1. Bạn không thực hiện đúng cảnh báo
Con phạm lỗi và bạn nói: "Vì chuyện này con bị phạt không được đi dự tiệc sinh nhật", nhưng sau đó bạn nhận ra là gia đình buộc phải có mặt, bạn sẽ lại nói: "OK con có thể đi nhưng không được ăn bánh". Và không khí sôi nổi của bữa tiệc khiến bạn lại nhượng bộ cho phép con ăn bánh. Thấy kịch bản này quen không?
Chuyên gia tư vấn làm cha mẹ, Th.S Jenn Mann, tác giả cuốn "Từ A đến Z hướng dẫn nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc" cho biết nhiều cha mẹ có tính nhượng bộ không ý tức được rõ việc thực thi hình phạt có tính quan trọng thế nào.
Trước khi bạn tuyên bố một hậu quả của việc bé hư, hãy rời khỏi phòng và hít thật sâu, cho mình chút thời gian đưa ra một giải pháp dễ thực hiện hơn.
Nếu trót đưa ra một hậu quả không khả thi và sau đó muốn sửa đổi, cần cho con biết sự thay đổi này là để thuận tiện hơn cho bạn chứ không phải vì con. Ví dụ ở trường hợp trên, bạn sẽ nói: "Chúng ta sẽ đi sinh nhật vì mẹ đã hứa với mẹ của bạn Bin rồi, nhưng ngày mai con sẽ bị phạt cắt 30 phút xem TV".
2. Bạn nài nỉ con hợp tác chứ không yêu cầu con hợp tác
Bạn nhờ con mang quần áo bẩn ra máy giặt và con nói "Đấy không phải việc của con". Bạn cho qua phản ứng thô lỗ đó của bé.
Đây có thể xuất phát từ việc bạn không muốn con cảm thấy mẹ là người độc tài trong nhà nhưng nên nhớ, bạn không độc tài, mà là một phụ huynh hiệu quả.
Thay vì nài nỉ nhờ con "mang quần áo bẩn xuống nhà cho mẹ được không con?", hãy nói "mẹ cần con mang quần áo bẩn xuống nhà". Đây là mệnh lệnh chỉ dẫn cho con làm theo chứ không phải một lựa chọn đưa ra mà bé có thể từ chối.
Cũng nên đưa ra các mệnh lệnh có tính đúng lịch, ví dụ mang quần áo bẩn xuống nhà vào sáng thứ Bảy hay bắt đầu làm bài tập về nhà lúc 7 giờ tối. Như thế con không cảm thấy bị lôi ra khỏi việc khác bởi một mệnh lệnh bất chợt và thấy mình được tôn trọng.
3. Bạn để con bẻ cong luật lệ
Bạn yêu cầu con mang bát ra xếp vào bồn rửa, con thoái thác là phải hoàn thành nốt bài đọc. Nhưng ngay cả khi con đã đọc xong, bạn lại không nhắc con làm việc mà bé đang trì hoãn.
Hãy đơn giản và rõ ràng trong các yêu cầu của bạn, và không để cơ hội cho cuộc thương lượng nào. Trong một số tình huống, cũng tốt thôi nếu cho bé nắm quyền kiểm soát (ví dụ đưa ra 2 phương án để bé lựa chọn một), nhưng bạn không nên để bị kéo vào một cuộc thương lượng nào hết: "Mẹ để con xem hết tập hoạt hình này đã" - "OK". "Con có ý này, con xem thêm nửa tập nữa rồi đi học bài nhé?" - "Đã hết 1 tập, 1 tập là một tập" và bạn tắt TV.