Những người "vá" rừng

GD&TĐ - Áp lực với cuộc sống nơi phố thị, chị Hải Yến và anh Quyết bỏ lại công việc với mức lương tốt ở TP Hồ Chí Minh. Điểm đến của họ là căn nhà nhỏ chênh vênh bên sườn đồi ở huyện Kon PLông.

Nhóm “Phủ xanh Măng Đen” xót xa khi thấy những mảng đồi trọc.
Nhóm “Phủ xanh Măng Đen” xót xa khi thấy những mảng đồi trọc.

Tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá, 2 người thành lập nhóm “Phủ xanh Măng Đen” với hy vọng góp chút sức lực của mình để “vá” rừng.

Sống tối giản

Chiều những ngày cuối năm, cơn gió đông lạnh buốt luồn qua từng  vách gỗ ở căn nhà trong khu 37 hộ  (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) của chị Trương Hải Yến (38 tuổi). Đây là căn nhà mà chị Yến mượn tạm của người dân khi họ không sử dụng đến để ngả lưng mỗi ngày.

Chị Yến tâm sự, sau khi tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực công việc khiến chị mệt mỏi, căng thẳng. Sau nhiều tháng ngày làm việc quên thời gian, đến thời điểm không thể cầm cự được nữa, chị Hải Yến bỏ lại công việc với mức lương tốt ở TP Hồ Chí Minh để đến Ninh Bình làm cho một trung tâm bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Một thời gian sau, chị nhận thấy công việc chưa thực sự phù hợp và không có nhiều tự do nên quyết định dừng lại để tìm vùng đất mới. Điểm dừng chân của chị Yến là ngôi nhà nhỏ đơn sơ tại thị trấn Măng Đen.

“Trước khi lên Măng Đen, mình muốn tìm đến một vùng đất để sống tối giản và hoà mình vào thiên nhiên. Đầu năm 2021 khi đến đây ngay lập tức mình bị thu hút và muốn gắn bó với nơi này”, chị Hải Yến tâm sự.

Những ngày đầu sinh sống tại Măng Đen, chị Hải Yến ăn chay và sống tối giản hết mức có thể. Trong sinh hoạt hàng ngày, chị không tiêu dùng để hạn chế tạo ra rác thải. Bên cạnh đó, giảm bớt tiện nghi và vật chất không cần thiết.

Chị Trương Hải Yến sống tối giản, đồ dùng trong nhà chủ yếu là những vật liệu tái chế.
Chị Trương Hải Yến sống tối giản, đồ dùng trong nhà chủ yếu là những vật liệu tái chế.

Thay vì sử dụng dầu gội, sữa tắm, chị Yến dùng chanh, muối và gội đầu bằng vỏ bưởi, bồ kết. Hàng ngày, chị Hải Yến thường trao đổi và xin rau từ các nhà vườn để sử dụng, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

“Ban đầu mọi người nhìn với ánh mắt lạ lẫm và cho rằng mình lập dị. Nhưng mình nghĩ rằng, mỗi người sống tối giản một chút sẽ góp phần bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên trong lành. Giờ đây mình vẫn sống tối giản nhưng có một chút thay đổi để dung hoà và không bị tách biệt so với mọi người”, chị Hải Yến chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Quyết đặt mục tiêu khi trồng đủ 1 triệu cây rừng mới tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Anh Nguyễn Văn Quyết đặt mục tiêu khi trồng đủ 1 triệu cây rừng mới tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Bố mẹ ở quê nhà cũng đã có tuổi nên luôn mong mình ổn định cuộc sống và có một gia đình nhỏ. Nhưng khi đặt chân lên mảnh đất Măng Đen mình đã đặt mục tiêu rằng lúc nào trồng đủ 1 triệu cây rừng mới nghĩ đến hạnh phúc của bản thân. Tuy nhiên, bản thân mình cũng chỉ là hạt cát trên sa mạc nên việc “vá” rừng không thấm thoát bao nhiêu. Do đó mình mong rằng mọi người sẽ cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ và phủ xanh những mảng đồi trọc. Anh Nguyễn Văn Quyết

Không cùng một điểm xuất phát, nhưng anh Nguyễn Văn Quyết (32 tuổi, quê Nam Định) có chung chí hướng và mong muốn phủ xanh những cánh rừng trọc với chị Hải Yến.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính kế toán, anh Quyết cũng có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng vì áp lực cuộc sống nên anh muốn tìm đến vùng đất yên bình, sống hoà bình với thiên nhiên.

“Gia đình có 4 chị em, mình là con trai duy nhất. Khi gia đình hay tin mình từ bỏ công việc ở TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm một vùng đất yên bình thì mọi người đều tôn trọng. Mình rất vui và hạnh phúc vì điều đó nên luôn chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống để gia đình thấu hiểu được những gì mình đang làm”, anh Quyết tâm sự.

Tháng 5/2021, anh Quyết đặt chân đến Măng Đen và vô tình gặp chị Hải Yến. Sau những cuộc trò chuyện 2 người tìm được điểm chung và quyết định kết hợp để cải thiện môi trường, phủ xanh những cánh rừng trọc.

“Ngày đầu bước chân lên đây mình cảm nhận được không khí trong lành, thoáng mát. Nhưng tiếc rằng những cánh rừng bạt ngàn bị chặt phá, cạo trọc. Khi thấy cảnh tượng đau lòng đó bản thân mình mong muốn gắn bó  với nơi này và góp chút sức lực để phủ xanh những mảng rừng”, anh Quyết nói.

Rừng trong vườn

Để những mảng đồi trọc được phủ xanh nhanh chóng, anh Quyết và chị Yến kêu gọi thêm tình nguyện viên cùng tham gia “vá” rừng. Những người có đất, có vốn và có giống cây… được nhóm hỗ trợ trồng rừng đúng cách để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao. Những người còn lại thì tham gia trồng rừng.

Nhận thấy việc “vá” rừng cần chi phí và nguồn nhân lực lớn nên anh Quyết và chị Yến đã thành lập nhóm “Phủ xanh Măng Đen” trên mạng xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Ban đầu, nhiều bạn trẻ tìm đến với mong muốn góp sức nhằm giúp Măng Đen thêm xanh.

“Dự án “Phủ xanh Măng Đen” hoạt động với mục tiêu truyền thông những hành động bảo vệ môi trường, gây quỹ xã hội hóa vào việc trồng rừng. Bên cạnh đó, nhóm tổ chức các hoạt động tặng giống, trồng rừng… tăng mật độ phủ xanh”, anh Quyết chia sẻ.

Quầy quần áo 0 đồng, ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận.
Quầy quần áo 0 đồng, ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận.

Mấy tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh Nicolas (Quốc tịch Úc) bị “mắc kẹt” tại Kon Tum. Trong thời gian ở lại Măng Đen, anh Nicolas tham gia cùng nhóm “Phủ xanh Măng Đen” trồng rừng, nhặt rác… để bảo vệ môi trường.

“Tôi mong rằng mọi người sẽ cùng chung tay để bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: Trồng cây xanh, phân loại rác thải, nhặt rác… Từ những hành động nhỏ của mỗi người sẽ giúp bảo vệ môi trường sống ngày càng trong lành”, anh Nicolas bộc bạch.

Nhóm “Phủ xanh Măng Đen” trồng cây để “vá” rừng.
Nhóm “Phủ xanh Măng Đen” trồng cây để “vá” rừng.

Cứ cuối tuần nhóm “Phủ xanh Măng Đen” tổ chức nhặt rác, tái chế rác thải để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, tại một số điểm du lịch, khu công cộng nhóm còn vẽ các biển chỉ dẫn, phân loại rác để tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường.

Chị Yến cho hay, đối với nhóm “Phủ xanh Măng Đen” chỉ cần 1 gia đình chủ động trong việc phân loại rác đã giúp môi trường xanh sạch đẹp hơn. Do đó, chị tin rằng nếu mọi người kiên trì và có những hành động thiết thực thì sẽ có nhiều người thay đổi để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa của nhóm dần được nhiều người biết đến. Thế rồi, nhà hảo tâm tìm đến nhiều hơn để ủng hộ vào Quỹ phủ xanh. Sau nhiều tháng hoạt động, đến nay dự án đã trao tặng và trồng hơn 20.000 cây rừng trên địa bàn huyện Kon Plông.

Sau một thời gian hoạt động nhóm đã trồng được hơn 20.000 cây rừng.
Sau một thời gian hoạt động nhóm đã trồng được hơn 20.000 cây rừng.

“Có những đêm thức trắng, mình trằn trọc suy nghĩ tìm cách để vừa phát triển kinh tế cho người dân nhưng vẫn giữ được rừng. Mình luôn mong muốn “rừng trong vườn” và “vườn trong rừng” để người dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.

Với bản thân mình, chỉ cần trồng thêm một cây trên một ngọn đồi là tốt rồi. Khi người dân trồng xuống sẽ có tình yêu với cây và ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ rừng”, chị Hải Yến chia sẻ.

Bên cạnh việc trồng rừng, nhặt rác… nhóm còn hỗ trợ nuôi hơn 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Đồng thời, nhóm cũng hỗ trợ cây giống, phân bón để học sinh trồng rừng ngay trong khuôn viên nhà trường.

Thầy Hồ Quang Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Cành cho hay, năm học này khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì nhiều học sinh không còn chế độ bán trú.

Để giúp học sinh vững bước đến trường nhóm “Phủ xanh Măng Đen” đã hỗ trợ phân, giống để trường làm vườn rau “nuôi em”. Bên cạnh đó, nhóm cũng nhận nuôi 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học tập.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông nhận xét, nhóm “Phủ xanh Măng Đen” đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương như: Kết nối cộng đồng bảo vệ rừng, hỗ trợ giống cây cho địa phương, góp nguồn nhân lực để trồng rừng…

Do đó, địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện vì màu xanh Kon Plông. Địa phương cũng mong muốn những hành động đẹp này sẽ lan toả đến nhiều người, giúp Măng Đen trở thành điểm đến hấp dẫn và không còn rác thải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ