Hân hoan chào đón thế hệ 10X vào trường
Trong diễn văn chào mừng, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Năm học 2017 – 2018 trở nên đặc biệt hơn bởi, tất cả các trường THPT trên toàn quốc đều đón những học sinh năm 2000 - những học sinh của thiên niên kỷ mới vào đầu cấp học THPT. Điều này đồng nghĩa với việc, giữa nhà trường, thầy cô và các em học sinh là khoảng cách của hai thế kỉ, 2 thế hệ, cũng là những thách thức to lớn trong giáo dục, đào tạo của mỗi nhà trường”.
Thầy cô đứng trước thách thức mang tên “sự chêch lệch trong nhận thức hệ”. Những điều mà chúng ta cho là đúng đắn không được coi là chân lý, là bất biến với 1 thế hệ trẻ bắt đầu biết sử dụng tư duy phản biện. Tri thức mà chúng ta truyền đạt cho học sinh cũng không còn “độc quyền” khi Intrernet mở ra một thế giới thông tin khổng lồ và các khóa học online hấp dẫn luôn giúp người học học mọi nơi, mọi lúc.
Thậm chí, nhiều người đã bắt đầu đặt ra câu hỏi “Liệu có sự biến mất của nhà trường, thầy cô trong thời đại cách mạng 4.0”. Đây không còn là câu hỏi mơ hồ nữa khi một số hãng như Adidas đã thay thế công nhân trong nhà máy sản xuất giày bằng Robot. Với tốc độ phát triển cuộc sống như hiện nay, điều gì diễn ra trong kinh tế, công nghệ cũng rất có thể diễn ra trong giáo dục.
Với học sinh, thách thức của các em cũng vô cùng to lớn. Là thế hệ của thế kỉ XXI, các em sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động. Trong thế kỉ của mình, các em đang chứng kiến những biến đổi khí hậu bất thường, của nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, của môi trường đang ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm. Ngoài ra, những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai.
Trong 1 công trình nghiên cứu của mình, Howard Gardner, cha đẻ của thuyết đa trí tuệ đã từng chỉ ra: đến năm 2030, 47% nghề nghiệp hiện nay sẽ bị biến mất. Nghĩa là có những nghề nghiệp mới ra đời và thay thế nghề nghiệp cũ, em đã chuẩn bị tâm thế cho mình trước sự thay đổi đó chưa? Lại thêm 1 câu hỏi nữa đặt ra “Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như khi ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không”?
Sẵn sàng thay đổi – đón đầu thử thách
Thể hiện quyết tâm của người chèo lái con đò trí tuệ, thầy Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh: Cốt lõi của sự thay đổi là sự “dũng cảm” của mỗi người. Dũng cảm để thừa nhận, dũng cảm để học hỏi, dũng cảm để tìm giải pháp, cách thức, dũng cảm để đối đầu.
Trước tiên Ban Giám hiệu (BGH) cần dũng cảm để thực hiện sự đổi mới trong công việc mình phụ trách. BGH phải dũng cảm đi trước để thầy cô trong nhà trường tiếp bước đi sau…
Thầy cô dũng cảm để đối mặt với sự trì trệ đang đè nặng trong tư duy, dũng cảm đối mặt với việc yếu kiến thức, thiếu cập nhật. Đối mặt với việc chính chúng ta đang dần giết chết sự sáng tạo của học trò khi dạy học thiếu sáng tạo. Đối mặt để tự nhận ra chúng ta đang là những những người thầy bình thường chưa nói tầm thường khi không truyền được cảm hứng cho các em…
Các em học sinh dũng cảm để đối mặt với việc lười nhác, với việc học tập thụ động. Đối mặt với những thói hư tật xấu của mình và xã hội. Đối mặt với sự vô cảm của mình ngay cả với những người thân yêu nhất. Đối mặt để các em nhận ra mình thiếu tư duy phản biện - một phẩm chất không thể thiếu của công dân thế kỷ 21…
Thách thức lớn nhưng cũng đồng nghĩa với việc mở ra những cơ hội mới. Quan trọng là ta có chịu thay đổi tự tìm đường đi cho riêng mình hay không.
Trong không khí trang nghiêm, phấn khởi, tự hào của ngày Khai giảng, thay mặt nhà trường, thầy Nguyễn Minh Quý mong muốn thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn hãy dũng cảm với chính mình để cuộc đời ta tốt đẹp, để tương lai Tổ quốc Việt Nam sẽ trở nên tươi sáng hơn nhờ sự nỗ lực và sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân.