Những người Mẹ của trẻ vùng cao

Những người Mẹ của trẻ vùng cao

(GD&TĐ) - Sau một thời gian nghỉ tết khá dài, nhưng các em học sinh  ở trường Mầm non xã Hầu Thào (huyện Sa Pa) vẫn đến lớp khá đông đủ, không có tình trạng bỏ học nhiều như ở một số nơi khác. Điều này không có gì to tát, nhưng phản ánh một sự thật là nhờ có nhiệt tâm của các cô giáo nơi vùng cao này, với tinh thần vượt khó, tấm lòng yêu trẻ, đã tới từng nhà vận động các em ra lớp, cùng nhiều giải pháp, hành động cụ thể để quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2015 mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt.

Hầu Thào một sớm xuân, trời vẫn rét cắt da cắt thịt, trong khi đồng bào mấy xã khu vực thung lũng Mường Hoa đang háo hức với không khí lễ hội xuống đồng và dư âm của cái tết vui vẻ chưa tan hết, nhưng lớp học của các em học sinh mẫu giáo vẫn vang tiếng học bài.

Tiết học chữ ở trường Mầm non Hầu Thào
Tiết học chữ ở trường Mầm non Hầu Thào

“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương…”

Tiếng hát vang vọng trong làn sương mù huyền ảo. Hầu Thào nằm ven chân núi Hoàng Liên, với địa thế cứ nghiêng nghiêng, hầu như chẳng có mấy mét vuông bằng phẳng. Trung tâm xã thì ở ngay ven con đường từ thị trấn Sa Pa đi hạ huyện, đã thành đường du lịch từ lâu rồi, nhưng chỉ có trụ sở đảng ủy, hội đồng và ủy ban xã và một cụm dân cư dăm nhà, còn tất cả đều ở trên các bản vắt vẻo núi cao.

Cũng vì vậy, nên Trường Mầm non Hầu Thào có một điểm trường chính gần trụ sở xã, với một lớp học 26 em, còn lại chia ra 4 điểm trường nữa ở 4 thôn, nơi mà mỗi lần cuốc bộ leo núi của các cô chẳng khác gì đi tour trekking (dã ngoại hiểm trở).

Nơi đây, sự học cho trẻ em đã được quan tâm hơn trước rất nhiều, về vật chất thì biểu hiện ở các trường tiểu học, trung học cơ sở đã được xây dựng kiên cố, còn ngành học mầm non tuy cả 4 điểm thôn bản đều đang học nhờ cơ sở vật chất của tiểu học và trung học cơ sở, nhưng cũng đang được chú trọng. Tỷ lệ huy động học sinh mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100% vào cuối học kỳ 1 đã minh chứng điều đó.

Có lẽ, cái khác biệt trong điều kiện giáo dục giữa miền xuôi, vùng thành thị với nông thôn miền núi, đặc biệt lại là miền núi cao vùng 135 như Hầu Thào - chính là ở chỗ phụ thuộc rất nhiều vào tấm lòng của các cô giáo. Ví dụ như ở vùng đồng bằng trong một buổi sáng, bằng xe máy, một cô giáo có thể đi khắp vài xã trong khu vực, nhưng với thời gian ấy, ở Hầu Thào này chỉ tới được một, hai thôn.

Cô Lý Thị Truyền tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã được bổ nhiệm là hiệu phó trường Mầm non Hầu Thào, cô có gương mặt tươi tắn, đôi mắt to, đen láy và nụ cười cởi mở cho hay rằng: “Chẳng nói ra thì các nhà báo và mọi người đều biết, giáo dục mầm non vùng cao nói chung và ở xã chúng tôi nói riêng còn nhiều khó khăn lắm. Nào thì cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ còn hạn chế; đội ngũ giáo viên tuy có trình độ chuyên môn chuẩn, nhưng hầu hết là mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm; lại có những khó khăn do điều kiện dân cư như rất nhiều bố mẹ trẻ còn nặng ưu tiên hàng đầu đến việc làm cái ăn cái mặc, còn việc học hành của trẻ chỉ là thứ yếu…”

Thế nhưng, sau khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng, xác định được những khó khăn, tồn tại để khắc phục và vượt lên, các cán bộ quản lý giáo dục và các cô giáo mầm non Hầu Thào đã thực hiện xuất sắc việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100% toàn xã, không chỉ riêng trẻ 5 tuổi.

Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Thu Nga cùng các giáo viên đã triển khai thực hiện các chuyên đề rất hiệu quả, trong điều kiện học sinh gần 100% là người Mông, nhưng tất cả đã giao tiếp tiếng Việt đạt yêu cầu, với vai trò tiếng Việt là chìa khóa để các bé đi vào học tập kiến thức khoa học qua sách vở phổ thông. Các cô tự bỏ tiền riêng ra để mua vật liệu làm đồ dùng dạy học, làm đồ chơi, thiết kế các góc vui chơi, góc bản sắc văn hóa dân tộc… cho không gian lớp học thêm phong phú và thu hút các bé.

Các cô còn phát động thi đua mỗi người trồng 3 chậu cây cảnh, cùng học sinh bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và các công trình công cộng; tổ chức hoạt động văn nghệ như hội diễn cấp trường, hội tụ cả 5 điểm trường để tạo nên không khí vui tươi lành mạnh, cho các bé được thể hiện năng khiếu và khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình…  

Chứng kiến những việc của các cô giáo mầm non vùng cao Hầu Thào đã và đang làm, chúng tôi liên tưởng tới thực tế khách quan đang diễn ra, đó là trong một thế giới toàn cầu hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển cao, thì tất cả các quốc gia cần phải có những công dân có đủ năng lực. Trong đó, giáo dục - đào tạo chính là chìa khoá. Giáo dục mầm non là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu của giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một.

Hiện nay, phần lớn các quốc gia đều quan tâm đến những năm đầu đời như điểm khởi đầu cần thiết cho một thế hệ công dân có đủ năng lực. Sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ bao gồm: Sự phát triển mạnh khoẻ cả về thể chất và tinh thần, trong đó vai trò chăm sóc, giáo dục của cha mẹ và nhà trường là hết sức quan trọng.

Bé người Mông, lớp mẫu giáo 5 tuổi mạnh dạn đọc bài
Bé người Mông, lớp mẫu giáo 5 tuổi mạnh dạn đọc bài

Chúng tôi không dám lạm bàn nhiều về lý thuyết giáo dục, mà chỉ nêu và cùng chuyện trò với các cô giáo ở Hầu Thào để nhìn nhận rõ hơn vai trò của giáo dục mầm non, mà các cô chính là những người làm việc cụ thể nhất, trực tiếp thực hiện kế hoạch hành động quốc gia giáo dục do Thủ tướng phê duyệt.

Ở nhà trường, các cô đã tập trung rèn luyện và nâng cao kỹ năng chăm sóc nuôi dạy trẻ, chất lượng thể hiện ở hội giảng, có 11 cô tham gia thì có 7 cô đạt loại giỏi, 4 cô đạt loại khá, không có cô nào trung bình. Các cô Vũ Thị Nữ, Nguyễn Thị Thúy Nga, Đỗ Thị Minh Nguyệt, Ngô Thị Nhung, Dương Vân Nga, Nùng Thị Sởi, Nguyễn Thị Thanh Mai… và nhiều cô khác luôn bám trường bám lớp, vượt qua những khó khăn trắc trở về giao thông, về điều kiện sinh hoạt, thời tiết.

Đối với các cô đã lập gia đình thì phải thu xếp khéo léo việc nhà để yên tâm công tác, còn các cô giáo trẻ thì phải có giải pháp trong chuyện tình cảm … để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngày nào vắng bé nào, các cô lại tới nhà để tìm hiểu nguyên nhân, động viên bố mẹ, ông bà của bé cho bé theo cô đến lớp.

Ở lớp, các cô tổ chức cho các bé học mà chơi, chơi mà học, thật vui, thật cuốn hút, mà có phải chỉ học và chơi không thôi đâu, các cô phải dỗ dành, phải chăm cho ăn, cho uống, cho ngủ trưa, cho đi ị, đi tè, vân vân và vân vân… Cùng với chăm sóc, nuôi dạy trẻ, các cô còn kết hợp với y tế để tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ khoa học cho các bậc cha mẹ, kết hợp với Hội phụ nữ tuyên truyền các nội dung “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” tại gia đình, theo dõi cân đo trẻ để chấm biểu đồ tăng trưởng thể chất… 180 trẻ trong tất cả các điểm trường đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đó là niềm phấn khởi và thật cảm động khi đạt được thành tựu này ở một xã vùng cao.

Tấm lòng các cô đối với trẻ là coi con của đồng bào như chính con đẻ của mình, và hiệu quả là các bé luôn thích đi học, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Hầu Thị Xé, một mẹ trẻ ở thôn Hang Đá cho biết: “Vợ chồng chúng tôi cảm phục các cô giáo lắm. Mải làm ăn, không cho cháu đi lớp được là các cô đến nhà hỏi chuyện ngay, rồi vận động chúng tôi phải dành quỹ thời gian cho trẻ đi học, phải quan tâm chăm sóc trẻ và động viên trẻ ca hát, đọc thơ khi ở nhà.”

Còn anh Giàng A Tính ở bản Pho, cách trung tâm xã mấy con dốc đứng thì xúc động nói: “Cách đây mươi năm, bọn trẻ con trong bản chỉ biết lê la nghịch đất quanh nhà khi người lớn đi làm vắng, có được đến lớp mẫu giáo như bây giờ đâu. Ngày nay cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều, còn một số nhà nghèo nhưng hết đói rồi, trẻ con được đi học hết, thật là tốt quá. Chúng tôi gửi trẻ con ở lớp mẫu giáo được các cô chăm sóc sạch sẽ, vui vẻ để chúng tôi yên tâm đi làm. Không biết nói gì để cảm ơn chính sách và các cô giáo”.

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào tất cả các lĩnh vực, các vùng miền. Ở vùng cao mây gió ngút ngàn chỉ cách đỉnh Phan Xi Păng mấy quăng dao này, các thầy cô trong ngành giáo dục nói chung và trường mầm non Hầu Thào nói riêng cũng đang thi đua tích cực để làm theo lời Bác. Thực hiện cuộc vận động, không chỉ là 100% cán bộ, giáo viên ký cam kết, mà đều tâm niệm trong tư tưởng và nhiệt huyết trong công tác chuyên môn, tất cả đã tạo nên một khởi sắc mới trong giáo dục mầm non nơi đây, mà mỗi gương mặt tươi tắn, xinh xắn, hồng hào của trẻ thơ, mỗi giọng đọc, lời hát véo von vang bên vách núi, trong làn sương huyền ảo Sa Pa cũng như tình cảm, sự cảm phục của các bậc cha mẹ… đã nói lên tất cả.  

“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương

Cô yêu em vô hạn, dạy dỗ em ngày tháng…”

Theo lời Bác, theo nghề nghiệp vinh quang và cao quý là “trồng người”, các cô giáo mầm non Hầu Thào đang thắp ngọn lửa sáng đầu tiên về nhân cách làm người cho những em bé nơi vùng cao, xứng đáng là người Mẹ trí tuệ, người Mẹ tâm hồn như câu hát cảm động truyền qua nhiều thế hệ./.

 Ghi chép của Mã Anh Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...