Để đến được bản, từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, chúng tôi phải vừa đi xe máy, vừa đi bộ, vượt qua khoảng 60 km đường rừng trơn trượt, nhỏ hẹp, với nhiều dốc thẳng đứng, lởm chởm đá núi.
Dạy học nơi… 4 không
Điểm trường Háng Tày có 6 thầy cô, với 4 lớp, gồm 70 em HS là con em người dân tộc Mông. Để có thể trụ lại nơi rẻo cao này dạy chữ cho các em, các thầy cô đã phải vượt qua nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần trong điều kiện “bốn không”: Không điện, không sóng điện thoại, không chợ, không đường.
Cùng thầy cô đi trên con đường “gian khó” đến điểm trường Háng Tày, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi gian lao, vất vả mà các thầy cô giáo “cắm bản gieo con chữ” cho các em nơi đây.
Nhớ lại ngày mới nhận công tác tại điểm trường Háng Tày, cô Điêu Thị Hường, người dân tộc Thái (sinh 1986), quê xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết:
“Lần đầu tiên đi trên con đường đến bản Háng Tày, em đã ôm bố, khóc và xin về không đi dạy nữa, vì quá sợ con đường mòn nhỏ hẹp trơn trượt, với một bên là núi, một bên là vực sâu. Chỉ cần chút sơ sẩy là có thể ngã và nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng, với sự động viên của gia đình, em đã quyết định ở lại gắn bó với các em”.
Nhờ có cô Hường tình nguyện gắn bó với bản khó mà năm 2014, hơn 30 cháu đang độ tuổi mẫu giáo ở bản Háng Tày mới được đến lớp học hát múa, học tiếng phổ thông.
Tranh thủ thời gian ít ỏi ở bản, dù trời đã nhá nhem tối, chúng tôi vẫn quyết tâm đi tìm hiểu về đời sống của các thầy cô nơi đây. Nằm sát trường học, căn phòng nhỏ chưa đầy 10 m2, ẩm thấp của thầy Giàng A Sáng, quê xã Lao Chải hắt ra ánh sáng bàng bạc từ đèn điện sử dụng từ máy phát điện chạy bằng nước suối.
Vừa soạn giáo án, thầy Sáng vừa đứng lên tranh thủ bán hàng khi có khách đến mua. Thầy tâm sự: “Thấy ở bản không có cửa hàng nào, bà con muốn mua những nhu yếu phẩm trong sinh hoạt cũng khó. Vì thế mỗi lần về quê, tôi lại mang theo trứng gà, mì tôm, dầu ăn… để phục vụ bản thân và mua giúp bà con thôn bản”.
Vừa dạy vừa dỗ và chăm HS
Với các thầy cô “cắm bản” vùng cao, ngoài việc khắc phục những khó khăn của cuộc sống, các thầy cô còn phải hỗ trợ, giúp đỡ các em HS của mình vượt khó để học “cái chữ”. Giờ lên lớp, từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng trẻ đọc ê, a.
Quan sát từ sân trường vào lớp, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thầy giáo trẻ đang dỗ dành một em bé trai khóc đòi chị. Để chị yên tâm làm bài và không ảnh hưởng các em khác học tập, thầy đã phải bế em nhỏ ra cửa lớp dỗ dành. Đó là thầy Giàng A Hình, sinh năm 1991, giáo viên dạy lớp 3.
Thầy Hình công tác ở điểm trường Háng Tày được gần 2 năm. Thầy chia sẻ: “Trước khi lên Háng Tày, tôi đã hình dung ra nhiều khó khăn, nhưng thực tế thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Ngày đầu đến nhận lớp, nhìn các em thiếu sách vở, thiếu quần áo ấm…, cộng với sự nhớ nhà, tôi đã không cầm được nước mắt”.
Đang dở câu chuyện với thầy Giàng A Hình thì bất chợt tiếng trống trường báo đã đến giờ ra chơi. Ngay lập tức, góc nhỏ của sân trường đã trở thành điểm cắt tóc, cắt móng tay miễn phí của thầy Hình cho các em học trò.
Lần lượt từng em ngồi vào ghế để thầy Hình cắt tỉa tóc. Hình ảnh đám trẻ túm tụm quây lại xem thầy cắt tóc, vui cười rộn rã đã tạo nên sự ấm áp, thân thiện, hạnh phúc nơi bốn bề heo hút chỉ toàn màu xanh của rừng, của núi.
Không chỉ đảm nhiệm thêm các công việc: Cắt tóc, dỗ trẻ, thầy cô là người dân tộc Kinh còn phải học thêm “ngoại ngữ” thứ 2 mới có thể đứng lớp giảng dạy cho các em HS người dân tộc Mông nơi đây. Bởi, đa phần các em vào lớp 1 đều không biết tiếng phổ thông. Để truyền đạt kiến thức, thầy Nguyễn Văn Dũng, quê Phú Xuyên, Hà Nội đã phải dạy “song ngữ” bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông.
Nói về sự gian khó của các thầy cô cắm bản, thầy hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Chế Tạo, Sùng A Câu cho biết: Không chỉ giúp các em trong các sinh hoạt hàng ngày, các thầy cô còn phải lặn lội đến từng gia đình các em để thuyết phục phụ huynh cho con em họ đến trường.
Điển hình như năm học 2015 - 2016, em Sùng Thị Cha, đã 6 tuổi, nhưng người mẹ vẫn nhất quyết không cho em đến trường, với lý do gia đình neo người làm. Khi thầy cô đến thuyết phục thì mẹ của Cha đưa ra điều kiện, các thầy phải tìm được bố của Cha đã bỏ nhà đi nhiều năm do nghiện thuốc phiện về nhà thì bà mới cho Cha đi học.
Nhưng, sự kiên trì thuyết phục, phân tích về tầm quan trọng của việc học hành của các thầy cô đã giúp mẹ của em Cha hiểu ra và cho con đi học đúng tuổi.
Với sự nỗ lực của tập thể thầy cô điểm trường Háng Tày, từ gần chục em đến trường vào năm 2000, đến nay, số lượng HS đi học đã tăng lên đến 70 HS. Số em nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể.
Đặc biệt, điểm trường đã có một số em HS đạt học lực khá trong học tập. So với các điểm trường khác, dù kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, nhưng tin rằng sự hy sinh, tận tâm của các thầy cô ở điểm trường Háng Tày sẽ giúp các em sau này có tương lai tươi sáng hơn.