4h30, sáng 2/3, chuyến bay VN54 từ London hạ cánh với 201 hành khách. Đứng ở khu vực hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh, theo quán tính nghề nghiệp, Hải nhắc cô gái trẻ đang xếp hàng, "Em cầm sẵn hộ chiếu đi, đứng lùi lại sau vạch". Cô gái gật đầu, không nói gì. Tất cả diễn ra chưa đến 20 giây. Năm ngày sau, Việt Nam ghi nhận ca thứ 17 dương tính nCov. Cô gái 26 tuổi về Việt Nam trên chuyến VN54 hôm ấy, đứng cách anh chưa đầy một mét.
Hải gọi hai cuộc điện thoại, thông báo cùng một nội dung: Đã tiếp xúc gần "bệnh nhân 17" và xin đi cách ly. Đội trưởng dặn Hải chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng. Còn vợ anh nín lặng. Hải biết đầu dây bên kia đang cố nén khóc, dù 11 năm lấy chồng công an, cô vẫn luôn tự nhận mình "đã thành chiến sĩ". "Em yên tâm, có kết quả xét nghiệm, người đầu tiên anh báo, chắc chắn là em", Hải an ủi vợ.
Trung bình, cứ 6 giây lại có một người bước qua cánh cửa làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay quốc tế Nội Bài. Nếu bay về Việt Nam, hành khách rất có thể sẽ gặp Hải ngồi sau tấm kính của bục nhập cảnh số 17. Anh cũng có thể làm nhiệm vụ ở cửa tàu bay, trực máy giám sát, ngồi ở quầy cấp visa, hoặc là người nhắc hành khách đứng xếp hàng sau vạch kẻ.
Nhiệm vụ chính của những công an cửa khẩu sân bay như Hải là ngăn chặn nhập cảnh trái phép, phát hiện giấy tờ giả. Nhưng "Ở Hà Nội thì đi đâu chơi?", khách nước ngoài đôi khi sẽ níu tay anh hỏi. "Mình là người Việt Nam đầu tiên họ gặp, nên để lại ấn tượng tốt", Hải tự nhủ, luôn cố gắng giải đáp và trợ giúp.
Người kiểm soát viên 37 tuổi không đếm được số người mình giao tiếp mỗi ngày. Có thể là vài ba trăm, có thể hơn 1.000 vào ngày lễ, mùa du lịch. "Tiếp xúc với nhiều người" là niềm vui nghề nghiệp, nhưng lúc có dịch bệnh, cũng chính là đối diện với nguy cơ lây nhiễm.
KIểm soát viên nhập cảnh cửa khẩu Nội Bài đeo găng tay, khẩu trang, khi hướng dẫn, làm việc, tiếp xúc với người nước ngoài hôm 11/3. Ảnh:Bá Đô |
Đôi găng tay cao su và chiếc khẩu trang là vật bất ly thân, nước rửa tay đặt tại tất cả các bàn làm việc, khu vực nhập cảnh được phun khử trùng mọi ngày. Hải tin khả năng lây nhiễm của mình dưới 1%. Hầu như các ca nhiễm nCoV trước đó đều về nước qua Nội Bài, nên Hải thấy "rất bình thường" khi nhận tin về "bệnh nhân 17".
30 phút sau khi được xếp vào căn phòng cách ly 20 giường của Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hải nhận được túi đồ vợ gửi. Ngoài ba bộ quần áo và đồ vệ sinh cá nhân, còn có thêm túi dưa chuột và bột canh tôm, món "ruột" của anh trong mỗi bữa cơm nhà hiếm hoi.
Từ ngày Việt Nam công bố dịch, 1/2, Hải tranh thủ đáo qua nhà ở quận Thanh Xuân được 2 lần, nhìn con mấy tiếng cho đỡ nhớ, chẳng dám ôm hôn, rồi lại lên cơ quan ngủ. Hai con nhỏ, đứa lên 2, đứa lên 6, lâu nay quen với cảnh bố ít khi ở nhà dù lễ hay Tết, không hỏi han nhiều.
Một ngày sau khi đi cách ly, kết quả xét nghiệm của Hải trả về âm tính. Giữ đúng lời hứa, anh gọi điện báo cho vợ đầu tiên. "Đây là món quà 8/3 lớn nhất, em không cần gì nữa", sống mũi Hải bỗng cay khi nghe vợ nói. Lần này, chính anh là người nín lặng hồi lâu.
6h mỗi sáng, Hải thức giấc, khua cả phòng dậy tự kẹp nhiệt độ, thông báo tình trạng sức khỏe với bác sĩ. Anh em cùng phòng đùa, "đúng là cái ông công an, chỉ giỏi bắt người ta dậy sớm". Chiều chiều, anh lại rủ mọi người ra sân đá cầu, chạy bộ. Hải lớn tuổi nhất, được "lãnh chức" trưởng phòng cách ly 20 người, đều là người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và học tập tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhân viên làm thủ tục check in cho khách tại sân bay Nội Bài, trong đó nhiều du khách không đeo khẩu trang. Ảnh:Bá Đô |
Thanh Vân, 37 tuổi làm tại quầy thủ tục check in trong bộ áo dài xanh, ngồi tại một trong các quầy thủ tục dãy G, ga T2 của sân bay Nội Bài.
Những người làm việc trong sân bay hầu hết, không có khái niệm ngày đêm. Với Vân, "khi nào còn chuyến bay, khi đó vẫn là ban ngày". Ca làm việc của Vân thường dài hơn 10 tiếng, có những chuyến bay chậm, hủy 3, 4 giờ do thời tiết, hay nơi đến báo trục trặc, Vân và đồng nghiệp ca đó phải ở lại giải quyết tất cả các phát sinh đến khi toàn bộ hành khách được cất cánh an toàn.
Khoảng cách từ người ngồi sau quầy thủ tục đến hành khách là 0,5 m. Mỗi ngày, Vân nói chuyện với trên dưới 300 người trong khoảng cách đó. Mỗi người, cô nhận giấy tờ tùy thân, trả vé và trung bình mỗi hành khách lại một lần dán hành lý xách tay và 2 kiện hành lý ký gửi, tối thiểu 1.200 lần tiếp xúc trực tiếp.
Những ngày đầu có thông tin về dịch bệnh, cầm cuốn hộ chiếu Trung Quốc màu đỏ trong tay, dù trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, Vân thấy thấp thỏm. "Đừng nói là không lo, tâm trạng cũng rối bời cả đấy, nhưng vẫn phải niềm nở, nhiệt tình và phục vụ hết sức", Vân chia sẻ.
Mỗi ngày, hãng bay của Vân có khoảng 20 chuyến đi các nước châu Á do Vân phụ trách, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... Trong suốt ca làm việc dài 10 tiếng, Vân chỉ có 40 phút ăn trưa, tranh thủ ngồi tự bóp tay, vươn vai, không được rời vị trí vì khách rất đông.
13h30 ngày 12/3, Vân và đồng nghiệp mở làm thủ tục cho chuyến Hà Nội- Yangoon (Myanmar) cất cánh lúc 16h30. Vợ chồng người Pháp tiến tới quầy của Vân, xuất trình hộ chiếu. Như hầu hết khách châu Âu có mặt tại sân bay Nội Bài khi đó, họ không đeo khẩu trang. Vân khuyên họ và nhận được câu trả lời "But why? We feel so strong!"- Tại sao? Chúng tôi thấy rất khỏe, Vân thừa nhận, nguy cơ lây nhiễm của mình "phụ thuộc một nửa vào ý thức hành khách".
"Hôm nọ con em bị cúm mùa thôi, nhưng đi khám, bác sĩ hỏi nghề nghiệp của bố mẹ mà em không dám nói", một nữ đồng nghiệp quay sang kể với Vân. Vân cũng có ba con nhỏ, việc lớn nhất chị có thể làm là cố gắng thay giặt quần áo, tắm nước nóng, gội đầu ngay tại nơi làm việc trước khi về nhà. Tà áo dài, lúc trước là niềm tự hào nghề nghiệp, giờ Vân không dám mặc về vì sợ con cái bị hàng xóm xa lánh.
Những ngày này, lượng chuyến bay đã giảm chỉ còn khoảng 1/5, nhưng công việc không giảm. Nhiều nước điểm đến yêu cầu thêm hành khách phải có giấy khám sức khỏe, kê khai lịch trình di chuyển 14 ngày gần đây và khai báo y tế theo mẫu QR code dán trên mỗi quầy check in. Vân thêm nhiệm vụ hướng dẫn khách bay làm tờ khai y tế, thời gian tiếp xúc cũng tăng lên.
Trước đây, với Vân, đúng giờ là yếu tố hàng đầu để nói về một chuyến bay thành công. Còn bây giờ, đó là một chuyến bay không có hành khách nào phải ở lại vì thân nhiệt bất thường.
Những đồng đội của Nam Hải - kiểm soát viên khu nhập cảnh, cũng thêm nhiệm vụ trong bối cảnh Chính phủ tăng cường phòng chống dịch. Từ 7/3, hành khách buộc phải khai báo y tế khi vào Việt Nam. Do vậy, công an cửa khẩu ngoài kiểm tra hai loại giấy tờ là hộ chiếu và vé máy bay, còn xem xét tờ khai y tế đã được đóng dấu hay chưa.
Với trường hợp hành khách chưa khai báo y tế, chưa lấy dấu kiểm dịch, các kiểm soát viên sẽ hướng dẫn họ quay lại trung tâm y tế trong sân bay để khai báo, xin xác nhận vào tờ khai và hoàn tất thủ tục nhập cảnh.
Hiện Công an cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 11 người bị cách ly, do liên quan đến các bệnh nhân trên chuyến bay VN54 ngày 2/3. Nơi cách ly của họ cách các đường băng ngoài kia chưa đầy 15 km, đêm yên ắng còn nghe rõ tiếng động cơ máy bay cất cánh, hạ cánh. Hải nhớ nhà ga đông đúc. Anh nói thật, nghỉ ngơi, nhưng thấy nóng ruột. Vì bên ngoài "anh em còn đang gồng mình chống dịch đêm hôm".
Một nửa thời gian cách ly của Hải đã qua đi, nếu không có gì thay đổi, 22/3, Hải sẽ trở về "đầu chiến tuyến" cùng đồng nghiệp. Hai đứa nhỏ đã bắt đầu hỏi bố, đòi chơi trò "nhong nhong cưỡi ngựa", nhưng Hải chưa dám hẹn ngày về. Hải ngập ngừng, "chắc mình sẽ ở lại sân bay đến khi hết dịch".