Những “người lái đò” vượt đại dịch

GD&TĐ - Giáo viên miền núi, vốn đã vất vả. Giữa cơn cuồng phong đại dịch, nhiệm vụ “chèo lái” con đò tri thức lại càng khó khăn thêm bội phần.

Cô giáo Trường Mầm non Mường Pồn (huyện Điện Biên) hướng dẫn học sinh tập thể dục và vệ sinh cá nhân trong khu cách ly.
Cô giáo Trường Mầm non Mường Pồn (huyện Điện Biên) hướng dẫn học sinh tập thể dục và vệ sinh cá nhân trong khu cách ly.

Những đôi bàn tay “chia lửa” của cộng đồng đã thắp lên niềm tin, để họ vững vàng chèo lái… 

Những đôi vai gầy “gánh” đại dịch

Chúng tôi trở lại Si Pa Phìn – tâm dịch của Điện Biên hồi tháng 4 – 5 vào một ngày cuối năm rét ngọt. Đã 7 tháng trôi qua, kể từ ngày đại dịch “ập xuống” đất nghèo biên viễn, nhịp sống thường nhật đã nhộn nhịp trở lại, chỉ có những câu chuyện về phận người thì vẫn như mới ngày hôm qua.

“Trong hoàn cảnh gian khó đó, chúng tôi nhận được rất nhiều sự động viên về cả vật chất lẫn tinh thần của đồng nghiệp và những người chưa từng quen biết. Họ cho tôi thấy cuộc sống này giá trị biết nhường nào. Vì thế, tôi càng phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để không sống hoài, sống phí. Mà trước mắt là làm một người mẹ, giáo viên tốt”, cô Khuyên bộc bạch.  

Nhắc đến câu chuyện “tìm con” giữa thời bình của cô giáo Nguyễn Thị Cúc, Trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn, không ít người còn rơm rớm nước mắt. “Các bác ơi, ai cách ly cùng con em là Thủy Tiên, tên thường gọi là Bông, lớp 3A1 thì cho em gặp cháu, dặn dò cháu một tí. Chứ em tìm cháu mà không biết cháu ở nơi nào…”, cô Cúc viết.

Theo chia sẻ của cô Lường Vũ Ngọc Duyên, cô Cúc và con gái cách ly ở 2 điểm khác nhau. Khi nhận được tin mình trở thành F0, trong lúc khẩn cấp lên xe di chuyển về Bệnh viện dã chiến ở thành phố (cách 200km), cô Cúc hoang mang  không biết làm sao để liên lạc, dặn dò con đành lên Facebook kêu gọi mọi người giúp đỡ.

“Giữa thời bình mà không khác gì thời chiến. Nhưng trong hoàn cảnh ấy mọi việc đều khẩn cấp nên đó là điều dễ hiểu. Có điều, cái cảm giác tìm con mà không biết con mình đang ở đâu thật sự rất bất lực”, cô Lường Vũ Ngọc Duyên bộc bạch.

Còn tại xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ) – nơi dịch mới xuất hiện đầu tháng 11 vừa qua, “bóng dáng” cơn cuồng phong vẫn còn hiện hữu. “Mặc dù chúng tôi đều xây dựng kế hoạch ứng phó sẵn sàng từ đầu năm học, nhưng dịch ập đến quá bất ngờ. Trong thời gian rất ngắn số lượng học sinh phải cách ly tăng nhanh khiến các thầy cô phải quay như chong chóng để lo đảm bảo cái ăn, chốn nghỉ cho các em”, cô Trịnh Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Nhạn chia sẻ.

Cô Lò Thị Khuyên điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Cô Lò Thị Khuyên điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Trường Tiểu học Nà Nhạn có 26 cán bộ, giáo viên thì có 2 thầy giáo (trong đó có thầy Hiệu trưởng) là F0; 1 cô giáo nghỉ chế độ thai sản, còn lại đều thuộc diện F1 phải cách ly tập trung. Cùng với đó là hơn 120 học sinh. Do số lượng đông, phải đảm bảo về khoảng cách nên nhà trường bố trí thành 3 điểm cách ly, với 18 phòng. Trong đó có 1 điểm tại bản Pá Khôm, cách trung tâm xã gần 10km, giao thông hết sức khó khăn.

Cô Tình kể: Những ngày đầu mọi thứ đều thiếu thốn, tạm bợ. Giáo viên là F1 vừa cách ly cùng học sinh vừa đảm nhiệm luôn việc nấu ăn. Ngoài số ít phòng bán trú có sẵn thì lớp học cũng trở thành phòng cách ly. Bàn học ghép đôi thành giường. Học sinh, giáo viên rải chiếu, lót chăn nằm sàn hoặc bàn.

“Mất mấy đêm đầu chúng tôi không ngủ được, vì lo không biết ngày mai các em ăn gì, nghỉ như thế nào, rồi nghĩ cách hướng dẫn các em sinh hoạt ra sao để không bị lây nhiễm chéo. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất là số lượng F0 sẽ tăng thêm… Chưa bao giờ, làm giáo viên chúng tôi phải gánh nỗi lo nhiều đến thế!”, cô Tình trải lòng.

Vượt qua những ngày dịch căng thẳng, cô và trò Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) đón năm học 2021 – 2022 đầy tự tin.
Vượt qua những ngày dịch căng thẳng, cô và trò Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) đón năm học 2021 – 2022 đầy tự tin.

Chia lửa cùng tâm dịch

Là cựu học sinh tại Nà Tấu, khi biết quê hương mình có dịch, Nguyễn Hương Giang (Hà Nội) đã ngay lập tức điện về trao đổi cùng các thầy cô giáo cũ. Cô gái trẻ “quặn lòng” khi nghe chia sẻ từ thầy cô.

“Nà Tấu ốm rồi em ạ. Trường thì cửa đóng then cài, giáo viên, học sinh 1 trường mà chia đến mấy điểm cách ly. Thương các em giữa đêm đông rét buốt mà khăn đùm khăn gói kéo nhau rời chăn ấm đệm êm ở nhà để vào điểm cách ly lạnh lẽo. Xót lắm!”.

Giang bảo, ngay khi nghe tâm sự ấy, rồi lên Facebook thấy nhiều thầy cô giáo từ “tâm dịch” phát đi thông điệp kêu gọi từ thiện, em không cầm lòng được. Ngay lập tức, nhóm Zalo bao gồm nhiều thầy cô giáo cũ, bạn bè được Giang lập lên để chia sẻ, khớp nối các lòng hảo tâm “chia lửa” cùng tâm dịch.

Ngay trong đêm đầu tiên, những mặt hàng thiết yếu, như: Giấy vệ sinh, khẩu trang, lót nền… được chuyển vào điểm cách ly tại Trường Tiểu học Nà Tấu. Mỗi món quà nhận được, thầy cô đều chụp hình gửi cho Giang và các đoàn tự thiện, cùng lời cảm ơn gửi gắm.

“Tôi biết thời điểm đó thầy cô rất áp lực. Nhất là việc nhìn học sinh của mình thiếu ăn, thiếu mặc, thì không thầy cô nào đành lòng. Có lần tôi gửi giò vào, ngay sau đó cô giáo gửi ảnh kèm lời nhắn: Giang ơi, yên tâm em nhé. Trưa nay các cô ăn mì tôm, nhưng bữa cơm của các trò đã được cải thiện. Cô cảm ơn em nhiều lắm. Mình nghe rất xúc động!”, Giang kể.

Cũng là “tâm dịch” trong tháng 11, huyện Điện Biên có hơn 10 cơ sở trường học được trưng tập làm khu cách ly, với trên 1.100 người. Theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường không thuộc diện phải cách ly đều tham gia hỗ trợ, giúp đỡ công tác hậu cần, vệ sinh, lấy mẫu test, xét nghiệm, điểm tiêm vắc-xin...

“Để các thầy cô và học sinh vững tâm, cùng với việc trực tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, với nguồn lực hạn hẹp chúng tôi đã đẩy mạnh công tác kêu gọi, kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ kinh phí, vật chất, trang thiết bị cho các khu cách ly. Chính sự chung tay góp sức, san sẻ yêu thương đó đã giúp  học sinh, các thầy cô vơi bớt khó khăn và ấm lòng hơn. Tạo tâm thế vững vàng cho thầy trò vượt qua đại dịch”, ông Huy cho hay.

Minh chứng rõ nét nhất không thể không kể đến những tấm lòng dành cho “tâm dịch” Nậm Pồ. Trước những khó khăn, thiếu thốn của huyện biên giới nằm trong “tốp” nghèo nhất nước, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhiều “trái tim” khắp mọi miền đất nước đã chung nhịp đập, vượt hàng trăm, hàng nghìn km đến Nậm Pồ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ cho biết: “Vì đối tượng cách ly tập trung đa phần là học sinh nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mặc dù đều có chế độ, song các em thiếu thốn rất nhiều thứ. Ngay khi phát động lời kêu gọi chúng tôi rất bất ngờ và xúc động khi nhận được sự sẻ chia từ thùng mì tôm, chai nước, quả trứng… hết sức ý nghĩa của nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị. Đây là món quà quý báu và đầy tình người, thể hiện sự chung tay, chung sức đối với Nậm Pồ”.

Giáo viên Trường PTDTNT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng.
Giáo viên Trường PTDTNT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng.

“Thắp” niềm tin

Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm tại trung tâm bản Si Pa Phìn, là tổ ấm mới của vợ chồng cô giáo Lò Thị Khuyên. Cô công chúa mang tên Hạ Vy sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt giữa những ngày tháng 5 rực lửa, giờ đây đã tròn 7 tháng tuổi, bụ bẫm và khỏe mạnh trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và ông bà.

“Tôi là một bà mẹ F0 đứng trước cửa tử. Hai mẹ con được các bác sĩ cứu sống, chữa khỏi bệnh nên mới có ngày hôm nay. Cho đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể tưởng tượng là mình đã từng vượt qua được khoảnh khắc đó”, cô Khuyên mở đầu câu chuyện.

Rồi cô kể, hai vợ chồng cô cùng nhiễm Covid-19 trong đợt dịch bùng phát ở Nậm Pồ hồi tháng 5. Bệnh trở nặng khi đang mang thai ở tuần thứ 35 khiến cô giáo phải chuyển gấp về Hà Nội. Tại đây, cô được y bác sĩ mổ cứu cả mẹ lẫn con và điều trị đến khi khỏi bệnh. Vượt qua những ngày tháng đó, giờ đây điều cả thầy và cô trân trọng nhất chính là những tháng ngày bình yên được làm bố mẹ, được đứng trên bục giảng tiếp tục sự nghiệp “chèo đò”.

Sau 6 tháng nghỉ sinh theo chế độ, đầu tháng 12 cô Khuyên đi làm trở lại. Vì là giáo viên dạy Tiếng Anh tại địa bàn vùng khó, lại trong bối cảnh thiếu nhân lực nên nhiệm vụ mỗi ngày của cô Khuyên rất áp lực. Song cô bảo, mỗi lần nghĩ đến lần vượt qua “cửa tử”, cô lại có thêm động lực để cố gắng.

Ghé thăm Trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn, nơi vợ chồng cô Khuyên công tác, chúng tôi bất ngờ trước một hình ảnh rất mới. Không còn khung cảnh vắng lặng của những ngày trưng tập làm khu cách ly, trước mắt chúng tôi giờ đây là một ngôi trường sạch đẹp, rực rỡ sắc màu cờ hoa. Không khí rộn rã, nhộn nhịp vang từ các lớp học, góc sân trường trong giờ ra chơi.

Tháng 9 vừa qua 2 trường: PTDTBT Tiểu học Tân Phong và Si Pa Phìn được sáp nhập và lấy tên gọi là Trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn. Năm học này, trường có 34 lớp, với 830 học sinh. Để có được con số đó, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Phong thì không hề đơn giản, do những “hệ lụy” đại dịch mang lại.

Đợt dịch vừa qua xảy ra trên địa bàn đã tác động đến tâm lý của phụ huynh cũng như học sinh và ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh ra lớp. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu năm học vừa qua của mỗi thầy cô ở đây lại thêm nặng nề. Giáo viên nhà trường được chia thành nhiều nhóm, đến từng nhà vận động. Có nhà đi đến vài 3 lần, tuyên truyền, giải thích. Thậm chí, trường đứng ra cam kết và chứng minh bằng việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, để củng cố lòng tin của phụ huynh.

“Cũng nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng nên trong năm học này phụ huynh không phải mua sắm khẩu trang, sát khuẩn cho con. Số hàng từ thiện vẫn đảm bảo công tác phòng dịch cho học sinh nhà trường. Vì thế phụ huynh cũng yên tâm hơn”, thầy Phong bộc bạch.

Hiện nay, nhà trường vẫn tổ chức học 2 buổi/ngày, với tỷ lệ học sinh ra lớp luôn đảm bảo. Đặc biệt, với sự quyết tâm lớn, nhà trường đã hoàn thành thi kết thúc học kỳ I và đang triển khai chương trình học kỳ II.

“Hiện nay chúng tôi đang tập trung tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang phòng lớp học và khuôn viên để chuẩn bị đón nhận Trường chuẩn Quốc gia cấp độ 1. Đây là niềm vui, song cũng là sự khẳng định cho những nỗ lực của thầy trò nhà trường trong suốt thời gian qua, nhất là vượt qua đợt dịch vừa rồi. Chúng tôi cảm ơn và trân trọng những tấm lòng, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đã luôn đồng hành với nhà trường trong lúc khó khăn nhất”, thầy Phong tâm sự.

Trong đợt dịch tháng 4 - 5, Nậm Pồ tiếp nhận gần 3 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng chống dịch. Ngoài tiền mặt, địa phương này còn tiếp nhận được nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ dùng cá nhân như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ, tủ lạnh, ấm siêu tốc, quạt điện, bếp gas công nghiệp, quần áo, xô, chậu, gạo, mì tôm... Ngoài các chế độ theo đúng chính sách của Nhà nước, các F0, F1 là giáo viên, học sinh còn được Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ