến: Điều 9 phân tầng xếp hạng cơ sở GD ĐH: Có những trường cả nghiên cứu, cả ứng dụng, trong các trường có viện nghiên cứu. Điều 15: Thống nhất cơ sở ĐH thì ĐH quốc gia, ĐH vùng có quy định trong luật không hay sau này có văn bản dưới luật. Điều 33: Mở ngành, trao cho các quyền xác định mở ngành đào tạo ĐH, thạc sĩ, điều kiện mới ngành nên cho trường quyết định.

Cho rằng dự thảo Luật có nhiều đột phá nhằm phát triển GD ĐH, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp - bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề tự chủ của cơ sở. Theo bà, thời gian qua đã thí điểm tự chủ, có nhiều điểm đã được đưa vào Luật nhưng còn nhiều điểm chưa rõ. Từ thực tế đó, bà đề nghị viết lại Điều 16, quan điểm chung HĐT chỉ quyết định về chiến lược, viết dễ, nhưng khi thực hiện rất khó khăn. Tiêu chuẩn Chủ tịch HĐT phải có quy định cụ thể vì Chủ tịch HĐT cần có tầm, phải tính đến cả yếu tố đặc thù của mỗi trường. HĐT kiểm soát tài chính phải có trình độ về tài chính mới làm được, nếu không lại mất thêm một ban bệ để hỗ trợ.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống GD ĐH, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở GD ĐH.

4 nội dung chính sách lớn tập trung trong Dự thảo (mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH; đổi mới quản trị ĐH; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tăng cường tự chủ của các trường ĐH), Ban soạn thảo cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ sở GD ĐH, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tiến hành điều chỉnh, bổ sung tổng cộng 36 Điều trên tổng số 73 Điều của Luật GD ĐH hiện hành.

Mong muốn, tinh thần chung là tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở GD ĐH, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống GD ĐH, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.