Những thành quả từ nỗ lực của toàn ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội

Những thành quả từ nỗ lực của toàn ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội

(GD&TĐ) - Sáng 16-7 hội nghị toàn quốc về tổng kết năm học 2010-2011, triển khai nhiệm vụ năm học mới, tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg và sơ kết 3 năm phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”  đã chính thức khai mạc tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Về dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, và hơn 500 đại biểu từ các tỉnh thành trên cả nước..

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Những chuyển biến tích cực

Trong ngày làm việc đầu tiên (16-7-2011), những thành tựu mà ngành Giáo dục đạt được sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, ba năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011 đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính Phủ. Những chuyển biến tích cực của toàn ngành là điều được nhiều đại biểu tán đồng. Sau 4 năm triển khai cuộc vận động ‘Hai không”, chất lượng giáo dục của toàn ngành của mọi cấp học không chỉ được nâng cao mà còn có những đổi mới mang tính chiều sâu, căn bản. Trật tự kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã được siết chặt, các vụ tiêu cực nghiêm trọng đã được chấm dứt. Những vụ việc tiêu cực bất thường xảy ra đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy chế. Số thí sinh bị đình chỉ thi giảm mạnh từ 2.621 em năm 2007 còn 45 em năm 2011. Số học sinh yếu kém đã giảm, số học sinh bỏ học giảm đáng kể qua các năm, từ 148.082(0,9%) em năm học 2007 xuống còn 75.691(0,51%) em vào năm 2010. Kết quả thi tốt nghiệp THPT được nâng lên qua từng năm phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Cụ thể, năm 2008 tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007. Năm 2009 tỉ lệ tốt nghiệp là 83% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7% so với năm 2008. Năm 2010 tỉ lệ tốt nghệp là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009. Năm 2011 tỉ lệ tốt nghiệp là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT như vậy đã khẳng định ngay từ những năm đầu tiên thực hiện “Hai không”, chất lượng giáo dục thực chất đã được xác lập và tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiệm cận dần đều theo hướng ổn định hơn vào những năm sau. Bệnh thành tích trong công tác thi đua đã giảm một cách rõ rệt, thông qua việc thực hiện đánh giá thi đua theo vùng, góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành cũng như nâng cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Hàng năm lãnh đạo Sở GD các tỉnh thành đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính Phủ; Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, đánh giá và xác định các biểu hiện tiêu cực, bệnh thành tích nhằm triệt tiêu để hướng đến một kết quả giáo dục dạy thật- học thật-thi thật và kết quả thật. Song song đó, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao tính tích cực dạy-học, rèn luyện của giáo viên và học sinh, làm đổi mới bộ mặt trường lớp. Ý thức tự giác học tập của học sinh, những sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy của giáo viên ngày càng có điều kiện phát huy. Chính vì thế, nếu như năm 2008 cả nước có 122 vụ vi phạm đạo đức nhà giáo thì đến năm 2009 chỉ còn 24 vụ, năm 2010 là 10 vụ và đến 6-2011 chỉ còn 3 vụ. Nhiều tấm gương tận tụy với học sinh, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, vì sự phát triển của đất nước đã được ngành kịp thời tuyên dương và khen thưởng, giúp phong trào mang lại hiệu quả rất tốt.

Thu tuong Nguyen Tan Dung, Pho Thu tuong Nguyen Thien Nhan tro chuyen, dong vien hoc sinh xuat sac tinh Dong Thap
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện, động viên học sinh xuất sắc tỉnh Đồng Tháp

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam cho rằng những đổi mới của ngành Giáo dục trong những năm học vừa qua, cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là đậm nét và có thành tựu. Điều đó cho thấy sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị - xã hội. Ngoài công tác tuyên truyền, hỗ trợ bằng nhiều chính sách cho giáo viên, học sinh, ngành Giáo dục còn kêu gọi Hội Khuyến học, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam… thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục một cách hiệu quả, góp phần hiệu quả đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân. Ví dụ, cuộc vận động “Tiếp bước em đến trường” của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã vận động, quyên góp được hơn 1,1 tỉ đồng, tổ chức trao 330 sổ tiết kiệm (3 triệu đồng/ sổ) với tổng số 990 triệu cho 330 em học sinh nghèo thuộc 11 tỉnh khắp cả nước…

Chất lượng giáo dục được nâng cao là không thể phủ nhận

Đây là điều mà gần như tất cả các ý kiến phát biểu tại hội nghị hôm nay đều khẳng định. Bởi những kết quả mà cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mang lại là không thể phủ nhận.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ, GĐ Sở GDĐT TP Hà Nội khẳng định: Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg, 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng THTH, HSTC”, chất lượng giáo dục của TP Hà Nội có bước tiến bộ vượt bậc. Rõ nhất là lượng học sinh giỏi cấp quốc gia tăng nhanh. Năm 2009, có 107 học sinh, năm 2010, có 118 học sinh và năm nay 2011 lên 130. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cũng tăng, năm 2010 là 94,63%, năm 2011 là 97,79%. Về quản lý tài chính, Hà Nội phân bổ chỉ tiêu ngân sách 4 triệu đồng/học sinh/năm. Điều này giúp các trường chủ động tài chính ngay từ đầu năm học. Hà Nội cũng chi 1.500 tỉ đồng, xóa 5.523 phòng học tạm. Phấn đấu đến 2015 Hà Nội có 50% trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ từ xã hội, ngành giáo dục Hà Nội cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển giáo dục một cách bền vững hơn. Đó là cần phân cấp quản lý giáo dục trên địa bàn quận huyện. Vì phòng Giáo dục quản lý chuyên môn, phòng Nội vụ quản lý nhân sự, phòng tài chính quản lý ngân sách. Cần có cơ chế quản lý thống nhất. Vấn đề xã hội hóa mầm non ngoài công lập đang được TP Hà Nội tích cực đẩy mạnh. Ở đây áp lực và đòi hỏi của phụ huynh đối với hệ thống trường công lập là quá lớn. Điều đó khiến cho công tác xã hội hóa giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Hiện nay, TP Hà Nội đã đáp ứng được 85% số trẻ trong công lập và chỉ còn 15% số trẻ ngoài công lập. Đây thật sự là một cố gắng rất lớn của giáo dục Thủ Đô khi mà áp lực dân số và trẻ tăng qua từng năm. Vì thế, Chính Phủ, Bộ GD-ĐT cần có chính sách mở rộng và điều tiết chỉ tiêu các khu vực cho phù hợp hơn, nhằm đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của phụ huynh.

Thu tuong Nguyen Tan Dung tham quan va xem mot so mau sach giao khoa moi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan và xem một số mẫu sách giáo khoa mới

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hữu Độ, ông Nguyễn Khắc Hào, GĐ Sở GDĐT Hà Tĩnh cũng cho rằng việc thực hiện “Hai không” trong giáo dục đã đem lại luồng sinh khí mới. Có ai đó nói “Hai không” đã bị thụt lùi là thiếu hiểu biết. Điển hình việc thi cụm, chấm chéo trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc giám sát chặt chẽ đã mang lại chất lượng giáo dục. Đã đến lúc Bộ nên giao quyền chủ động cho ngành giáo dục địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, dưới sự giám sát của Bộ. Điều này sẽ giảm tốn kém, ít áp lực cho học sinh. Về việc phụ cấp thâm niên, hiện nay có hiện tượng giáo viên giỏi không chịu về làm cán bộ quản lý vì mất phụ cấp. Điều này gây khó khăn trong việc qui hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của địa phương. Mấy năm gần đây, học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm không nhiều,  sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo viên sau này. Hiện nay số sinh viên đang học ngành sư phạm cũng băn khoăn về việc làm, về thu nhập trong tương lai. Vì vậy kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có chính sách thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm để chất lượng đội ngũ giáo viên thật sự đạt chuẩn.

Cần dành những gì tốt nhất cho giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các phong trào, cuộc vận động như: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… của ngành Giáo dục chính là những giải pháp cơ bản nhằm chấn chỉnh nền nếp kỷ cương, nâng cao chất  lượng dạy và học theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng khẳng định: Cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua  "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành Giáo dục, được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng, thực hiện của các ngành, các cấp, các đoàn thể từ trung ương đến địa phương, được toàn ngành Giáo dục hưởng ứng và triển khai tích cực; đến nay đã đạt được kết quả về nhiều mặt, tạo ra những động lực mới trong dạy và học, nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện. Trật tự kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường. Những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn. Công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới. Môi trường sư phạm ngày càng khang trang hơn. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc thành lập bộ phận kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực… Đồng thời Thủ tướng cũng nhắc nhở cần phải nghiêm túc nhận thấy rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm và việc thực hiện chỉ thị 33, các cuộc vận động và phong trào thi đua của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế. Có nơi, việc chỉ đạo còn thiếu liên tục, chưa trở thành hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thủ tướng biểu dương những thành tích to lớn mà ngành GD đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế ngành cần phải tập trung khắc phục. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục cần khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhằm đổi mới căn bản  và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục; phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học giáo dục. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học. Triển khai có kết quả đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải. Nâng cao chất lượng dạy - học và sử dụng ngoại ngữ. Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh con em gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, giáo viên công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thủ tướng chỉ rõ phải quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức để toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng người dân, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý thấy được ý nghĩa và vai trò to lớn của công tác giáo dục - đào tạo. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải quan tâm dù khó khăn vẫn phải dành những gì tốt nhất cho giáo dục.
 

Anh Tú- Nguyễn Ngọc
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ