Những sai số cuộc đời

Những sai số cuộc đời

(GD&TĐ) - “Tao nhớ sai số 1 cm” – Bạn tôi trong lúc buồn rầu ngồi ôm chai rượu lằn nhằn như vậy. Thân nhau nên không cần giải thích nhiều lời tôi cũng hiểu cái sai số của anh ngoài đời thực có chiều cao đến 170 cm, dáng liễu thướt tha, tóc mây óng ả. Chẳng qua do thói quen nghề nghiệp đi xây nhà dựng cửa nên anh gọi người yêu cũ là sai số cuộc đời. Đã là sai số, hẳn không có trong kế hoạch. 

Sai số 1 cm

Bạn tôi xuất thân từ một vùng quê nghèo, cha mất sớm, mẹ tần tảo gồng gánh nuôi anh ăn học bằng người. Bạn tôi kể mẹ anh chăm chút việc học của con, nhà nghèo chẳng có gì để biếu các thầy cô giáo, bà dùng cách khác để tỏ lòng cảm tạ. Ví như trời mưa, bà đi đón con cầm thêm một chiếc ô nữa để đưa cô giáo dùng. Hay vào vụ thu hoạch, bà lại lọm cọm luộc mấy củ khoai, củ sắn đến lớp chia cho các bạn của con. Tình yêu của mẹ anh hiểu hết, nhưng có lúc anh cảm thấy gánh nặng của tình yêu đó quá lớn đối với mình.

Với những kỳ vọng của mẹ và kế hoạch tương lai bản thân vạch ra, anh vùi đầu vào học, đỗ một trường đại học trọng điểm ngành xây dựng của thành phố. Những tưởng lập trình cho ngày rộng tháng dài đại học chỉ là sách vở ngập mũi, là điệp khúc bước chân từ giảng đường đến thư viện, nhưng trái tim anh đã loạn nhịp khi gặp một cô bạn học cùng. Giữa những lúc đắm chìm trong tình yêu, anh tự nhủ với lòng mình, cô gái anh yêu chính là sai số 1 cm của tòa nhà trong mơ. Mà anh thì muốn mọi sự phải chính xác tuyệt đối...

Những sai số cuộc đời ảnh 1
Rất khó để lập trình cho trái tim

Năm thứ ba đại học, cả khoa chỉ có một học bổng toàn phần đi Mỹ. Với thành tích và tinh thần học tập lâu nay, anh được các thầy chấm suất đi nước ngoài hiếm có này. Dù người yêu có khóc lóc, níu kéo bằng cả đứa con đang tựu hình, anh vẫn dứt áo ra đi. Cuộc đời anh là một tòa nhà chỉ được xây một lần, bắt buộc phải để nó chính xác tuyệt đối, không được sai 1 xăng ti mét nào – vì thế chỉ có thể nhủ mình tàn nhẫn bước thẳng tới trước.

Công thành danh toại từ Mỹ trở về, mẹ anh giờ đã già giục giã anh cưới vợ sinh cháu cho thỏa tấm lòng. Bà không biết rằng trong thời gian du học, anh gặp tai nạn không thể có con được nữa. Vậy nên giờ đây anh ngại nhất việc lấy vợ, ngại mang bất hạnh đến cho người khác. Và hơn cả anh vẫn nặng lòng hình bóng người xưa. Chỉ dám nhớ thôi với anh cũng đã là điều xa xỉ.

Mới đây gặp người cũ đang viên mãn với cuộc sống của mình, anh đã tỏ ý nuối tiếc. Cô gái đó chỉ nói đúng một câu mà anh đau đớn mãi: “Thầy giáo nói bất kỳ một công trình kiến trúc nào đều có thể tồn tại một sai số trong phạm vi cho phép, 1 xăng ti mét này của em không đáng để tòa nhà của anh phải sập đổ”.

Người tính không bằng…

Câu chuyện của anh bạn khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Nhìn loanh quanh lại thấy dường như đâu chỉ có mỗi sai số trong tình yêu? Cuộc sống muôn màu, dòng đời lắm khúc khiến mỗi bước đi lại gặp những sai số khiến ta buộc lòng phải chậm nhịp. 

Những sai số cuộc đời ảnh 2
Nên uyển chuyển linh hoạt khi thực hiện những kế hoạch cuộc đời

Ngay chỉ việc sinh con thôi cũng đã khiến nhiều người tính toán đau đầu. Tôi có cô em họ, lấy chồng là một anh nhà giàu con một. Bên nhà chồng 3 đời độc đinh nên áp lực sinh con trai đè nặng đôi vai gầy bé của em tôi.

Vừa cưới xong, bà mẹ chồng đã lên một thực đơn cho cả con trai, con dâu. Rằng vợ thì ăn nhiều thịt bò, chồng thì cứ ăn nhiều trứng, ngoài ra còn bổ sung thêm vô số đồ bổ dưỡng chứa sắt, chứa canxi... những bài thuốc bí truyền để “một đập ăn quan” có ngay thằng cháu đích tôn cho dòng tộc. 

Em tôi về nhà mẹ đẻ, mặt méo xẹo kể rằng ngay cả giờ vợ chồng gần gũi nhau cũng được lập trình chặt chẽ. Có hôm 12 giờ trưa hai vợ chồng hộc tốc về nhà để thụ thai đúng giờ. “Thì cứ bảo chúng con gặp nhau ngoài khách sạn rồi, còn việc gặp hay không là tùy cô chú chứ” – Ngứa mồm tôi nói ngang. Cô em tôi tỏ vẻ kinh hoàng: “Ối, không thế được, có mà bị mẹ em nói vuốt mặt không kịp ý. Phải về nhà để bà còn tích vào lịch! Giờ mẹ chồng em mà bảo hai vợ chồng buộc cóc vào cổ tắm trần dưới ánh trăng có khi cũng phải răm rắp tuân thủ...”.

Nghe cô em kể lể mà lắc đầu lè lưỡi hoảng hốt. “Thế nếu cô đẻ con gái thì sao?” – “Thì cứ tiếp tục bồi bổ đẻ nữa chứ sao...” Em tôi kết luận trong chán chường. Vợ chồng son mới lấy nhau mà giờ bạc mặt vì lo đẻ thằng cu, tránh cái hĩm, rồi nơm nớp sợ không đúng với kế hoạch lập trình sẵn của nhà chồng. Oài, mới nghe đã thấy oải.

Oằn mình tính đếm

Gặp chị chuyên gia tư vấn hôn nhân, đem bầu tâm sự lo lắng của kẻ ngoài cuộc kể lể, lại được nghe một bài thuyết giáo chuyên đề “lập trình cuộc sống”! Rằng đẻ con trai con gái đã là một bài toán, đẻ ngày đẹp, giờ vàng, năm sang cũng lại là điều khiến nhiều người phải oằn mình tính đếm. 

Có đôi dù đang muốn hưởng thụ cuộc sống son rỗi rong ruổi, nhưng bị các “tiền bối” thúc giục phải đẻ kịp năm con lợn vàng, năm con khỉ vàng, con chó vàng... lấy phước cho con cái nên cũng phải tức tốc... ngày buông đêm thả. 

Hay có bà bầu đủng đỉnh chưa đến ngày khai hoa nở nhụy, nhưng vì gia đình đã đi xem thầy, phán tháng X, ngày Y, giờ Z là cực đẹp, đẻ con phú quý, thì kiểu gì cũng phải phong bì nhờ bác sĩ “mổ cho nhà em”. Lúc chạy vạy đó chẳng thiết suy xét vợ có đau không, con có khỏe không mà chỉ chăm chăm vào việc lập trình sẵn cho thằng cu có giờ đẹp để hưởng cuộc sống sang giàu.

Dường như nhiều người hàng ngày đang sống, làm việc như quán tính, thói quen, vì các mục tiêu trước mắt mà rất ít khi dừng lại xác định "mình là ai", "mình thực sự muốn gì" và "mình phải làm gì"...

Có con rồi thì lại lập kế hoạch nuôi dạy. Vòng quay một tuần sẽ ăn cái gì để thông minh, uống sữa nào để tăng chiều cao, lập kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng cho ô sin cứ automatic mà thực hiện. Con cái đến tuổi đi học, nhà nào có điều kiện thì chọn trường điểm, tìm đủ mọi cách móc nối quan hệ xin học trái tuyến. Chạy trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Rồi tính xem con học trường đại học nào, theo ngành nghề gì mà đầu ra bố mẹ người thân đang có quan hệ. Ti toe vừa tốt nghiệp ra trường một cái là bốc về cơ quan công sở ngon nghẻ nào đó làm việc luôn. Con cái ra ràng một thời gian thì ngắm nơi để chọn vợ gả chồng, rồi sinh con trai, đẻ con gái theo ý muốn... 

Vòng quay của cuộc đời cứ thế, cứ thế trôi đi theo những tính toán của... nhiều người. Nhưng đôi khi chính “khổ chủ” lại không muốn đi theo kế hoạch sẵn có đó. Tôi đã từng chứng kiến thằng cháu trai - một cậu con trai mới lớn ra sức đi ngược lại với bố mẹ, không muốn học lên đại học, cao đẳng mà chỉ mong được học trường nghề. Bà mẹ một mực đóng đinh quan điểm: “Mày phải học đại học, không tao muối mặt với họ hàng. Bao tiền tao chịu”. Trong khi đó, cậu học trò cấp 3 lún phún ria mép cao to hơn mẹ nói như van xin: “Mẹ đừng kỳ vọng quá vào con! Mẹ làm con cảm thấy nặng nề, cảm thấy không phải là con nữa. Con chỉ học trường nghề được thôi...” Chẳng biết cuộc thương lượng không cân sức này ngã ngũ đến đâu, nhưng cũng đủ thấy những điều khó nói nên lời của người trong cuộc.

Phải chăng nhiều người hàng ngày đang sống, làm việc như quán tính, thói quen, vì các mục tiêu trước mắt mà rất ít khi dừng lại xác định "mình là ai", "mình thực sự muốn gì" và "mình phải làm gì". 

Dường như những sai số cuộc đời  lại trả lời được câu hỏi tưởng chừng quá khó đó.

Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ