Những sai lầm khi muốn nhanh có... vòng eo con kiến

GD&TĐ - Dùng thuốc nhuận tràng để xổ ruột sau khi ăn, bôi kem tan mỡ để thu gọn bụng hay quấn nilon quanh bụng để giảm cân… đều không có tác dụng.

Dùng kem bôi làm tan mỡ bụng là liệu pháp không mang lại hiệu quả.
Dùng kem bôi làm tan mỡ bụng là liệu pháp không mang lại hiệu quả.

Không có loại kem tan được mỡ

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, cho biết, kem tan mỡ là sản phẩm khá phổ biến trên thị trường, được nhiều chị em tin tưởng sử dụng do tiện lợi.  

Ngoài ra, trên các diễn đàn mạng, nhiều phụ nữ còn truyền tai nhau về các phương pháp tự chế khác như hỗn hợp lòng đỏ trứng gà mật ong, mù tạt mật ong, tinh dầu quế… nhằm mục đích làm tan mỡ bụng.

Những loại kem/hỗn hợp này thường được khuyên dùng là thoa trực tiếp lên các vùng da ở khu vực cần giảm béo như bụng, đùi, bắp chân và bắp tay sau đó dùng màng bọc thực phẩm cuốn chặt sao cho kín hết vùng bôi kem và đeo đai vào.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, việc cuốn màng bọc thực phẩm là một bước nhỏ trong một buổi trị liệu giảm béo của các spa/trung tâm thẩm mỹ.

Khác với tại spa, việc cuốn màng bọc thực phẩm được thực hiện tại nhà và được truyền tai nhau, mỗi người lại khuyên sử dụng kèm kem tan mỡ, tinh dầu đốt mỡ, gel đánh mỡ hay tinh dầu gừng… của các hãng khác nhau mà đa phần chưa được chứng nhận an toàn để sử dụng với mức giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng, rẻ hơn rất nhiều so với một liệu trình giảm béo của spa/trung tâm thẩm mỹ rất dễ rước họa.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, về bản chất, hầu như tất cả các loại kem tan mỡ đều có chung đặc tính làm săn da, khiến vùng da được bôi có vẻ săn chắc, gọn gàng hơn chứ không thể làm tan chảy hoặc đốt mỡ dưới da.

Thoa kem, cuốn màng bọc thực phẩm và đeo đai chỉ đơn giản là một phương pháp làm nóng và mất nước tại chỗ. Cảm giác nóng rát cảm nhận được trong quá trình cuốn là do làn da phản ứng với các sản phẩm có tính nóng, chứ không phải là hiện tượng đốt mỡ. Đây chỉ là một biện pháp sử dụng nhiệt để làm mất nước tạm thời, trọng lượng cơ thể sẽ trở lại như bình thường nếu uống đủ nước.

Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp này để giảm mỡ có thể được coi là thiếu khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, hơn nữa cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học khẳng định phương pháp này là an toàn và có thể thực sự làm tan mỡ, đặc biệt là đối với các sản phẩm trôi nổi.

Ngoài ra, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, việc lạm dụng các loại kem tan mỡ cũng dễ làm tăng tiết mồ hôi, dẫn đến sự thay đổi hóa học máu, làm giảm thể tích máu khiến oxy đến các tế bào ít hơn. Điều này khiến cơ thể trở nên yếu ớt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê và thậm chí tử vong nếu mất nước quá nhiều. 

Sổ ruột, tác hại lâu dài

 “Tác dụng phụ do dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên là làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong máu, nên lượng kali thấp và có thể dẫn đến các cơn đau tim, gây yếu cơ, mỏi mệt”. TS.BS Trương Hồng Sơn

Nhiều chị em còn áp dụng giảm cân bằng uống thuốc xổ ruột. BS Trương Hồng Sơn cho biết, hiện có 5 nhóm thuốc nhuận tràng chính được sử dụng bao gồm: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu, chất xơ và chất nhầy, thuốc làm trơn và mềm phân, các thuốc kích nhu động, thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ.

Trong đó, thuốc nhuận tràng thẩm thấu và các thuốc kích thích nhu động là 2 nhóm thuốc thuận tràng phổ biến nhất được sử dụng nhằm mục đích giảm cân.

Về lý thuyết, thuốc nhuận tràng thẩm thấu làm tăng áp lực thẩm thấu và kéo theo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng lượng nước trong phân giúp bài tiết và tống xuất theo phân ra ngoài. Thuốc làm trơn và mềm phân: Thành phần dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước.

Việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ sẽ khiến cho cơ thể đẩy hết thức ăn trong ruột ra khỏi cơ thể, từ đó, sau khi dùng thuốc xổ và đi đại tiện, cân nặng sẽ giảm, cho cảm giác người nhẹ nhàng hơn và cân nặng giảm đi.

“Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ về cơ bản không có hiệu quả giảm cân, nó chỉ có tác dụng đẩy thức ăn trong ruột ra khỏi cơ thể và từ đó làm giảm khối lượng của cơ thể chứ không có tác dụng giảm mỡ bụng và cũng không được coi là một phương pháp giảm cân hữu hiệu”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết,

Bên cạnh việc không có tác dụng giảm mỡ bụng, việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ không nhằm mục đích điều trị táo bón cũng có một số nguy cơ sức khỏe khác.

Đầu tiên, tác dụng chính của thuốc xổ là đẩy bã thức ăn ra khỏi ruột già, mặc dù các chất dinh dưỡng hầu như đã được hấp thu ở ruột non, nhưng một số các khoáng chất cần thiết sẽ tiếp tục được hấp thu ở ruột già, khiến cơ thể bị thiếu hụt một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể và hàng loạt vấn đề sức khỏe cấp tính khác. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.

Tiếp theo, khi sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm có tác dụng xổ/nhuận tràng, thứ được đẩy ra khỏi cơ thể không chỉ có thực phẩm, mà còn có cả nước trong cơ thể. Điều này sẽ gây mất nước trong cơ thể, từ đó gây tăng nhịp tim, hạ huyết áp, các vấn đề về thận, co giật và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Đặc biệt, nếu sử dụng thuốc nhuận tràng/xổ ở liều cao hơn liều kê đơn, ngay cả khi chỉ một liều duy nhất cao hơn hoặc quá một liều mỗi ngày có thể dẫn tới mất nước nặng và tử vong.

Cùng với đó, các tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc nhuận tràng bao gồm: Đau bụng quặn thắt, tiêu chảy mạn tính, đầy hơi, buồn nôn, mất khả năng giữ nước, mất nước, ói mửa, làm suy yếu và làm mềm xương (loãng xương), chảy máu trực tràng. Sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ kéo dài để giảm cân sẽ làm mất trương lực ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa, đi tiêu không còn bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.