(GD&TĐ) - Kể từ năm 2005, một số tập đoàn kinh tế của Việt Nam được hình thành trên cơ sở từ các Tổng công ty đã được thành lập theo Quyết định số 91 của Thủ tướng Chính phủ. Sau một thời gian ngắn khoảng vài năm đi vào hoạt động, nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đã có lời cảnh báo về những rủi ro mà các tập đoàn kinh tế Nhà nước của Việt Nam có thể gặp phải như:
- Hoạt động không hiệu quả;
- Gặp rắc rối về cả mặt pháp lý, kinh tế, nhân sự, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất về cách hiểu tập đoàn kinh tế là gì? Cho tới nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nếu hiểu theo Nghị định 102/2010 NĐ – CP thì: “Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có quy mô lớn, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con”.
Trong bước đường phấn đấu nỗ lực để nhanh chóng đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, xuất phát từ yêu cầu mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế cần phải có những doanh nghiệp đủ tiềm lực để cạnh tranh thương hiệu, giành thị phần thế giới và các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được hình thành, được Nhà nước đặt nhiều niềm tin vào nó để vừa có thể cạnh tranh quốc tế vừa làm nòng cốt cho thành phần doanh nghiệp Nhà nước chi phối chủ đạo nền kinh tế. Nói một cách khác đi thì Nhà nước kỳ vọng mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước ở 3 chức năng chính của nó:
Một là, chống lại nguy cơ độc quyền tư nhân đối với những sản phẩm kinh tế cần thiết cho sự phát triển kinh tế nói chung của cả nước.
Hai là, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước đối với các nước khác trên thế giới.
Ba là, đáp ứng những yêu cầu có liên quan mật thiết đến an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, hầu hết các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã bộc lộ sự yếu kém của chúng. Vào năm 2009, Bộ Tài chính cho biết, khu vực kinh tế quốc doanh chiếm từ 53 % đến 67 % vốn kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp cả nước. Tám tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng với 96 Tổng công ty, công ty lớn của Nhà nước sở hữu gần 400.000 tỷ đồng, chiếm hầu hết vốn của Nhà nước có tại các doanh nghiệp Nhà nước, nắm giữ 75 % tài sản cố định của Nhà nước, khoảng 60 % tổng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài. Từng được rót tới 50 % tổng đầu tư xã hội, với nhiều ưu đãi độc quyền. Được hưởng nhiều lợi thế và ưu đãi như vậy, song các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tạo ra được khoảng 40 % tổng sản phẩm trong nước. Tổng doanh thu chỉ chiếm 31,5 % tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc; thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 7 % tổng thu ngân sách Nhà nước và chỉ tạo ra 4,4 % việc làm toàn xã hội. Đóng góp từ 25 % đến 34 % sản lượng công nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước hầu như tham gia không đáng kể vào các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ngoài ra, khối doanh nghiệp này lại có những khoản nợ trong và ngoài nước khổng lồ, mà cuối cùng ngân sách Nhà nước cũng phải gánh chịu, làm giảm lòng tin tín dụng quốc tế và gây ra rủi ro nợ quốc gia.
Ảnh mang tính minh họa |
Việc các tập đoàn kinh tế Nhà nước trong thời gian qua được hưởng quá nhiều ưu đãi, không phải cạnh tranh bình đẳng nhưng lại cũng không làm tròn được vai trò nòng cốt là huyết mạch của nền kinh tế, thậm chí đã trở thành gánh nặng của nền kinh tế đất nước, điều này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản dưới đây:
Thứ nhất, các tập đoàn kinh tế Nhà nước được hình thành từ quyết định mang tính chất hành chính, tức là Nhà nước đã sử dụng quyền lực của mình để thành lập tập đoàn, từ các công ty thành viên không mang động cơ tự thân, vốn là con đẻ của nền kinh tế tập trung, sinh ra không nhằm mục đích lợi nhuận, mà để thực hiện kế hoạch Nhà nước, được điều hành trực tiếp bởi cấp hành chính thành lập ra nó, nay các doanh nghiệp này chuyển sang là thành viên của tập đoàn. Lúc này, lãnh đạo tập đoàn, cấp trên của doanh nghiệp thành viên đó, được cơ cấu từ Chính phủ, đặt dưới quyền Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt kế hoạch, đề án ...cùng với sự hỗ trợ của các Bộ hữu quan. Chính vì vậy mà khi gặp khó khăn và rủi ro xẩy ra thì không có Bộ nào chịu trách nhiệm chính cả. Nhà nước kỳ vọng những doanh nghiệp này sẽ thích ứng với quy mô đột biến này để thật sự có thể đảm đương chức năng của chúng. Tuy nhiên, trong thực tế khi bước vào hoạt động, điều đó đã xẩy ra không đúng theo ý muốn chủ quan.
Thứ hai, Nhà nước tạo lập ra các tập đoàn kinh tế nhưng lại chưa có được một công cụ quản lý hiệu quả. Chưa có một văn bản pháp luật nào chuẩn mực để có thể điều chỉnh tập đoàn kinh tế Nhà nước, càng không có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể tập đoàn kinh tế hoạt động ra sao, quy mô thế nào? Mặc dù cho đến tận ngày 01/01/2010 mới chỉ có Nghị định số 102/2010/NĐ – CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2010 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, thay thế cho Nghị định số 139/2007/ NĐ – CP ngày 05/09/2007, tuy nhiên cũng vẫn quy định rất chung chung về tập đoàn kinh tế như điều 38 của Nghị định này quy định: “Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty thành lập tập đoàn tự thoả thuận quyết định”. Theo đó, chúng ta thấy các tập đoàn kinh tế có tới hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn, nhưng lại đều là vốn của các công ty thành viên hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ còn các tập đoàn kinh tế chỉ là cái vỏ rỗng, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp nhưng lại không có tư cách pháp nhân.
Thứ ba, điểm yếu của Nhà nước trong quản lý về mặt kinh tế của các tập đoàn, không có quy định rõ ràng về nợ của công ty Nhà nước. Nợ của công ty Nhà nước phải vừa được ghi nợ của công ty, vừa được ghi là nợ của Nhà nước (tức là công ty nợ ngân sách, ngân sách nợ người cho vay). Do vậy các tập đoàn kinh tế có tình trạng né tránh ghi nợ. Chuyện tránh ghi nợ này thực tế đã xẩy ra khi Tập đoàn Vinashin cho rằng khoản nợ gần 2 tỷ đôla Mỹ mà Nhà nước vay cho họ là nợ của Nhà nước chứ không phải nợ của tập đoàn và do đó Nhà nước phải có trách nhiệm chi trả.Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế đầu tư quá dàn trải vào nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau, đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực dẫn đến quản lý ở cấp cao của tập đoàn mất dần khả năng nắm bắt chuyên ngành sâu, tập đoàn dễ bị mất phương hướng, không còn mục tiêu rõ ràng, từ đó dẫn đến mất khả năng cạnh tranh. Thậm chí có nhiều tập đoàn đầu tư vốn vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua bán cổ phiếu trên thị trường là những lĩnh vực nhậy cảm, thuộc thế mạnh của các tổ chức tài chính tín dụng. Ví dụ: Tập đoàn dầu khí đầu tư 5.780 tỷ đồng năm 2009, trong đó lĩnh vực ngân hàng là 1.100 tỷ đồng, công ty chứng khoán 76,5 tỷ đồng, công ty tài chính 4005 tỷ đồng, công ty bảo hiểm 570 tỷ đồng, quỹ đầu tư 29 tỷ đồng. Việc đầu tư dàn trải như vậy rất dễ mang lại những rủi ro vì tập đoàn thiếu kinh nghiệm cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ lẫn quản lý trong kinh doanh lĩnh vực này. Ngoài ra, rủi ro còn thường trực đối với các tập đoàn kinh tế do được hưởng nhiều ưu đãi như không bắt buộc phải có đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay, thủ tục vay vốn đơn giản dễ dẫn các tập đoàn kinh tế vay vốn rất dễ dàng, “cần” là vay sẽ có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền khi mất khả năng thanh toán.
Tóm lại, việc liên kết các doanh nghiệp thành tập đoàn kinh tế là định hướng đúng đắn, là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài và nằm trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, tập đoàn kinh tế của Việt Nam còn bị thiếu vắng rất nhiều điều kiện, đặc biệt là hành lang pháp lý và quản lý nhân sự, nên đã phải đánh đổi bằng rủi ro cho cả nền kinh tế. Lỗi không chỉ nằm ở chính bản thân nó, mà còn ở tư duy của một nền kinh tế duy ý chí, mang nặng quản lý tập trung, bao cấp áp đặt cho nó.
Chính vì vậy, để các tập đoàn kinh tế thật sự có thể phát huy được vai trò là huyết mạch kinh tế, là đầu tầu của mình, có thể ổn định và phát triển khi tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước hiện có nhiều diễn biến phức tạp, Nhà nước cần phải nhanh chóng có được những giải pháp phù hợp để tránh những nguy cơ tiềm ẩn rất có thể xẩy ra đối với các tập đoàn kinh tế.
Tiến sĩ, Trần Văn Hùng