Thượng Hải
Thượng Hải không phải là chốn thiên đàng như nhiều người mơ tưởng. Thành phố này chật cứng, người này sống chen chúc bên người khác. Những người tị nạn có tài chính nương náu trong những tòa nhà xuống cấp, còn những người nghèo khổ thì sống trong những khu trại như trại lính.
Nhưng những người Do Thái châu Âu vẫn kiên trì, làm bất kỳ việc gì để kiếm sống. Một số người mở các tiệm bánh, tiệm cà phê, mở cửa hàng, một số làm thầu khoán, dạy học hoặc bác sĩ.
Khi Thượng Hải bị người Nhật chiếm, cuộc sống của những người tị nạn lại thay đổi. Người Do Thái lại bị giam giữ trong các khu vực được chỉ định tại quận Hongkou, được mệnh danh là khu Ghetto Thượng Hải.
Họ sống trong tình trạng thiếu hụt quần áo, thực phẩm và luôn nơm nớp bởi bệnh tật và sợ hãi. Tuy nhiên, họ được phép tổ chức và tham gia các sự kiện xã hội và tôn giáo, đồng thời trẻ em cũng được phép ra khỏi khu Ghetto để tiếp tục đi học.
Bất luận những khó khăn ở Thượng Hải, cuộc sống của người tị nạn Do Thái ở đây vẫn tốt hơn nhiều so với những gì chờ họ ở châu Âu. Người Nhật đàn áp người Do Thái, nhưng họ không tìm cách tiêu diệt họ.
Người Nhật cũng phớt lờ “giải pháp cuối cùng” mà phát xít đưa ra, trong đó có việc đưa người Do Thái ở Thượng Hải về để đưa họ vào các phòng hơi ngạt hoặc đưa họ vào các xà lan, bỏ mặc các xà lan này trôi dạt khiến họ sẽ chết vì đói.
Cho đến khi chiến tranh chấm dứt, những người Do Thái ở Thượng Hải không biết đến nỗi kinh hoàng đã diễn ra ở châu Âu. Phần lớn số họ sống sót, và họ khi nhận ra rằng mình đã may mắt sống sót khỏi nạn diệt chủng, thì ai cũng cảm thấy vô cùng may mắn, dù phần nào cũng mang mặc cảm tội lỗi.
Thụy Điển
Thụy Điển luôn đóng vai trò trung lập trong Đại chiến Thế giới II, tuy nhiên, họ tỏ ra có đôi chút thiên về nước Đức. Quân đội Đức được phép đi qua Thụy Điển và nước này cũng cung cấp cho Đức quặng sắt trong giai đoạn chiến tranh. Như nhiều nước khác, Thụy Điển cũng ngăn cản dòng người Do Thái di cư.
Nhưng sau khi sự thật về những gì phát xít đã làm được đưa ra ánh sáng, thái độ của Thụy Điển đã thay đổi. Đất nước này đã mở cửa biên giới và trở thành thánh địa cho hàng ngàn người di cư.
Năm 1940, Đan Mạch bị Đức chiếm, nhưng chính phủ Đan Mạch đã thương lượng để giữ lại một số quyền và bảo vệ người Do Thái trên nước mình. Thỏa thuận này được giữ vững đến năm 1943, khi phong trào kháng chiến tại Đan Mạch ngày càng mạnh mẽ, khiến Đức đe dọa chính phủ Đan Mạch.
Chính phủ Đan Mạch từ chức. Người Do Thái ở đây không còn được chính phủ bảo vệ, Hitler ra lệnh đưa họ về các trại tập trung. Một nhà ngoại giao Đức đã cảnh báo một lãnh đạo quân kháng chiến về lệnh trục xuất sắp được đưa ra.
Vậy là khắp đất nước này, những người hàng xóm và cả những người xa lạ đã chung tay giúp đỡ hơn 7.500 người Do Thái tới bờ biển. Từ đó, họ vượt qua con kênh hẹp để tới Thụy Điển. Những người tị nạn được an toàn ở đó trong suốt 19 tháng quân Đức chiếm đóng Đan Mạch.
Ngoài việc chấp nhận gần như toàn bộ dân số người Do Thái Đan Mạch, Thụy Điển cũng là nơi trú ẩn cho khoảng 900 người Do Thái Na Uy. Dân số Do Thái của Thụy Điển gồm khoảng 7.000 người được bảo vệ bởi vị trí trung lập của đất nước này.