Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư từ chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT thành phố Tam Kỳ và các trường học trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng GD.
Mảnh đất nghèo, hiếu học
Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, chúng tôi ngược các cung đường nhựa, bê tông phẳng lỳ về với các xã vùng Đông thành phố. Những cánh đồng lúa, bắp, rau trái phủ một màu xanh tươi tốt; những ngôi nhà hiện hữu cuộc sống no ấm; những khuôn mặt cô cậu học trò tươi vui đến trường… gợi lên trong lòng chúng tôi bao điều tươi mới.
Nói về tinh thần truyền thống hiếu học của con em vùng Đông, thầy Trần Ngọc Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay: Vùng Đông thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) hiện nay gồm các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú. Đây là vùng đất trải qua nhiều gian lao vất vả, nhưng nhân dân hết sức anh dũng kiên cường chống chọi thiên tai địch họa.
Vùng Đông này là một trong các điểm sáng về ý chí kiên trì, mảnh đất của lòng ham học và truyền thống chăm lo cho sự học. Nghèo thì nghèo nhưng người dân vùng Đông bao đời nay dứt khoát không chịu dốt, động viên, giúp nhau chăm lo cho con em mình ăn học đến nơi đến chốn. Mỗi người dân vùng Đông đều hiểu rằng - chỉ bằng con đường học vấn mới góp phần xóa đói giảm nghèo lâu dài, bền vững.
Nhớ về những kỷ niệm của mình trong thời gian gắn bó, dạy học ở vùng Đông, thầy Sơn kể: Trong thời gian dạy học ở đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương HS vượt khó học tập, các em đã thể hiện rõ ý chí vươn lên của con người vùng Đông ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là em Nguyễn Ngọc Thùy (ở thôn 6 xã Tam Phú - bây giờ là khối phố Phú Trung, phường An Phú), học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên.
Em học cấp 2 tại Trường Phổ thông cấp 1, 2 Tam Phú 1 (nay là Trường THCS Lý Thường Kiệt) từ năm 1979 - 1984. Sau đó, em thi đỗ lớp 10 Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ); rồi thi đỗ vào Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Chưa dừng lại, em tiếp tục học sau đại học và có bằng Thạc sĩ tại Philippines, lấy bằng Tiến sĩ ngành Tài nguyên môi trường - Trường ĐH Florida (Hoa Kỳ). Hiện nay, Nguyễn Ngọc Thùy là giảng viên - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế của ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh.
Hay như em Huỳnh Văn Nhất ở thôn 8 Tam Phú (nay là khối phố An Hà Nam, phường An Phú) có điều kiện gia đình hết sức khó khăn, nhưng em vẫn học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán. Bằng ý chí tuyệt vời, sau khi tốt nghiệp THPT, em thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh rồi du học nước ngoài. Năm 2007, em tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Kiến trúc hệ thống máy tính Đại học Osaka (Nhật Bản).
Hiện nay em đang làm nghiên cứu phát triển hệ thống máy tính xử lý hình ảnh cho Tập đoàn Renesas Electronic Nhật Bản. Đây chỉ là những trường hợp mà tôi biết rõ, nhưng còn rất nhiều những tấm gương vượt khó, kiên trì trong học tập của các em vùng Đông nay đã thành đạt mà tôi chưa biết hết. Ở đó, ngoài nỗ lực của các em, còn có sự chịu thương, chịu khó, chắt chiu nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà để các em có thể trở thành những nhà lãnh đạo các cấp, sĩ quan quân đội, nhà khoa học, nhà giáo, bác sỹ, kỹ sư… ngày nay.
Huy động các nguồn lực cho GD vùng Đông
Thầy Sơn cho biết: Hiện nay, từ sự quan tâm đầu tư, mạng lưới trường lớp phổ thông phát triển đều khắp vùng Đông. Nếu trước đây, cả vùng rộng lớn như thế nhưng chỉ có một hai trường học, thì nay đã có đủ các bậc học cấp học, với 4 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 4 trường THCS và 1 trường THPT.
Trong 13 trường này đã có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, 4 trường còn lại đang dần dần hoàn thiện về cơ sở vật chất để đạt chuẩn chậm nhất năm 2018. Nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng một cách đồng bộ nên chất lượng GD các trường ngày càng được nâng cao.
Chỉ tính 5 năm học gần đây, 4 trường THCS vùng Đông đã có 35 HS giỏi đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Việc sử dụng máy tính và mạng Internet ở trường và ở nhà để hỗ trợ học tập của HS vùng Đông bây giờ đã trở thành bình thường. Đó là kết quả đầu tư của các đề án phát triển dạy học Tin học và Tiếng Anh mà thành phố đã triển khai từ năm học 2007 - 2008 và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Hiện nay, Trường THPT Duy Tân (tại xã Tam Phú) được UBND tỉnh đầu tư xây dựng với quy mô cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại nhất nhì trong tỉnh Quảng Nam. Đây là một minh chứng thể hiện sự quan tâm thiết thực của chính quyền địa phương đối với GD vùng Đông thành phố Tam Kỳ. Cùng với đó là những tấm gương tận tụy, hết lòng vì HS của đội ngũ nhà giáo vùng Đông.
“Trong thời gian tới, các trường học trên địa bàn vùng Đông thành phố Tam Kỳ sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng GD.
Cùng với sự quan tâm đầu tư từ chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể các xã, phường vùng Đông cũng luôn tích cực quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp GD bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả. Chủ trương xã hội hóa GD đang được ngành GD-ĐT tiếp tục được đẩy mạnh; công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do các cấp hội khuyến học phát động được đông đảo nhân dân ủng hộ là động lực quan trọng giúp GD vùng Đông tháo gỡ khó khăn.
Cùng với đất trời, biển cả, sông nước bao la, nhân dân vùng này luôn miệt mài lao động cho ngày mai tươi sáng, cho sự phát triển cuộc sống mỗi người và cho cả tương lai tươi đẹp của con em chính mình. GD vùng Đông nhất định sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, thầy Trần Ngọc Sơn tin tưởng.