Vì sao cha mẹ nhất thiết phải gây “áp lực” cho con tuổi teen?

GD&TĐ - Bài viết này sẽ chia sẻ quan điểm và lời khuyên của TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội dành cho các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con trong độ tuổi mới lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vốn được đánh giá là một người dành nhiều tâm huyết “đấu tranh” giải phóng áp lực cho trẻ em. Tuy nhiên, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh rằng, việc tránh áp lực ấy cũng chỉ nên gói gọn trong khoảng thời gian con bạn học mầm non và tiểu học. Còn khi con đã vào cấp 2,3 thì bọn trẻ thực sự rất cần áp lực để học hỏi và tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương: Học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản phát khóc khi kì thi đại học tới. Còn ở Châu Âu, ngoài việc học với áp lực kinh khủng lớn, thời gian tự học chiếm khoảng 7 – 10h/ngày, các cô cậu teen bên đó phải biết nhảy nhót, hát hò, chơi thể thao giỏi… Ngoài ra, họ còn phải tìm hiểu nghề nghiệp và xếp lịch đến cơ quan mình yêu thích để tập làm việc trong 1, 2 ngày/năm.

Tuy vậy, sau mỗi kì thi, các cô cậu teen quốc tế lại trưởng thành lên rất nhiều. Những va vấp, sai sót trong quá trình học ôn thi làm các cô cậu ấy hiểu biết hơn, vững vàng hơn và cũng tự tin hơn trông thấy.

Vì thế, thật tiếc khi một bậ phận cha mẹ Việt lại đang chiến đấu để giải phóng áp lực cho teen. Các cha mẹ hãy ý thức rằng, teen không còn bé bỏng như các em tiểu học nữa. Ngay sau thời gian teen, các bạn ấy sẽ trở thành con người trưởng thành thật sự, có nhiều mối liên hệ và tác động đến xã hội.

Vì thế, thay vì nâng đỡ, lót lông, trải đệm cho teen bước, các cha mẹ nhất thiết phải đặt teen vào những thử thách cam go để các bạn ấy từng bước vững vàng lên.

Những hệ lụy khi teen không có thử thách

1. Yếu ớt

Ở đây chúng ta không nói đến sức khỏe. Cái cảm giác sống trong an lành và yên ấm sẽ làm các bạn ấy trẻ dễ thoái chí, không có sức chiến đấu và luôn lo lắng cho mọi thứ. Khi sống trong tổ quá nhiều mà không ra ngoài thì sẽ lo sợ đủ thứ khi rón rén bước ra. Và đương nhiên, không được tập luyện thì đương nhiên các bạn ấy cũng sẽ rất nhát với các thử thách của cuộc đời.

2. Thiếu tự tin

Có trải nghiệm, có khó khăn, có vượt qua thì sẽ có tự tin. Còn nếu như mãi nằm trong vòng tay ấm áp của cha mẹ thì làm sao có đủ tự tin bước ra ngoài?. Và sau này, giao nhiệm vụ gì chắc chắn các bạn ấy cũng sẽ cảm thấy khổ sở, khó khăn và sợ mình không thể hoàn thành nổi.

3. Thiếu niềm vui sống

Các bạn thử tưởng tượng xem mỗi khi chúng ta thành công ở một việc gì đó, cảm xúc nhận được là gì? Nếu bọn trẻ không được thử thách, chúng sao hiểu được cảm giác hạnh phúc của thành công. Nếu thường xuyên thiếu thứ niềm vui này, thử hỏi bọn trẻ có còn nhiều nhiệt huyết để sống?

4. Thiếu lý tưởng sống

Teen nhất thiết phải tự mình tìm kiếm lý tưởng sống cho chính mình. Chúng sẽ kiếm ở đâu nếu như cuộc sống quá ít biến động, quá ít khó khăn, quá ít thông tin và kiến thức. Vì thế, với những cháu ít ra ngoài, ít gặp khó khăn, suốt ngày sống trong nhung lụa thì sự thiếu hụt này sẽ càng trầm trọng hơn.

5. Tính cách ngang ngược, bướng bỉnh

Tính ngang ngược của trẻ có nguyên nhân từ việc chúng ít hiểu biết, ít kinh nghiệm sống. Mà kinh nghiệm chỉ đến từ những va vấp và khó khăn thôi. Khi đã trải nghiệm, đã hiểu biết hơn, tính ngang ngược của trẻ sẽ giảm đi rõ rệt. Vì thế, nếu con ngang bướng, cha mẹ hãy thử tìm hiểu xem cuộc sống hiện tại của chúng ta sao?

6. Thiếu tính sáng tạo

Có học hỏi, có chiến đấu, kiến thức mới nhiều và các bạn ấy mới nảy sinh được nhiều ý tưởng sáng tạo. Càng được biết nhiều và làm quen với nhiều lĩnh vực, ngành nghề, hiểu biết càng rộng và sáng tạo càng dễ. Vì thế, sống bó hẹp sẽ làm hạn chế khả năng của các bạn teen đi rất nhiều.

7. Sinh ra tính “cùn”

Ngang không nổi thì teen sẽ cùn khi nhìn nhận cuộc đời hạn hẹp với tầm nhìn ngắn. Để có được tầm nhìn rộng mở, thứ teen cần là học hỏi, va chạm, và vượt qua khó khăn. Bởi khi có đủ lượng kiến thức, tranh biện của teen sẽ dựa trên lý lẽ và có sức thuyết phục hơn. Vì thế, càng vượt qua nhiều khó khăn, teen càng bớt cùn, trở nên tự tin, tự lập và tự trọng hơn.

“Khó khăn và thử thách là thứ mà tuổi teen rất cần cho sự trưởng thành. Những kì thi nhiều áp lực, phải chinh phục những mục tiêu ngày càng cao trong cuộc sống tuy có thể hơi “đáng ghét” nhưng lại rất cần thiết đối với quá trình rèn luyện và trưởng thành của các em. Vì thế, cha mẹ của teen đừng tìm cách giảm áp lực cho con nữa. Hãy tạo áp lực vừa đủ và không ngừng khuyến khích, động viên để con cái chúng ta có thêm cơ hội được trưởng thành.” – TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.