Lớp học trên đỉnh Sơn Bạc Mây
“Lớp học bản em, tựa lưng vào núi. Nằm trong mây và che lấp trong sương. Tiếng hát của những đứa trẻ. Xua tan đi giá lạnh của núi rừng…”.
Trên đỉnh Sơn Bạc Mây, nơi những mái nhà lọt thỏm giữa cánh rừng, quanh năm không bao giờ khô ráo bởi sương mù bao phủ. Trong màn sương lạnh giá ấy, ngày ngày vẫn vang lên tiếng trẻ đọc bài. Và lấp lánh trong những ánh mắt của học sinh là những ước mơ, khao khát được đến trường học chữ. Những ước mơ ấy không chỉ vượt qua những con dốc, đỉnh đèo, mưa dông, nước lũ mà còn vượt qua cả những rào cản, định kiến ngàn đời của cái u tối bủa vây.
Bản Sàng Mà Pho nằm cheo leo trên đỉnh Sơn Bạc Mây, với 88 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bản cách trung tâm huyện Phong Thổ hơn 100km. Từ xã Sin Suối Hồ lên bản, đoạn đường 20km không phải dài nhưng với phần lớn đường đất, quanh co những khúc cua tay áo, phải mất hơn cả tiếng đồng hồ mới đi tới bản.
Từ lâu, bà con nơi đây vẫn quan niệm “cái chữ không làm no cái bụng”, nên trẻ con lớn lên đã quen với việc theo cha mẹ lên nương chỉa bắp, xuống suối bắt con cá, vào rừng bẫy con thú…
Nằm cheo leo trên đỉnh Sơn Bạc Mây, điểm trường Sàng Mà Pho của trường phổ thông DTBT TH Sin Suối Hồ có 2 phòng học dành cho 31 học sinh. Thầy Nguyễn Văn Oai, phụ trách lớp 2 với 10 học sinh. Thầy Đèo Hải Vân phụ trách lớp 1 với 21 học sinh. Cả 2 thầy đều đã nhiều năm gắn bó với vùng núi Sơn Bạc Mây này.
Trước đây, ở Sàng Mà Pho cái gì cũng thiếu. Không nước sạch, không chợ, cũng chẳng có điện, sóng điện thoại thì lúc được lúc không, phải tìm chỗ để treo lên vớt sóng, cuộc sống của các thầy cô cắm bản chỉ quanh quẩn trong khuôn viên của điểm trường.
Vì thế, những ngày nghỉ cuối tuần, bất kể trời nắng hay mưa, thầy Oai và thầy Vân đều dành thời gian ở lại bản, giúp đỡ bà con. Vất vả là vậy, nhưng không phải lúc nào việc vận động cũng thuận lợi. Bởi có gia đình xa điểm trường tới 5km, đi bộ mất cả buổi, cùng với đó, nhiều hộ bận đi nương, làm rẫy, vào rừng hái nấm, tìm măng. Nhà chỉ còn toàn trẻ con, đứa lớn vừa chăn trâu, vừa phải trông em nhỏ, tự nấu cơm ăn….
“Mưa dầm thấm lâu”, bà con cũng dần hiểu và nghe theo việc cho con em họ đến trường học cái chữ.
Đêm Sàng Mà Pho lạnh hơn bởi sương mù bắt đầu giăng kín, bản làng như chìm trong cái màu sẫm đặc của đất trời miền biên viễn. Trong đêm tối, đâu đó vẫn rậm rịch những dấu chân thầm lặng. Đó là những dấu chân đã cống hiến tuổi xanh cho một vùng đất đã thành quê hương thứ hai của những người thầy giáo. “Nhiệm vụ” mang ánh sáng lên vùng cao, mang ước mơ con chữ đến với bản làng giờ đã thành hiện thực.
Truyền tải bức tranh giáo dục vùng cao
Theo phóng viên Nguyễn Trọng Quân, Đài Phát thanh – Truyền hình Lai Châu (trong nhóm tác giả), lý do lựa chọn Sàng Mà Pho làm điểm đến là qua lời giới thiệu của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, biết được câu chuyện của những thầy giáo vẫn đang ngày đêm bám bản, bám trường để đem con chữ đến với đỉnh Sơn Bạc Mây. Chính vì thế, mọi người đã đến Sàng Mà Pho để tìm hiểu và viết về bức tranh giáo dục vùng cao một cách rõ nét.
“Chúng tôi đã dành trọn một ngày đêm để biết được những việc mà thường ngày thầy cô nơi đây vẫn thường làm. Trải qua quãng đường dài và tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con, tôi thấy được tình cảm đặc biệt giữa thầy giáo với học sinh và dân bản. Chúng tôi thấy đồng cảm và mong muốn chia sẻ để mọi người hiểu rõ về những khó khăn và các thầy cô nơi đây đã trải qua”, anh Quân chia sẻ.
Thầy Oai, thầy Vân và những thế hệ thầy cô đã từng đặt chân lên điểm trường Sàng Mà Pho, quanh năm mây phủ này, phần lớn trong số họ đều là người dưới xuôi lên đây dạy chữ. Đằng sau trách nhiệm và tâm huyết với vùng cao, mỗi người là một hoàn cảnh riêng, với cuộc sống rất riêng. Nhưng dường như ai cũng có chung một niềm trăn trở, bởi vẫn còn nhiều trẻ em người dân tộc ít người còn đang khát chữ.
Để mang con chữ lên vùng biên viễn này, việc làm đầu tiên của các thầy đó là học tiếng đồng bào và thực hiện 3 cùng với nhân dân.
Thầy Oai sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình. Năm 1999, thầy đã tình nguyện lên vùng cao Lai Châu dạy xóa mù chữ cho bà con và gắn bó với sự nghiệp trồng người từ đó cho đến nay. 21 năm công tác, nhưng hầu hết thầy Oai đều xung phong vào những điểm trường lẻ. Với thầy, đó niềm vui, niềm vinh dự của 1 người thầy.
Giống như thầy Oai, thầy Vân cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề và điểm trường Sàng Mà Pho quanh năm mây phủ. Còn nhớ ngày đầu lên cắm bản, thầy Vân rất bỡ ngỡ, bởi bản thân chưa biết tiếng đồng bào. Trong khi đó, người dân của bản lại không biết tiếng phổ thông.... Do vậy việc giao tiếp và thực hiện 3 cùng với nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.
Trước đây, giữa núi rừng heo hút, chỗ ăn, nghỉ của 2 thầy cũng đơn sơ với vách gỗ, bạt che, chỉ đủ chắn mưa, che nắng. Và cũng chính nơi ở của thầy là nơi dậy chữ cho các bậc phụ huynh trong bản. Do không có điện, nên cứ vào cuối buổi chiều, sau khi dạy xong, 2 thầy giáo lại tất bật với việc phổ cập chữ cho bà con.
Nhiều gia đình không có người trông trẻ, phải mang con và cơm đi theo. Nhưng ai nấy đều rất vui, bởi từ nay, bản mình ai ai cũng biết chữ.
Từ khi có con chữ về bản, cuộc sống của bà con Sàng Mà Pho đã có nhiều đổi thay. Biết chữ, biết đọc thông tin, người dân đã biết vận dụng các kiến thức khoa học vào cuộc sống. Giờ đây, không còn cảnh người dân cho con đi nương, đi rừng nữa mà cho con theo học.
“Thông qua tác phẩm tham dự Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, chúng tôi mong muốn, truyền tải thật nhiều câu chuyện đẹp về những cống hiến, đóng góp của các thế hệ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Họ đã cùng nhau thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình, bám bản, bám trường, bám những lớp học trên đỉnh núi cao quanh năm mây che, sương lấp để cống hiến cho giáo dục vùng cao, còn nhiều khó khăn, biên giới như Sin Suối Hồ” – anh Quân nói.