Giữa lúc dân số già hóa và thị trường lao động thiếu hụt nghiêm trọng, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ chăm sóc nước Mỹ?
Đi làm trong tâm thế lo sợ
Trong những năm gần đây, Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong nhiều ngành thiết yếu - từ nông nghiệp, xây dựng, đến chăm sóc y tế và giáo dục mầm non. Ở tuyến đầu của lực lượng lao động này là hàng triệu người nhập cư, cả có và không có giấy tờ, đảm nhận những công việc vất vả, lương thấp nhưng đóng vai trò sống còn trong guồng máy kinh tế và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, thay vì mở rộng cánh cửa hợp pháp để thu hút và giữ chân nguồn lao động này, chính sách nhập cư ngày càng siết chặt. Những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng các cuộc đột kích của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), việc gia hạn visa bị trì hoãn, và quy định cấp phép lao động trở nên phức tạp hơn. Hệ quả là nhiều người nhập cư dù muốn đóng góp vẫn buộc phải sống trong bóng tối, đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ hoặc trục xuất bất kỳ lúc nào.
Tháng 2/2025, Camila nhận việc làm bảo mẫu cho một gia đình ở phía Bắc bang Texas. Dù không có giấy tờ hợp pháp, cô gái 22 tuổi vẫn tự tin đi làm vì nhiều người sẵn sàng trả tiền mặt cho người trông trẻ.
Tuy nhiên, lần này không giống những lần trước. Nội thất ngôi nhà phủ kín những biểu tượng ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ của gia đình, cũng là bố của đứa trẻ mà Camila nhận chăm sóc, là cử tri ủng hộ Trump mãnh liệt.
“Hình ảnh của vị tổng thống ở khắp mọi nơi. Điều này thật trớ trêu. Nếu tôi thú nhận về tình trạng sinh sống bất hợp pháp của mình, gia đình này có thể đuổi việc tôi ngay lập tức, thậm chí báo cảnh sát. Không ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra”, Camila chia sẻ.
Vì cần công việc này để chi trả cuộc sống đắt đỏ tại Mỹ, Camila chọn cách im lặng, tập trung vào công việc. Tuy nhiên cảm giác bất an khi sợ bị phát hiện vẫn bám theo cô dai dẳng. Tình huống trớ trêu của Camila phản ánh một thực tế rộng lớn hơn.

Tấn công từ mọi hướng
Tại Mỹ, lao động nhập cư, kể cả không giấy tờ, đóng vai trò thiết yếu trong các ngành chăm sóc trẻ, chăm sóc tại gia và người cao tuổi. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, với lập trường cứng rắn về nhập cư và lời đe dọa “trục xuất hàng loạt”, những ngành này đang đối mặt với rủi ro lớn hơn bao giờ hết.
“Chúng tôi bị tấn công từ mọi hướng”, Lori Smetanka, Giám đốc tổ chức Tiếng nói người tiêu dùng quốc gia về chăm sóc dài hạn, nhận định.
Theo các chuyên gia, việc siết chặt nhập cư không chỉ khiến người lao động bất an, mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình Mỹ. Gần 1/5 nhân viên chăm sóc trẻ em là người nhập cư. Với nhân viên chăm sóc trực tiếp, con số này là gần 30%.
“Chính sách hiện nay khiến người nhập cư không còn cảm thấy an toàn, không dám đến làm việc. Con cái trong những gia đình bất hợp pháp thậm chí lo cha mẹ mình sẽ không trở về nhà sau giờ tan ca”, bà Smetanka nói.
Đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump bãi bỏ quy định bảo vệ “khu vực nhạy cảm”, vốn từng ngăn các cuộc đột kích nhập cư diễn ra tại trường học, nhà thờ và nơi làm việc. Đồng thời, chính phủ tiếp tục từ chối hoặc trì hoãn cấp thị thực H-1B, kéo dài xu hướng thu hẹp các kênh tiếp cận hợp pháp cho người nhập cư tìm việc tại Mỹ.
“Nước Mỹ chào đón người dân ở khắp mọi nơi nhưng phải qua quy trình hợp pháp. Chúng tôi cần người điều hành nhà máy, hỗ trợ công nhân ô tô, tài xế xe tải và nhiều người khác. Nhưng phải là người phù hợp”, ông Trump phát biểu trong một thông báo về thuế quan ngày 2/4.
Dù tuyên bố như vậy, chính quyền lại đóng băng chương trình tái định cư người tị nạn. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/4, vị tổng thống đề xuất một cơ chế mới. Đó là người nhập cư “ưu tú” có thể tái nhập cảnh và trở thành thường trú nhân nếu rời Mỹ trước, sau đó nhận bảo lãnh từ một nhà tuyển dụng. Ông cũng đề xuất thị thực “thẻ vàng” với chi phí nộp đơn lên tới 5 triệu USD cho người di cư.

Bài toán về chất lượng
Theo bà Colleen Putzel-Kavanaugh, chuyên gia tại Viện Chính sách Di cư, mục tiêu của những chính sách này là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make American Great Again). Để đánh giá tính hiệu quả của các con đường nhập cư hợp pháp, bà cho rằng cần xem xét không chỉ số thị thực được cấp mà cả đối tượng được cấp, tác động đối với nhập cư không giấy tờ và tốc độ xử lý hồ sơ.
Nói cách khác, lời kêu gọi “quy trình hợp pháp” của ông Trump chỉ thực sự có ý nghĩa nếu các thủ tục thị thực được cải thiện. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông, khi lượng thị thực hợp pháp sụt giảm.
Bên cạnh đó, việc thu hồi các quy chế bảo vệ tạm thời khiến lãnh đạo các trường học, viện dưỡng lão và nhà trẻ lo ngại. Họ không biết có thể thuê ai và làm sao để bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ bị bắt giữ.
“Các gia đình nhập cư đang bị đe dọa”, bà Wendy Cervantes, Giám đốc chương trình nhập cư tại Trung tâm Luật và Chính sách Xã hội, cho biết. Nhóm của bà gần đây tổ chức hội thảo trực tuyến hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở chăm sóc trẻ em, thu hút hơn một nghìn người tham gia. Nguyên nhân là sự “lo lắng và sợ hãi” trước chính sách nhập cư của chính quyền mới.
“Mọi người không chỉ lo lắng cho phụ huynh, mà còn lo cho chính nhân viên”, bà Wendy nói.
Theo bà, các quản lý cơ sở chăm sóc hiện nay phải tìm hiểu kỹ quy định như nhân viên cần giấy tờ gì, ai có thể cung cấp thông tin cho cơ quan di trú và điều kiện nào để được phép hợp pháp làm việc.
Với các gia đình Mỹ, điều này không chỉ là câu chuyện pháp lý. Nó trở thành bài toán về chất lượng cuộc sống. Khi bảo mẫu như Camila không còn yên tâm làm việc, khi nhân viên viện dưỡng lão rút lui, hoặc khi các trung tâm chăm sóc trẻ em không thể duy trì hoạt động vì thiếu người làm. Như vậy, người chịu thiệt thòi là hàng triệu gia đình Mỹ.
Theo số liệu từ Viện Chính sách Di cư (MPI), gần 30% lao động trong ngành chăm sóc trực tiếp là người nhập cư. Đặc biệt tại các bang như California, Texas hay New York, con số này còn cao hơn. Trong bối cảnh dân số Mỹ đang già hóa nhanh chóng, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ngày một tăng, thì việc cắt giảm nguồn lao động nhập cư chẳng khác nào “tự chặt chân mình”.
Đáng nói là, hầu hết những người nhập cư đều không đến Mỹ để lạm dụng hệ thống. Họ đến để làm việc, đóng góp và nuôi sống gia đình. Nhiều người - như Camila - đang theo học đại học, mong muốn được cống hiến lâu dài và xây dựng một tương lai ổn định tại đây.
“Chúng tôi không đòi hỏi đặc quyền. Chúng tôi chỉ xin một cơ hội để sống và làm việc đàng hoàng”, một người nhập cư chia sẻ trong một buổi điều trần cộng đồng ở El Paso.

“Tôi muốn ở lại”
Theo bà Wendy Cervantes, các nhà kinh tế đang theo dõi sát sao tiến trình trục xuất người nhập cư nhằm đánh giá và giúp công chúng hiểu rõ mức độ phụ thuộc của người dân Mỹ với lao động nhập cư.
Điều này đặc biệt đúng với các gia đình có người thân cần chăm sóc từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Khoảng 20% người cao tuổi Mỹ sống tại khu vực nông thôn, nơi đang thiếu trầm trọng dịch vụ chăm sóc dài hạn. Trong 5 năm qua, 40 quận đã trở thành “sa mạc viện dưỡng lão”, thuật ngữ chỉ những vùng không còn bất kỳ cơ sở điều dưỡng nào, buộc cư dân phải di chuyển xa mới được chăm sóc.
Khi một viện dưỡng lão đóng cửa, nó không chỉ lấy đi dịch vụ thiết yếu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng chục người và cuộc sống của các bệnh nhân vốn đã ít lựa chọn. Không dễ để đo lường tác động kinh tế - xã hội từ những mất mát này, cũng như không dễ định lượng nỗi sợ hãi trong lòng trẻ em khi chúng lo cha mẹ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, bất chấp thách thức và sự bất ổn, các chuyên gia nhận thấy người nhập cư vẫn muốn ở lại, vẫn muốn tiếp tục công việc chăm sóc trong các viện dưỡng lão và gia đình. Từ năm 2014 - 2023, mức lương theo giờ trong ngành chăm sóc chỉ tăng chưa đầy 3 USD, nhưng đây vẫn là lĩnh vực được nhiều người nhập cư lựa chọn.
Bà Sarah Valdez, luật sư di trú tại Austin, bang Texas, nhận định: “Bạn không thể thay thế 10 người bị trục xuất bằng 10 công nhân sinh ra tại Mỹ”.
Bảo mẫu Camila là minh chứng cho điều đó. Cô làm việc nhiều giờ liền, không than phiền và chấp nhận mức lương thấp. Công việc này không phải mục tiêu lâu dài, nhưng nó giúp cô trang trải sinh hoạt phí và mang lại niềm vui khi được chăm sóc trẻ.
Một ngày của Camila bắt đầu từ 6 giờ sáng, kết thúc lúc 10 giờ tối. Xen giữa giờ làm, cô tranh thủ học và làm bài tập. Cô từng giúp nhiều đứa trẻ vượt qua cú sốc ly hôn hay mất mát đột ngột trong gia đình. Những trải nghiệm đó khiến cô gắn bó hơn với công việc.
“Với tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi chỉ cố sống từng ngày. Nhưng tôi biết mình muốn ở lại. Ngay lúc này, tôi thấy biết ơn vì vẫn còn được ở đây”, Camila nói.
Tuy nhiên, hiện thực đang dần khép lại những cánh cửa ấy. Những đề xuất như “thẻ vàng trị giá 5 triệu đô” mà chính quyền Trump nêu ra được cho là sự thiên lệch về chính sách. Trong đó, ưu tiên người giàu, trong khi bỏ rơi những người lao động nghèo nhưng thiết yếu.
Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý và nhân văn, Mỹ có thể sẽ tự đẩy mình vào khủng hoảng lao động kéo dài không chỉ mất đi những đôi tay cần mẫn, mà còn mất đi niềm tin và sự ổn định trong lòng xã hội.