Những người thợ giữ ánh sáng cho Hòn Ngọc Viễn Đông

Chính sự quyết liệt của những người thợ như ông Thiên đã góp phần bảo vệ nguyên vẹn Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Chợ Quán, đảm bảo phục vụ điện sáng cho Hòn Ngọc Viễn Đông sau ngày giải phóng.

Sửa chữa khôi phục đường ống thủy áp của Nhà máy thủy điện Đa Nhim năm 1976. Ảnh: EVN SPC
Sửa chữa khôi phục đường ống thủy áp của Nhà máy thủy điện Đa Nhim năm 1976. Ảnh: EVN SPC

19 giờ ngày 29/4/1975, tổ điều hành Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức gồm 20 người được triệu tập họp khẩn, với nội dung “nếu tình thế chiến sự nguy kịch, không cứu vãn được, tổ phải phá hủy những bộ phận cơ yếu của nhà máy, sau đó trực thăng sẽ đến rước tổ điều hành đi”.

Vào giây phút quyết định vận mệnh của Nhà máy điện Thủ Đức, anh công nhân Nguyễn Văn Thiên tuyên bố: “Tôi Nguyễn Văn Thiên, hôm nay là người thừa lệnh của Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam không cho phép bất cứ ai phá hỏng nhà máy vì nó là nguồn sáng cấp thiết cho nhân dân”.

Thời khắc lịch sử khó quên

Ông Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1935, tại xã Phước Long, huyện Thủ Đức, nay là phường Phước Long B, quận 9, TPHCM, từng theo học Trường Công nhân kỹ thuật Hỏa xa.

Đến năm 1965, ông Thiên được điều về công tác tại tổ điều hành Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, khi đó, gia đình ông Thiên ở quận 3, là cơ sở cách mạng trong lòng thành phố Sài Gòn.

Thấy Thiên nhanh nhẹn lại có tâm huyết đi theo cách mạng, năm 1972, chị Nguyễn Thị Nguyệt thuộc bộ phận K42 hoạt động nội thành đã giới thiệu Thiên với một người cũng hoạt động cách mạng nội thành tên Lê Khắc Bình.

Nhiệm vụ mà ông Bình giao cho Thiên thời điểm đó là xây dựng cơ sở công nhân trong nhà máy và chiếm giữ nhà máy lúc cần thiết. Nhận nhiệm vụ được giao, trong 3 năm, anh công nhân Nguyễn Văn Thiên đã xây dựng được cơ sở hoạt động gồm 5 công nhân kỹ thuật bậc cao, gồm: Võ Văn On, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Đinh, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Văn Lượng.

Đến cuối tháng 4/1975, khi tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên chiến trường Miền Nam, quân cách mạng đã giải phóng được nhiều tỉnh, thành phố, cơ sở công nhân tại Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức được giao nhiệm vụ chuẩn bị cờ giải phóng, khi chiếm được nhà máy thì cắm cờ, anh em cơ sở trong tổ phải ở tư thế sẵn sàng đối phó trường hợp bất trắc xảy ra để bảo vệ nhà máy.

Cùng lúc đó, tổ điều hành Nhà máy lại được lệnh từ chính quyền Sài Gòn cũ là phá hủy những bộ phận cơ yếu của nhà máy nếu tình thế chiến tranh nguy kịch!

Ông Thiên kể lại: “Lúc đó, nhà máy chỉ còn một tổ điều hành với 20 người, cơ sở công nhân ở nhà máy thì còn có tôi, anh Thái và anh Lượng.

19 giờ ngày 29/4/1975, chúng tôi được triệu tập, tham gia cuộc họp khẩn cấp do kỹ sư Hà Văn Thông chủ trì. Kỹ sư Thông thông báo: “Tôi rất buồn khi thông báo rằng cấp trên yêu cầu tôi nói với anh em rằng, nếu tình thế chiến tranh nguy kịch, không còn cứu vãn được nữa thì nhà máy được lệnh phá hủy những bộ phận cơ yếu, sau đó chúng ta sẽ được trực thăng đến rước đi”.

Tất cả công nhân nhà máy nhìn nhau, lộ vẻ hoang mang. Tôi nhận thấy đây là thời cơ, giờ phút quan trọng quyết định vận mệnh của Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức đã tới nên ngay lập tức, tôi đứng lên, nhìn thẳng vào kỹ sư Thông và anh em công nhân tổ điều hành, rồi tuyên bố:

“Tôi Nguyễn Văn Thiên, là người thừa lệnh của Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam không cho phép bất cứ ai phá hỏng nhà máy vì nó là nguồn sáng cần thiết cho nhân dân”.

Tất cả anh em công nhân ngạc nhiên nhìn ông, tuy nhiên không ai có thái độ phản ứng, sau đó mọi người đều trở về vị trí làm việc của mình. Suốt đêm 29/4, toàn bộ nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Đến 6 giờ ngày 30/4/1975, khi kỹ sư Nguyễn Văn Hóa - Quyền giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức vừa đến, ông Thiên đã chủ động đến phòng làm việc của kỹ sư Hóa, truyền lệnh của Mặt trận giải phóng.

Ông Thiên nhớ lại: “Anh Hóa không có phản ứng gì mà còn nói “Anh cứ yên tâm”. Xác định nhà máy được bảo vệ, ông Thiên cùng tổ cơ sở của mình huy động anh em công nhà máy lấy sơn, băng vải để vẽ cờ cách mạng khẩu hiệu của Mặt trận quân giải phóng.

Đúng 8 giờ ngày 30/4, việc chiếm giữ Nhà máy điện Thủ Đức hoàn toàn thắng lợi, cờ giải phóng tung bay trên cột cờ nhà máy. 11 giờ trưa 30/4/1975, tổ của ông Thiên bàn giao nguyên vẹn Nhà máy cho cán bộ tiếp quản.

Giữ lại người yêu nghề, không phân biệt chế độ cũ - mới

7 giờ 30 ngày 1/5/1975, Tiểu Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định gồm 33 người do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Cty Điện lực Việt Nam tại số 72 Hai Bà Trưng (TPHCM) để chỉ đạo việc tiếp quản.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, đảm bảo việc tiếp quản và sinh hoạt của thành phố, quản lý và vận hành tốt toàn bộ cơ sở vật chất và kỹ thuật ngành Điện vừa tiếp quản từ tay chính quyền cũ.

Bên cạnh đó, lực lượng tiếp quản triệu tập tất cả công nhân viên ngành điện trở lại làm việc bình thường, phối hợp với anh em quân quản tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng bị phá hoại, gây thiệt hại chung cho nhân dân.

Thời điểm ấy, công suất lắp đặt của hệ thống điện miền Nam chỉ có 800MW. Hoạt động của ngành điện phía Nam vô cùng khó khăn, phức tạp do tình trạng nguồn và lưới điện còn rất chắp vá, nghèo nàn. Các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng để thay thế…

Ông Trần Vân, một trong những người đầu tiên tiếp quản ngành điện miền Nam, nhớ lại: “Việc bảo đảm điện sau ngày 30/4/1975 được coi là vấn đề sống còn không chỉ cho đời sống của người dân Sài Gòn mà còn thể hiện uy tín chính quyền quân quản Sài Gòn những ngày đầu nên rất được chú trọng”.

Vốn là người Sài Gòn, tập kết ra Bắc từ năm 1954, được đi học nước ngoài về điều độ điện rồi tham gia xây dựng nhà máy điện Vinh (Nghệ An) nên khi được điều động trở lại Sài Gòn, công việc của ông cũng vì thế mà thuận lợi hơn.

Ông chia sẻ: “Lợi thế của tôi vừa là dân kỹ thuật điện lại là người gốc Sài Gòn nên dễ thuyết phục anh em chế độ cũ ở lại làm việc với mình. Anh em biết mình có nghề nên cũng rất gần gũi chứ không phân biệt chế độ này, chế độ kia”.

Cũng như ông Trần Vân, ông Nguyễn Văn Thận - Nguyên Phó giám đốc Cty Điện lực 2 (hiện là TCty Điện lực miền Nam) là con em miền Nam tập kết ra Bắc, sau 30.4.1975 được trở về quê hương tăng cường cho ngành điện miền Nam.

Ông Thận kể: “Công việc tiếp quản ngành điện ở Sài Gòn không gặp nhiều khó khăn. Trừ một số ít trí thức, quản lý cấp cao ngành điện của chế độ cũ bỏ ra nước ngoài thì hầu hết nhân viên, công nhân đều được giữ lại.

Ai ở bộ phận nào ở lại điều hành, làm việc ở bộ phận đó. Lãnh đạo Cty Điện lực Việt Nam vẫn tiếp tục điều hành công việc dưới sự giám sát của ban quân quản. Còn anh em cố vấn chúng tôi trước đó ở ngoài Bắc đã làm quen với thiết bị, cách vận hành ngành điện nên không bỡ ngỡ khi tiếp quản”.

Đến tháng 8/1975, tình hình tiếp quản Sài Gòn đã đi vào quy củ, lúc này Bộ Điện Than cử ông Lê Ba vào làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Điện lực (phụ trách ngành điện từ Quảng Trị vào - Minh Hải) và liên tục tăng cường lực lượng cho ngành điện miền Nam.

Khi lực lượng ngành điện của cách mạng đủ sức tiếp quản ngành điện, lãnh đạo Cty Điện lực Việt Nam đã tiến hành bàn giao việc điều hành ngành điện cho ban quân quản.

Sau tháng 8/1975, Tổng cục Điện lực thành lập một ban gọi là Nha Kỹ thuật, tập trung các lãnh đạo Cty Điện lực Việt Nam về đó với vai trò cố vấn chuyên môn cho ngành điện.

42 năm, sau ngày giải phóng, ngành điện miền Nam đã có những đột phá mạnh mẽ, đảm bảo cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành phía Nam.

Và trong mỗi câu chuyện, khi nhắc đến ngành điện trong những ngày đầu giải phóng với muôn vàn khó khăn, ai cũng đồng tình với nhau rằng, chính sự đồng tâm hiệp lực của tất cả lớp cán bộ kỹ thuật thời ấy, kể cả những kỹ sư đã được đào tạo từ chế độ cũ, kể cả những cán bộ được điều từ miền Bắc vào đã giúp ngành điện đứng vững, làm tròn nhiệm vụ giữ ánh sáng cho Hòn Ngọc Viễn Đông!

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ