Nuyên nhân dẫn đến run tay có thể do những lý do sau đây, có trường hợp lành tính và cũng có những trường hợp bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn trong cơ thể bạn.
1. Run tay không rõ lý do
Bạn gặp phải triệu chứng run tay mỗi khi cầm, nắm hoặc vận động mà không rõ nguyên do. Để được chẩn đoán bệnh chính xác, bạn cần đến gặp bác sĩ và thực hiện một số bài kiểm tra đơn giản như vẽ, viết, cầm một cốc nước,...
Bệnh run tay thông thường không phải do các bệnh khác gây ra thì khá lành tính, tuy nhiên bệnh cũng tiến triển nặng dần theo thời gian nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời để bảo đảm sức khỏe.
2. Run tay do rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật được xem là nguyên nhân hàng đầu gây run tay ở người trẻ tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với các triệu chứng run tăng lên khi bạn lo lắng, căng thẳng, hồi hộp…
Xen kẽ với triệu chứng run tay bạn còn có thể gặp phải các dấu hiệu khác như nhịp tim nhanh, khó thở, tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được run nếu biết cách điều tiết, cân bằng cảm xúc.
3. Run tay do bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân.
Do vậy, nếu bạn gặp phải dấu hiệu run tay, rất có thể là do căn bệnh này. Run tay trong bệnh lý Parkinson có đặc trưng là run thường xuất hiện hoặc tăng lên khi nghỉ ngơi và có thể giảm đi khi bạn hoạt động. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị co cứng cơ khớp, đi lại chậm chạp và cử động khó khăn.
4. Run tay do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc khi sử dụng sẽ có tác dụng phụ như run tay chân nhưng khi ngưng sử dụng triệu chứng này sẽ hết.
Các thuốc có thể gây run tay bao gồm: thuốc chống động kinh (gabapentin…); thuốc điều trị rối loạn lo âu (tetrabenazin…); các thuốc corticoid (prednisolon…); thuốc trầm cảm (clopromazine…).
Nếu bạn thấy xuất hiện run tay cùng với thời điểm sử dụng các thuốc trên, hãy trao đổi lại với bác sỹ điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thay thế thuốc khác, hoặc sử dụng kết hợp thêm thuốc để giúp cải thiện tình trạng run tay chân.
5. Run tay do tiểu não bị tổn thương
Tiểu não là vùng não có vai trò điều hòa thăng bằng và phối hợp các vận động của cơ thể. Tiểu não có thể bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân như do nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc thoái hóa tiểu não do di truyền,…
Do vậy, nếu bạn đã từng bị chấn thương tiểu não,sẽ gặp phải tình trạng run tay sau đó và một số triệu chứng khác như rối loạn thăng bằng, đi không vững.
6. Run tay do bệnh lý cường giáp
Cường giáp là bệnh lý rối loạn tự miễn, xảy ra do cơ thể sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp, làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi đó, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh, căng thẳng, khó chịu…
Run tay có thể giảm nhẹ nếu bệnh được điều trị đúng cách theo lời khuyên của bác sĩ.
7. Run tay do lạm dụng đồ uống nhiều caffein
Caffein là một trong những chất giúp con người trở nên tỉnh táo hơn tuy nhiên nếu thường xuyên sử dụng một thời gian dài, chất này sẽ gây ra tình trạng run tay, đặc biệt thường thấy ở người trẻ.
Caffein có mặt nhiều trong các loại thực phẩm như cà phê, nước ngọt có ga, sôcôla... thậm chí là trong một số loại thuốc giảm đau sẽ khiến bạn khó ngủ.
Ngoài ra, run tay có thể là triệu chứng trong rất nhiều các trường hợp khác nhau như bệnh huyết áp, ngộ độc kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen…), các bệnh lý về xương khớp…