Những người mẹ “đặc biệt” của học sinh miền biển

GD&TĐ - Gần 6 năm qua, các giáo viên nữ tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã cùng nhau chăm lo, nuôi dưỡng hàng chục “đứa con” sau mỗi giờ lên lớp.

Các giáo viên đến từng nhà động viên và kèm cặp cho học sinh.
Các giáo viên đến từng nhà động viên và kèm cặp cho học sinh.

Nhiều năm hoạt động với vai trò vừa là cô, là mẹ, họ đã làm thay đổi nhiều mảnh đời học sinh éo le.

Những người mẹ “đặc biệt”

Gần 1 năm nay, em Hồ Khánh Thiện (học sinh lớp 10A2, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn) đã trở thành đứa con chung của các giáo viên tại Câu lạc bộ (CLB) Người mẹ thứ 2.

Thiện sống cùng ông bà ngoại già yếu và người em trai đang học lớp 9. Cách đây khoảng 5 năm, bố mẹ em ly hôn, rồi tái giá. Thiện và em trai về ở với ông bà ngoại. Biết được hoàn cảnh của Thiện, các cô giáo tại CLB đã cưu mang, hỗ trợ em từ sách vở đến tiền học...

Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2 chia sẻ: “Đầu năm vào lớp, Thiện rất rụt rè và gần như không nói chuyện với các bạn trong lớp, sức học của em cũng kém. Hiểu hoàn cảnh của Thiện, chúng tôi đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm hơn những bạn khác cùng lớp...”.

Thiện là 1 trong 3 “đứa con” chung của 15 giáo viên tại CLB Người mẹ thứ 2 của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn.

Hàng ngày sau mỗi giờ lên lớp, thay vì trở về nhà, các giáo viên lại phân công công việc để tranh thủ chăm sóc từng “đứa con” chung. Năm học này, CLB nhận đỡ đầu cho 3 học sinh tại xã Cẩm Nhượng và xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên).

CLB Người mẹ thứ 2 được Ban giám hiệu cùng Công đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Liễn thành lập vào năm 2015. Ban đầu CLB có hơn 10 thành viên là giáo viên nữ đang công tác tại trường.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập CLB, thầy Nguyễn Hoàng Quyết – Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết: Phần lớn học sinh của nhà trường đều là con em vùng biển bãi ngang. Trong đó, 1/3 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều em còn thiếu thốn về tình cảm gia đình khiến nảy sinh tâm lý chán nản.

Từ thực tiễn đó, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập CLB để nâng bước đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Ban giám hiệu còn giúp CLB kết nối với các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm trong hoạt động quan tâm, đỡ đầu học sinh.

“Cuộc sống của các giáo viên trong trường còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng chúng tôi đều trích một phần kinh phí nhỏ để cùng nhau chia sẻ với các em. Người dân vùng biển Cẩm Xuyên còn nhiều khó khăn, nhà trường cũng lựa chọn những hoàn cảnh nào đặc biệt nhất để cưu mang, nuôi dạy”, cô Nguyễn Thị Hồng Hải – Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thành viên Ban chủ nhiệm CLB cho biết.

Vào đầu năm học mới, CLB liên hệ với giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp, Hội chữ thập đỏ của trường tìm hiểu hoàn cảnh các em. Mỗi năm học, các thành viên CLB sẽ chọn ra từ 3 - 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để nhận đỡ đầu miễn phí.

“Tùy theo hoàn cảnh mỗi học sinh chúng tôi sẽ có phương pháp hỗ trợ các em sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ, những học sinh yếu sẽ bổ trợ thêm về kiến thức; học sinh khó khăn sẽ tạo nguồn quỹ trang trải thêm chi phí. Nhưng điều quan trọng nhất, tất cả đều phải xuất phát từ tình yêu và sự tận tâm với những đứa con của mình”, cô Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ.

Sau mỗi giờ lên lớp các thành viên trong CLB cắt cử giáo viên để bổ trợ thêm kiến thức cho các học sinh nhận đỡ đầu.
Sau mỗi giờ lên lớp các thành viên trong CLB cắt cử giáo viên để bổ trợ thêm kiến thức cho các học sinh nhận đỡ đầu.

Quả ngọt từ tình yêu

Đã tốt nghiệp hơn 2 năm, nhưng cô sinh viên Nguyễn Thị Lương (học sinh khóa 2017 - 2019) vẫn rất xúc động khi nhớ về những năm tháng học tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn.

Bởi nếu không có các giáo viên tại đây, có lẽ tương lai của Lương đã rẽ một hướng khác. Lương cũng là “đứa con” để lại nhiều ấn tượng với các cô giáo trong CLB.

Từ nhỏ, 3 chị em Lương không có bố, mẹ vừa mất trong vụ tai nạn khi Lương học lớp 10 tại tỉnh Đắk Nông. Bản thân em lại không có ý định tiếp tục theo học vì gia cảnh khó khăn. Trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và Sở GD&ĐT Đồng Nai hoàn thành thủ tục xin nhận em về học.

Để giúp Lương có đủ điều kiện học tập, CLB Người mẹ thứ 2 đã nhận đỡ đầu em với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, “các mẹ” thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ, bày vẽ cho 3 chị em Lương về cuộc sống hàng ngày.

Không phụ lòng “các mẹ”, Lương đã trở thành sinh viên Khoa Ngoại ngữ của Đại học Đà Nẵng. Sau khi em ra trường, CLB vẫn tiếp tục kết nối với các nhà hảo tâm để tiếp tục tài trợ, đỡ đầu cho em trong thời gian theo học ở trường đại học.

“Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cô trong CLB mà 3 chị em đã vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Bản thân em có điều kiện tốt hơn để học tập và thực hiện ước mơ của mình. Các cô thực sự là những người mẹ thứ 2 của em trong những năm cấp 3”, Lương chia sẻ.

Tiếp nối truyền thống đỡ đầu nâng bước học sinh khó khăn đến trường, hiện nay CLB “Người mẹ thứ 2” đang đỡ đầu cho 3 học sinh ở địa bàn xã Cẩm Nhượng, Cẩm Hòa.

Với những việc làm thiết thực CLB đã có sức ảnh hưởng và lan tỏa trong nhà trường, được các bậc phụ huynh, cơ quan ban ngành ghi nhận.

Bà Trần Thị Ước (67 tuổi, bà ngoại em Hồ Khánh Thiện) phấn khởi: “Hồi đầu năm đi họp phụ huynh, ông bà rất ngại vì cháu học kém nhưng nhà không có điều kiện để đi học thêm. Cũng nhờ sự kèm cặp của các cô mà sức học của Thiện đã khá lên rất nhiều. Đợt thi học kỳ vừa qua, cháu khoe được nằm trong top 5 của lớp. Ngày trước, Thiện dự định thi xong nghỉ học đi làm nhưng giờ cháu tâm sự với bà muốn thi đại học vào ngành An ninh”.

Trong 6 năm qua, các giáo viên trong CLB không thể nhớ hết đã giúp cho bao nhiêu học trò nghèo được đi học, vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và thực hiện ước mơ. Nhưng mỗi sự trưởng thành của các em đã trở thành động lực để “các mẹ” tiếp tục hành trình đầy nhân văn của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.