Những quan điểm sai lầm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng, hút thuốc lá điện tử là sang trọng, đẳng cấp và vô hại hoặc rất ít có hại đến sức khỏe.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều này cần phải được đánh giá một cách khách quan, khoa học để đưa ra những nhận định và khuyến cáo hợp lý.

Nhầm lẫn về sự vô hại

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt. Nó có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son…

Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hải (Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội) cho biết, nếu là một điếu thuốc lá bình thường thì quy trình sử dụng sẽ là châm lửa, hít và nhả khói. Người sử dụng sẽ hít khói vào để cung cấp nicotine cho phổi.

Nhưng một điếu thuốc điện tử lại không dựa vào quá trình đốt cháy này. Thay vào đó nó chuyển đổi một lượng dung dịch chất lỏng nicotine bốc hơi trong buồng nóng thành hơi nước hay sương mù để người dùng hít vào.

Khói từ thuốc lá điện tử chứa số hóa chất độc hại ít hơn hỗn hợp “chết chóc” của 7.000 hóa chất của khói thuốc lá thông thường. Dù là vậy, khói thuốc lá điện tử vẫn chứa rất nhiều thành phần gây hại và tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Bao gồm nicotine, kim loại nặng như thiếc, hợp chất hữu cơ bay hơi và tác nhân gây ung thư.

Để thu hút người sử dụng, bác sĩ Hải cũng thông tin, các nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng chiến thuật tinh vi và giới thiệu sản phẩm có thể gây ra nhầm lẫn như thuốc lá điện tử là một sản phẩm mới, vô hại hoặc rất ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường... Họ cho rằng, thuốc lá điện tử sẽ trở thành văn hóa hút thuốc lành mạnh trong tương lai.

Bên cạnh đó là chiêu trò giới thiệu hương vị hấp dẫn. Thông thường, các công ty thuốc lá điện tử đã tạo ra nhiều hương vị thân thiện với trẻ em như kẹo dẻo, kẹo bông, trái cây.

Thiết kế sản phẩm ấn tượng để tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ như giống các mặt hàng thực phẩm thông thường. Hoặc giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút hoặc USB hoặc dạng hình khẩu súng…

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Theo Bộ Y tế, đang xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery systems - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Products - HTPs), shisha... WHO cho biết, để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện.

Nhiều người cho rằng, thuốc lá điện tử không hề gây hại cho người xung quanh vì nó không phải châm lửa, không tro, không khói, không CO2 và không có mùi.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng dung dịch có trong thuốc lá điện tử khi bị đốt nóng không hoàn toàn tạo ra chỉ là “hơi nước” như thường được quảng cáo. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm nicotine và nhiều chất độc khác của người không hút thuốc và những người xung quanh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hải chia sẻ thêm, rất nhiều người trưởng thành còn sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ không ngừng hút thuốc lá truyền thống mà thay vào đó là sử dụng song song.

Trong khi, sử dụng song song cả hai sản phẩm không phải là cách nên làm để bảo vệ sức khỏe. Hút thuốc lá, dù chỉ vài điếu một ngày rất nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe, cần nhất là hãy cai thuốc hoàn toàn nhanh nhất có thể.

Thuốc lá điện tử không thể giúp cai thuốc lá truyền thống thành công. Vì trong thuốc lá điện tử cũng có nicotine là chất gây nghiện. Với 1 lần hít nicotine thì sau 7 - 10 giây, nicotine đã xuất hiện trên não gây cảm giác sảng khoái, thoải mái và sẽ gây ra cảm giác nghiện.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, sau nhiều năm phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm từ trên 53% nam giới trưởng thành xuống còn trên 45%, ở nữ giới giảm từ 2% xuống còn 1,1%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ, ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên.

“Sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ, nhất là hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần.

Do đó, việc cai nghiện thuốc lá cần sự tư vấn của chuyên gia, kết hợp sử dụng các loại thuốc đã được chứng minh an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dùng thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe... cần đến cơ sở y tế sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ