Cuộc thương chiến chưa có hồi kết

GD&TĐ - Trong khi lệnh áp thuế đối ứng mức cao của Mỹ với hầu hết các nước được hoãn lại 90 ngày, cuộc thương chiến Mỹ - Trung lại leo thang chưa từng có.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt ngay từ khi ông mở chiến dịch tranh cử. Sau đó, ngay khi đắc cử nhiệm kỳ hai, ông đã liên tục đưa vấn đề thương mại với Trung Quốc trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự của mình.

Quan điểm công khai của Tổng thống Trump về vấn đề này là Trung Quốc sẽ không thể “lợi dụng và bòn rút nước Mỹ” như trước đây về thương mại. Do đó, ông liên tục đưa ra các quyết định thuế nhằm vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước Mỹ. Đáp lại, Bắc Kinh cũng không khoan nhượng trong các động thái đáp trả, đẩy căng thẳng thương mại song phương lên mức cao chưa từng có.

Từ trước ngày công bố áp thuế đối ứng khiến cả thế giới bất ngờ hôm 2/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định riêng nhằm vào Trung Quốc. Hồi đầu tháng 2/2025, Mỹ áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại Bắc Kinh cũng áp thuế suất 10 - 15% với một số hàng hóa Mỹ.

Sang đầu tháng 3, Mỹ tiếp tục áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh lại đáp trả bằng cách mở rộng danh sách hàng hóa từ Mỹ phải chịu mức thuế nhập khẩu 10 - 15%. Cuộc chiến về thuế giữa hai nước lúc này đã cho thấy rõ không có sự nhượng bộ nào.

Tới ngày 2/4, khi Mỹ chính thức “ra đòn” với cả thế giới bằng việc công bố mức thuế đối ứng thì Trung Quốc nằm trong nhóm các đối tác thương mại chịu mức cao nhất là 34% kể từ ngày 9/4, cộng thêm với mức 20% thuế nhập khẩu đã áp từ trước thành 54%.

Các nước trên thế giới đều bất ngờ trước quyết định của Mỹ và đa số ứng phó theo hướng tiếp cận chính quyền Mỹ để đàm phán về mức thuế. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục lựa chọn chiến lược không khoan nhượng mà quyết đấu tới cùng với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan.

Động thái này châm ngòi cho loạt đòn thuế song phương giữa Mỹ và Trung Quốc theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Các mức áp thuế giữa hai nước liên tục “lập kỷ lục” và được giới quan sát coi như “một cuộc thi gan” chưa có hồi kết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Ngày 4/4, Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Mỹ kể từ ngày 10/4. Cũng chỉ vài ngày sau, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung 50% với Trung Quốc, thành tổng cộng là 104% nếu nước này không từ bỏ ý định trả đũa thuế đối ứng của Mỹ. Câu trả lời của Bắc Kinh là thông báo sẽ áp thuế 84% với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ kể từ ngày 10/4.

Quyết định này của Bắc Kinh khiến Tổng thống Trump dường như nổi cơn thịnh nộ khi chỉ 6 tiếng sau ông tuyên bố sẽ áp mức thuế tổng cộng lên hàng hóa Trung Quốc là 125% chứ không phải 104% như cảnh báo trước đó, trong khi hoãn triển khai áp thuế đối ứng với tất cả các đối tác khác trên thế giới.

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ với gần như cả thế giới giờ đây đang tạm lắng xuống để các bên đàm phán, chỉ còn lại “cuộc chiến thuế” duy nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo chiều ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định nước này sẽ “không nao núng” nếu cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ chính thức xảy ra dù không mong muốn.

Với vai trò quan trọng đối với thế giới của hai thị trường Mỹ - Trung, những diễn biến mới nhất đang khiến cả thế giới lo ngại vì khi một cuộc chiến thương mại song phương nổ ra, cả thế giới sẽ không thể tránh khỏi những hệ lụy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ