Đó là nhận định của TS Nguyễn Hồng Hải - từng là nghiên cứu và giảng viên Khoa Chính trị và Quốc tế học thuộc ĐH Queensland (UQ), hiện đang công tác tại Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT).
Với kinh nghiệm làm việc tại các trường ĐH Úc, TS Nguyễn Hồng Hải đưa ra một số góc nhìn trong những vấn đề: Phân tầng ĐH; Tự chủ ĐH; Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng ĐH; Hội đồng trường. Đây cũng là những vấn đề nổi bật mà xã hội quan tâm hiện nay cả trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH và trên thực tế.
Phân tầng đại học
“Điều 24 trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH: Đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH có chất lượng cao thuộc ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới… theo tôi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nên cân nhắc sự công bằng trong đầu tư ngay cả giữa các trường ĐH công để tránh tình trạng so bì và tâm tư” - TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
Ở Úc, các trường ĐH công được Nhà nước cấp ngân sách theo tỷ lệ phần trăm trong tổng ngân sách hoạt động của trường. Khoản đầu tư này không cố định và trên cơ sở đề xuất dựa trên năng lực thực của trường. Lẽ đương nhiên, để làm được điều này phải có hệ thống kiểm toán tốt, có sự đánh giá độc lập, đề cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Như vậy sẽ tránh được sự so bì giữa các trường với nhau và không có sự bất bình đẳng về vị thế.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hồng Hải khẳng định quan điểm cá nhân không chia trường ĐH nghiên cứu và trường ĐH giảng dạy. Tại Khoa Chính trị và Quốc tế học của ĐH Queensland (UQ) có thời điểm tuyển cán bộ chuyên giảng dạy và cán bộ chuyên nghiên cứu khoa học. Nhưng khi ngân sách hạn hẹp hoặc bị cắt giảm, trong bối cảnh nhu cầu của xã hội đòi hỏi phải có sự kết hợp, thì việc cán bộ khoa chỉ giảng dạy hoặc chỉ nghiên cứu sẽ không còn phù hợp nữa, gây ra sự thừa thãi về nhân sự. Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, các trường ĐH Úc đều có xu hướng kết hợp cả hai điều này:
Đã là giảng viên thì phải nghiên cứu khoa học và ngược lại. Như vậy vừa đánh giá được chất lượng của giảng viên, vừa tiết kiệm cả về mặt kinh phí. Sự kết hợp giữa giảng viên và nghiên cứu sẽ đánh giá được tiêu chí, tạo ra được áp lực, sức ép cho các nhà khoa học, giảng viên ở các trường ĐH, đồng nghĩa với chất lượng, uy tín ở các trường ĐH sẽ nâng lên. Tiến sỹ Hải bình luận, làm giảng viên ĐH ở Úc áp lực ghê gớm. Ví dụ, kỳ này không dạy thì phải có công trình xuất bản, hoặc trong năm ngoài giảng dạy thì cũng phải có bao nhiêu công trình xuất bản. Áp lực là ở chỗ đó!
|
Tự chủ đại học
TS Nguyễn Hồng Hải cho biết: Trong tự chủ ĐH, theo Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH đã có những quy định rất xác đáng, từ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, năng lực thực hiện quyền tự chủ. Ví dụ như Điều 28 quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH gồm tổ chức và nhân sự, hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế…
Ở Úc, hầu hết các trường ĐH đều được coi là tự chủ. QUT là trường ĐH công, ở mức độ nào đó được hiểu là sẽ có một nguồn ngân sách nào đó chính phủ cấp cho. Nhưng mặt khác, QUT có những dịch vụ để tạo thêm nguồn thu cho trường, như chương trình phối hợp với các doanh nghiệp; các chương trình nghiên cứu…
Có thể thấy cách nhìn nhận một trường ĐH công ở Úc có phần không giống như ở Việt Nam. Ở QUT, chính phủ cấp một phần ngân sách nhưng không can thiệp vào công việc của nhà trường, theo đó, thị trường quyết định về chương trình đào tạo của trường ĐH, trường chủ động bổ nhiệm hiệu trưởng, tuyển dụng nhân sự, quyết định đường hướng phát triển…
Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng ĐH
“Ở Úc và các nước phương Tây đều có cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH. Nhưng điều quan trọng là bản thân các trường ĐH tự đảm bảo chất lượng cho chính mình” - TS Nguyễn Hồng Hải nhận định.
Theo đó, tại QUT, ngoài việc chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng bên ngoài, hàng năm, trường tự tiến hành kiểm định chất lượng bên trong. Nếu muốn kết quả kiểm định bên ngoài đánh giá tương đồng với kiểm định chất lượng bên trong thì trường phải có những điều chỉnh phù hợp, tạo ra những cơ chế ngay ở bên trong các trường ĐH để đảm bảo chất lượng của mình.
TS Nguyễn Hồng Hải |
Được biết, trong buổi trao đổi kinh nghiệm đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trường các trường ĐH khu vực miền núi phía Bắc, các chuyên gia Úc nhấn mạnh: Để đảm bảo chất lượng, mỗi thành viên trong các trường ĐH phải tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng đó.
Nói một cách khác, mỗi một cán bộ, giảng viên trong trường ĐH phải tự đánh giá, đảm bảo chất lượng của chính mình và cùng tham gia vào quá trình đánh giá và đảm bảo chất lượng. Công việc đảm bảo chất lượng một trường đại học là công việc chung của từng cán bộ và giảng viên của trường, từ người làm công tác hành chính đến giảng viên và lãnh đạo nhà trường. Một trường không thể tốt nếu chỉ chú trọng đến đội ngũ giảng viên mà không quan tâm đến người làm hành chính.
Hội đồng trường
Theo TS Nguyễn Hồng Hải, ở Úc, Hội đồng trường quyết định chiến lược phát triển, còn ban giám hiệu, hiệu trưởng là người thực thi chiến lược đó. Nếu coi chất lượng, uy tín, sự phát triển của nhà trường ĐH giống như một doanh nghiệp thì vấn đề cơ cấu tổ chức của trường ĐH công và trường ĐH tư là như nhau. Hội đồng trường phải giống như quản trị một doanh nghiệp.
Phải trao Hội đồng trường thẩm quyền, không phụ thuộc vào cấp trên, không chịu sức ép nào trong việc bổ nhiệm nhân sự, quản lý. Hội đồng trường bổ nhiệm hiệu trưởng và hiệu trưởng làm theo yêu cầu của Hội đồng trường theo chiến lược chung đã đề ra. Trong khi ở Việt Nam, giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng chưa có một cơ chế thực sự rõ ràng.