“Những người khốn khổ” giữa đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Để sân khấu nhạc kịch gần hơn với công chúng, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đã công diễn “Những người khốn khổ” giữa bối cảnh thế giới đấu tranh với đại dịch Covid-19.

Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” là vở diễn mang tính quốc tế.
Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” là vở diễn mang tính quốc tế.

Sau 8 đêm diễn cháy vé, “Những người khốn khổ” sẽ trở lại với sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào giữa tháng 4/2021.

Nghệ thuật hàn lâm lên sân khấu Việt

Tác phẩm “Những người khốn khổ” xuất bản năm 1862, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19 của Đại thi hào Victor Hugo.

Vở nhạc kịch đã từng được nhiều nhà hát danh tiếng trên thế giới dàn dựng cũng như xuất hiện trên màn ảnh rộng, lan tỏa giá trị cũng như thông điệp về cuộc sống.

Với nhiều nỗ lực, vượt qua bối cảnh thế giới đang vật lộn, đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch Covid-19, “Những người khốn khổ” được ê-kíp nghệ sĩ thuộc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phóng tác, dàn dựng. Vở nhạc kịch kể câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hi sinh và chuộc tội.

Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hóa đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.

Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ê-kíp sản xuất trẻ, đã và đang học tập và làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài, “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, với ý nghĩa và khát vọng cao: Từng bước đưa nghệ thuật trình diễn nhạc kịch - loại hình nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao của thế giới lên sân khấu Việt.

NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, cho hay: Ê-kíp đạo diễn, biên đạo hội tụ sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh; đạo diễn trẻ Triều Dương từ Vương quốc Anh trở về; hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…

Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho rằng, điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam hát opera rất tốt, nhưng họ chưa được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu.

Vì vậy, toàn bộ ê-kíp diễn viên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch phải rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này, nhằm mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao.

Vẫn chưa hết “nóng”

Vở diễn này, ngoài các nhạc công và ca sĩ người Việt còn có cả những người nước ngoài tham gia. Điều đó nói lên rằng, đây là vở diễn mang tính quốc tế, không chỉ diễn ra ở Việt Nam hay nước Pháp - nơi ra đời tác phẩm. Vở nhạc kịch sẽ quay lại vào lúc 20 giờ ngày 16, 17/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thời gian trình diễn “Những người khốn khổ” trong vòng 2 tiếng, nhưng vở nhạc kịch không “Việt hóa” tác phẩm như nhiều dự đoán và phân tích của giới sân khấu. Từ âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện gần như giữ nguyên. Thậm chí, vở nhạc kịch còn được thể hiện bằng tiếng Anh để “toàn vẹn linh hồn” của tác phẩm kinh điển.

Tuy nhiên khi nghệ sĩ biểu diễn, phần chạy chữ tiếng Việt được chiếu trên màn hình để khán giả nắm được nội dung, cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm, được sống cùng các nhân vật và có thể nhìn thấy chính mình.

Vở diễn cũng được quốc tế hóa về mặt diễn viên khi có sự góp mặt của các diễn viên nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Âm nhạc của vở nhạc kịch được chơi trực tiếp bởi Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch.

Tham gia biểu diễn là các nghệ sĩ nổi bật như: NSƯT Vành Khuyên, Thế Tùng Lâm, Trịnh Thanh Bình, Nguyễn Huy Đức, Phan Mạnh Đức, Nguyễn Thu Quỳnh, Bùi Thị Trang, Đào Tố Loan, Trần Thị Trang, Đinh Như Tới, Lê Phác...

Vở nhạc kịch kinh điển “Những người khốn khổ” được ra mắt từ cuối năm 2020, và cho đến nay đã trải qua 8 đêm diễn cháy vé. Với mức giá thấp nhất 500 nghìn đồng, và cao nhất là 1.500 nghìn đồng/vé tùy vị trí ngồi nhưng vở nhạc kịch vẫn chưa hết “nóng”.

Giữa những khó khăn về kinh tế mà đại dịch Covid-19 đem lại, “Những người khốn khổ” vẫn được sự mong đợi từ công chúng, chứng tỏ sức hấp dẫn kỳ lạ của nhạc kịch đối với sân khấu Việt. Hơn thế nữa, “Những người khốn khổ” giống như một phép thử sự quan tâm và cảm thụ nghệ thuật của công chúng nước nhà.

8 đêm diễn là những tràng pháo tay nồng nhiệt mà khán giả dành cho vở nhạc kịch. Tuy nhiên, khán giả cũng nuối tiếc vì nếu so với các phiên bản nước ngoài, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã cắt đi một số đoạn như khi Jean Valjean nâng cột cờ. Tuy nhiên, bù lại nghệ sĩ vào vai Jean Valjean hát rất cảm xúc.

Jean Valjean của Việt Nam không phải là một nhân vật to cao, mạnh mẽ như của Pháp mà lại mang vóc dáng thanh mảnh với diễn xuất của nghệ sĩ Tùng Lâm. Anh đã chinh phục khán giả với chất giọng vang và ấm cùng lối diễn xuất tự nhiên.

Nguyên mẫu là nhân vật có tuổi đời ngoài 50, trải đời và nhiều kinh nghiệm, nhưng nghệ sĩ Tùng Lâm trẻ hơn rất nhiều. Dẫu khó khăn chênh lệch tuổi tác như vậy nhưng người xem không cảm thấy nhân vật của anh bị khiên cưỡng mà nhận thấy sự cố gắng tròn vai của nam nghệ sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ