Những người thầy đặc biệt

Những người thầy đặc biệt

(GD&TĐ) - Có thể nói, giáo viên chủ nhiệm là những người thầy đặc biệt, bởi họ không những phải làm nhiệm vụ dạy dỗ học trò như các giáo viên khác, mà còn phải gánh trên vai bao trách nhiệm nặng nề khác, đóng vai trò làm chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình học sinh, giữa các giáo viên bộ môn với học sinh… Giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người thầy, mà trong nhiều tình huống, còn phải là người cha, người mẹ, người bạn, chỗ dựa tinh thần của học sinh. Thực tế cho thấy, những giáo viên chủ nhiệm luôn gần gũi, tận tâm với học trò, có chuyên môn cao, yêu nghề sẽ giúp cho hoạt động dạy và học đạt được những hiệu quả to lớn.

* Muốn dạy trò hiệu quả, cần phải hiểu trò

Cô giáo Bùi Hoài Thanh – giáo viên dạy Văn, người có kinh nghiệm làm công tác giáo viên chủ nhiệm 4 năm ở Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam – cho biết, người giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng học sinh, từ đó, mới biết cách ứng xử, động viên, khích lệ các em cho phù hợp, giúp học sinh có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát đến từng học sinh
Giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát đến từng học sinh

Trong thời gian làm giáo viên chủ nhiệm một lớp, cô giáo Thanh luôn cố gắng đến từng nhà học sinh, nhằm lúc phụ huynh không có nhà, để học sinh có thể bộc lộ mình rõ ràng và tự nhiên nhất. Chỉ cần quan sát cách sắp xếp, trang trí góc học tập của học sinh, cô cũng có thể nhận biết được phần nào tính cách, thói quen của các em. Có đến tận nhà học sinh, cô Thanh mới thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của không ít học trò mà nếu chỉ quan sát qua vẻ bề ngoài, qua cách nói chuyện, giao tiếp với bạn bè cùng lớp, với thầy cô... sẽ khó có thể nhận biết được. Nhờ đó, cô Thanh hiểu sâu sắc hơn rằng sự giàu nghèo, vật chất không làm nên tính cách của học trò mà chính là sự giáo dục, nền tảng của mỗi gia đình. Những chuyến đến thăm nhà học sinh cũng giúp cô trân trọng học trò của mình hơn, bởi dù hoàn cảnh, xuất thân như thế nào, nhưng ở trường, ở lớp, với thầy cô, bạn bè, các em đều thể hiện thái độ nghiêm túc trong học tập, tự tin, độc lập, hòa đồng với mọi người xung quanh...

Nhờ tiếp cận với học sinh ở nhiều góc độ, nhiều tình huống khác nhau nên cô giáo Bùi Hoài Thanh có thể hiểu được tương đối đầy đủ và toàn diện về từng học sinh của mình. Ngược lại, học sinh cũng gần gũi với cô giáo hơn. Và khi cô – trò đã tạo được sự gần gũi, tin cậy lẫn nhau thì phối hợp với nhau trong hoạt động dạy và học cũng nhịp nhàng, ăn ý hơn. 

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng cần nắm bắt được tâm lý của học sinh ở từng lứa tuổi khác nhau. Đây là kinh nghiệm mà cô giáo Nguyễn Xuân Trinh (Trường TH Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) rút ra trong quá trình làm giáo viên chủ nhiệm của mình. Với học sinh tiểu học, nhiều khi chỉ cần những phần thưởng nho nhỏ như cái bút chì, thước kẻ, tập nhãn vở... cũng đủ làm các cô cậu trò nhỏ sướng rơn nên trên bàn của cô Trinh luôn có một “quầy tạp hóa” để làm phần thưởng cho những học sinh được điểm 10. Cô Trinh chia sẻ: Học sinh tiểu học rất thích được nhận quà, được khen ngợi, nên khi giành được phần thưởng của cô nhờ những bông hoa điểm 10, các em cảm thấy rất hãnh diện, đem khoe ngay với bạn bè, bố mẹ và càng có động lực để phấn đấu trong học tập. Hay để động viên học trò ăn hết suất trong bữa trưa, trước khi ăn một thực phẩm nào đó, cô Trinh đều nói về công dụng của những thực phẩm đó. Khi nghe cô nói những thực phẩm đó có thể làm mình cao lên, thông minh hơn, khỏe hơn... thì cô cậu học trò nào cũng khoái và thi nhau ăn lấy ăn để. 

* Đặt niềm tin vào Học sinh

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh – Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội – cho rằng, mỗi học sinh đều có khả năng riêng. Nếu giáo viên biết cách động viên, khích lệ, các em sẽ phát huy được hết khả năng của mình. Và hơn ai hết, giáo viên chủ nhiệm chính là người có điều kiện thuận lợi nhất để phát hiện ra những khả năng của học trò. Bản thân cô Minh đã gặp một trường hợp từng là học sinh cá biệt, thậm chí đã bỏ học 1 năm chỉ vì tự ái cá nhân. Qua tiếp xúc, cô Minh nhận thấy học sinh này học được, có năng khiếu về văn học, có khả năng về tổ chức, lãnh đạo nhưng rất cá tính, đòi hỏi giáo viên phải có cách ứng xử khéo léo. Nhờ sự khuyến khích, động viên và tin tưởng của cô Minh, cô học trò đó đã dần cởi mở và hòa nhập trở lại với bạn bè, thầy cô, rồi tham gia tích cực vào các hoạt động của lớp, của trường, trở thành cây bút chủ lực cho tập san của trường. 

Những người thầy đặc biệt ảnh 2
Sự gắn bó giữa GV – HS giúp cho hoạt động dạy và học đạt hiệu quả

Tuy nhiên, để nhìn nhận ra được khả năng riêng của mỗi học sinh đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải xuất phát từ chỗ hiểu rõ về đặc điểm tính cách, tâm lý của từng học sinh. Cô giáo Bùi Hoài Thanh đã từng dạy một vài học sinh bị coi là tự kỷ. Bố mẹ của một trong những học sinh này cho biết, ở ngôi trường mà em học trước đó, em bị xếp vào loại... thiểu năng trí tuệ. Đó là vì mặc dù em rất xuất sắc trong một môn học nào đó, nhưng cách ứng xử của em với những người xung quanh thì không giống các bạn khác chút nào. Em như sống trong thế giới riêng của mình, với môn học mà mình yêu thích mà không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Hiểu được những đặc điểm khác lạ của những đứa trẻ tự kỷ, khi dạy những học sinh đặc biệt này, cô Thanh luôn nhìn nhận, đánh giá các em ở những mặt nổi trội, cố gắng khơi dậy niềm đam mê đối với lĩnh vực mà các em có khả năng nổi bật để các em có thể đạt thành tích tốt nhất ở lĩnh vực đó. Và niềm tin của cô đối với những học sinh đặc biệt đó đã được đền đáp xứng đáng khi các em đều đạt được thành tích xuất sắc ở những môn học mà các em có đam mê và tài năng. 

* Là chỗ dựa tinh thần của học trò

Ở những ngôi trường dân tộc nội trú, các thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm giống như người cha, người mẹ, người thân của học sinh dân tộc bởi các em không chỉ học tập tại trường mà còn ăn ở, sinh hoạt tại trường, gắn bó với trường như ngôi nhà thứ hai của mình trong suốt nhiều năm. Thầy Nông Văn Núi – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Cao Bằng - chia sẻ: Do sống xa gia đình, xa người thân nên học sinh nội trú có nhu cầu được động viên, được quan tâm rất lớn, nhất là những học sinh mới vào trường. Mặt khác, hầu hết phụ huynh học sinh có trình độ còn thấp, lại gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, đường sá xa xôi nên liên lạc thường xuyên giữa học sinh và gia đình gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, học sinh dân tộc nội trú gắn bó với giáo viên chủ nhiệm không khác gì với người thân ruột thịt của các em. Ngược lại, giáo viên cũng quan tâm đến các em học sinh bằng tình cảm của người làm cha, làm mẹ, động viên, chia sẻ khi các em gặp chuyện buồn, gặp khó khăn. Thậm chí, với những tâm sự thầm kín tuổi mới lớn, các em cũng tìm đến giáo viên chủ nhiệm nhờ “gỡ rối”. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ thêm, nếu vào trường từ năm lớp 6 thì đến khi ra trường, các em học sinh dân tộc có tới 7 năm sống trong trường nội trú. Thỉnh thoảng, các em mới được về thăm nhà. Chính vì vậy, khi gặp chuyện buồn, gặp những khúc mắc trong cuộc sống, các em đều có nhu cầu được chia sẻ, tư vấn, động viên... nên khi đó, các thầy cô giáo, nhất là các giáo viên chủ nhiệm cần trở thành chỗ dựa tinh thần của học sinh. 

Nếu không có cái tâm, không có tấm lòng của một người cha, người mẹ lo lắng cho học sinh một cách thật lòng, có lẽ người giáo viên chủ nhiệm sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi có bao nhiêu việc “có tên” và “không tên” đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải ra tay giải quyết, có biết bao trách nhiệm mà người giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai. Dẫu chưa có một danh hiệu nào dành riêng cho những giáo viên chủ nhiệm giỏi, thì thành công của học trò sẽ là những phần thưởng quý giá nhất mà những giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học sinh luôn hạnh phúc đón nhận.

Dẫu chưa có một danh hiệu nào dành riêng cho những giáo viên chủ nhiệm giỏi, thì thành công của học trò sẽ là những phần thưởng quý giá nhất mà những GVchủ nhiệm hết lòng với HS luôn hạnh phúc đón nhận

Minh Trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ