Ba sản phẩm trong hai tháng
Máy rửa tay diệt khuẩn thông minh phòng dịch Covid-19 là sáng chế mới nhất của TS Nguyễn Văn Hiếu. Anh nảy sinh ý tưởng làm sản phẩm này khi nhìn thấy hình ảnh người dân tại các địa điểm công cộng phải dùng tay sử dụng chai dung dịch diệt khuẩn, cũng như tình trạng khan hiếm mặt hàng này tại các nhà thuốc. Máy rửa tay diệt khuẩn thông minh của anh đặt ra với 3 tiêu chí: Tiết kiệm dung dịch rửa tay, giảm thao tác và hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo.
“Chỉ sau đúng một tuần mày mò, nghiên cứu, tôi và cộng sự đã thiết lập phác thảo, lắp ráp hoàn chỉnh máy rửa tay diệt khuẩn tự động. Máy có chức năng nhận diện, cảm biến thông minh nên khi đặt trước cửa cơ quan, siêu thị, ngân hàng, hay trường học… chỉ cần người đi qua nơi đặt máy, máy sẽ nhận biết, phát ra tín hiệu và nói: “Xin mời anh chị đến rửa tay”. Khi người đến rửa tay, chỉ cần giơ bàn tay dưới vòi nước, bộ phận cảm biến sẽ nhận biết và phun ra một lượng dung dịch rửa tay diệt khuẩn nano bạc. Lượng vừa đủ để người sử dụng rửa tay sát khuẩn. Sau khi người dùng rửa tay xong, máy sẽ tự động ngắt”, TS Hiếu cho biết.
Máy rửa tay diệt khuẩn tự động được ba bệnh viện mà TS Nguyễn Văn Hiếu tặng đánh giá cao. Trước đó, TS Nguyễn Văn Hiếu đã nghiên cứu sản xuất dung dịch rửa tay diệt khuẩn nano bạc gửi tặng cho các đơn vị, khu cách ly KTX ĐHQG TPHCM. Đặc biệt hơn, ngay khi thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam, anh là một trong số ít người, nhóm khoa học nghiên cứu, chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân bảo vệ người dân.
“Trong ba sản phẩm mà tôi đã ra mắt trong thời gian cả nước cùng nhau chống dịch, sản phẩm tôi ưng ý nhất chính là máy rửa tay diệt khuẩn tự động. Bởi ngoài việc giảm thiểu nguy cơ lây chéo trong cộng đồng, máy còn tiết giảm nhân công, bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ - những người có nguy cơ lây nhiễm với dịch Covid-19 cao hơn bất cứ ai khi phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày”.
Hiện máy mới chỉ đảm nhận được một số chức năng cơ bản. Vì vậy, trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm, TS Hiếu sẽ gia tăng thêm tính năng đo nhiệt độ của người khi rửa tay diệt khuẩn, có thể giúp bệnh viện phân luồng bệnh nhân, phòng lây chéo khi phát hiện thân nhiệt người đi qua máy cao một cách bất thường.
Trăn trở với nông dân
Trước khi được biết đến với các công trình nghiên cứu giúp cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, TS Nguyễn Văn Hiếu đã khá nổi tiếng trong giới khoa học. Chọn theo học chuyên ngành Khí tượng Nông nghiệp vì anh vốn xuất thân từ đồng ruộng, cảm và hiểu được cái trăn trở, khó khăn của người nông dân.
“Qua tuổi thơ khó nhọc của bản thân, cha mẹ cùng những lần đi thực tế, tôi nhận thấy người nông dân làm việc đều trông chờ vào… ông trời. Nghĩa là năm mưa thuận gió hòa thì được mùa, ngược lại sẽ mất mùa. Trong khi đó, nếu mình dự báo được khí tượng từng vùng một cách chính xác, chi tiết, người nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nước nhà sẽ chủ động hơn trong việc sản xuất, tránh đi những thiệt hại không đáng có từ thời tiết”, TS Hiếu chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay ngành khí tượng Việt Nam chỉ dự báo trên phổ rộng và thông tin người dân tiếp nhận không được trượt theo thời gian một cách liên tục. Trong khi đó, những công nghệ mới có thể làm được những chuyện đó. Ví dụ như việc bón phân, nếu như ngay khi bón phân, trời bất ngờ đổ mưa lớn, phân sẽ bị rửa trôi gây lãng phí, tổn thất đáng kể. Ngược lại nếu có bản đồ khí tượng chính xác, chúng ta hoàn toàn chủ động được việc này.
Chính việc luôn trăn trở với cuộc sống của người nông dân nên ngay từ những ngày đầu về công tác tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, TS Nguyễn Văn Hiếu đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho NCKH. Anh và các cộng sự từng ra mắt nhiều công trình nghiên cứu phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, cũng như giám sát khí tượng từng khu vực. TS Hiếu từng ra tận quần đảo Trường Sa vào năm 2014 để lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng tự động nhằm nghiên cứu môi trường tại nơi đây, qua đó phát triển hệ thống cây rau, phù hợp cho chiến sĩ, người dân trên đảo.
Không chỉ giỏi nghiên cứu, TS Hiếu còn khá nhanh nhạy trong việc thích nghi với thị trường, xây dựng thương hiệu và làm marketing. Anh chính là người phát triển và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm của đội ngũ thầy cô giáo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM như: “Nấm Linh chi Nông Lâm”, “Đông trùng hạ thảo Nông Lâm”, “Gạo mầm”, “Bột dinh dưỡng chùm ngây”... Những sản phẩm kể trên hiện có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ hệ thống phân phối phủ khắp toàn quốc.
“Tôi có một ước mơ là thực hiện việc lập bản đồ khí tượng nông nghiệp trực tuyến cho người nông dân trên từng vị trí, diện tích cụ thể… Bản đồ này, sẽ được tích hợp trên một thiết bị cụ thể có thể dự báo trên từng vị trí. Với thiết bị này, người nông dân muốn dự báo ở đâu thì chỉ việc cắm thiết bị ở đó. Nó sẽ cho kết quả cụ thể và chính xác gần như tuyệt đối. Hiện mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và sắp hoàn thành. Khi hoàn thành, sản phẩm này có thể dự báo khoảng 10 ngày và độ chính xác gần như tuyệt đối”. TS Nguyễn Văn Hiếu