Những lý do phổ biến nhất khiến mọi người biến mất không dấu vết chính xác là những lý do mà bạn có thể đang nghĩ đến - những khoản nợ không thể xóa được, những mối quan hệ không tình yêu và văn hóa làm việc nổi tiếng khắc nghiệt của Nhật Bản.
Nhưng có một số yếu tố văn hóa nhất định khiến những lý do này ở Nhật Bản trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác.
Sự xấu hổ khi phải đối mặt với những khoản nợ của gia đình, những cuộc hôn nhân tan vỡ hay áp lực trước văn hoá làm việc... Nhiều người Nhật coi đó là những điều không thể chấp nhận được.
Điều này khiến họ có rất ít lựa chọn - tự lấy mạng sống của mình thay vì sống với sự xấu hổ, tự làm việc cho đến chết, hoặc trở thành “johatsu” nghĩa đen là bốc hơi khỏi cuộc sống của họ.
Nhà xã hội học Nhật Bản Hiroki Nakamori đã nghiên cứu hiện tượng johatsu ở Nhật Bản trong nhiều năm. Ông cho biết, thuật ngữ người “bốc hơi” bắt đầu được sử dụng ở quốc gia Đông Bắc Á này từ những năm 60, khi mọi người nhận ra rằng biến mất khỏi cuộc sống là điều dễ tốt nhất cả cho bản thân và gia đình của họ trước những áp lực tưởng chừng không thể vượt qua trong cuộc sống.
“Ở Nhật Bản, điều này tương đối dễ dàng. Cảnh sát sẽ không can thiệp vào cuộc sống riêng tư của công dân, trừ khi có lý do đặc biệt, như phạm tội hoặc tai nạn. Thậm chí, các thành viên trong gia đình cũng không thể can thiệp tìm kiếm hay xem thông tin tài chính của người thân. Những gì họ có thể làm là thuê một thám tử tư hoặc chờ đợi”, ông Nakamori nói.
Quyền riêng tư là một vấn đề lớn ở Nhật Bản, vì vậy những người quyết định trở thành johatsu hầu như có thể ẩn mình mà không lo bị phát hiện. Miễn là họ rời xa cuộc sống mà mình đang cố gắng trốn thoát, không cần bận tâm về việc bị phát hiện trên CCTV hoặc sử dụng thẻ tín dụng tại các máy ATM. Các thành viên trong gia đình không thể truy cập video bảo mật và các giao dịch ATM không bao giờ được theo dõi.
Hiện tượng johatsu phổ biến ở Nhật Bản đến mức có cả những công ty chuyên giúp người bốc hơi. Được gọi là dịch vụ "vận chuyển ban đêm" hoặc "cửa hàng bay qua đêm", các công ty này hỗ trợ johatsu lập kế hoạch biến mất và cũng cung cấp chỗ ở tạm thời tại các địa điểm bí mật.
Chủ một dịch vụ “vận chuyển ban đêm” nói với Tạp chí TIME rằng tùy thuộc vào số lượng tài sản khi khách hàng muốn bỏ trốn, khoảng cách họ muốn cất giấu và thời điểm “bốc hơi”, giá của dịch vụ này dao động trong khoảng 450 USD đến 2.600 USD.
Dẫn theo trẻ em hoặc những người trốn nợ có thể phải trả phí cao hơn nữa. Một chủ sở hữu công ty cung cấp dịch vụ này cho biết họ đã giúp khoảng 100-150 người trở thành johatsu mỗi năm.
Đối với những người không có khả năng chi trả cho các dịch vụ hỗ trợ “bốc hơi” hoặc chỉ muốn làm mọi việc một mình, họ có thể tìm kiếm các hướng dẫn về johatsu được đăng công khai trên mạng.