Những ngày xưa yêu dấu

Những ngày xưa yêu dấu

Những kỷ niệm khó quên

(GD&TĐ) - Học ở bên ĐH Ngoại ngữ một thời gian rất ngắn, sau đó tất cả chúng tôi chuyển qua khu Mễ Trì. Xung quanh Khoa Ngữ văn, Sử lúc ấy toàn là đồng lúa, lúc thì xanh ngắt, lúc thì trĩu vàng, sao mà thơm mát, yên bình đến thế? Bây giờ, ai nói tôi tìm lại nơi học cũ, với phố xá san sát thế này, tôi chịu đấy.

Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội
Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội
 

Vừa vào Hội trường học - giảng đường lớn, tôi đã thấy một dòng chữ đậm “Ta gọi mối tình đầu là hoa Violet. Nghe em cười tím rịm cả vòm cây”. Rồi ở một lớp học gần khoa Sử, lại có một câu thơ viết đậm nữa trên tường  “Những vần thơ trong mơ. Tôi nghĩ mà chưa viết. Nhưng tôi vẫn cứ chờ. Chỉ lo mình sắp chết”. Mọi người nói khẩu khí này có thể là tuyên ngôn của Đỗ Minh Tuấn-K16, sau này vừa là nhà thơ kiêm biên kịch và đạo diễn điện ảnh.

 Là sinh viên ngoại trú, còn một cái thú vui khác là đến thư viện. Tôi yêu Thư viện Quốc gia từ giữa năm thứ 2. Như một con nghiện vậy, không chiều nào tôi không ra đó, kể cả ngày thứ 7. Ở đó có cơ man nào là sách, báo, tạp chí và lại ngự ở trong một khu vườn đẹp đẽ. Khuôn viên của thư viện thời đó vẫn còn phảng phất vẻ hoang dã tự nhiên, có những lùm cây dạ hương, xen lẫn các bụi hồng, rồi các cây long não cổ thụ, hoàng lan... tỏa hương vào chiều tối, nhất là khi Đông về càng ngào ngạt. Tôi vẫn nghĩ đấy là khu “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ. Có thể là Vũ đã vào ngồi ở khu vườn thư viện này mà viết nên những vần thơ say đắm như vậy chăng?

Tôi có gặp cô Hoàng trong vườn thư viện vài lần. Cô nói cô cần thông tin của một vài tờ báo Pháp mới ra nói về văn học cổ Pháp. Cô đọc bằng tiếng Pháp mới nể chứ! Tôi đã viết luận văn trong thư viện. Thầy Dương (TS Nguyễn Hàm Dương) hướng dẫn, chỉ ra một đống sách tôi cần phải đọc.

Tôi rất lo, sách về ngôn ngữ học đã hiếm rồi, sách về ngôn ngữ học thần kinh lại càng không có. Sau hơn 3 ngày tra cứu trên các phiếu của thư mục, tôi đành gặp thầy và chán nản nói “Em sẽ viết theo những gì thu lượm từ thầy, chứ thư viện chỉ có 3 quyển về Ngôn ngữ thần kinh của Viện sĩ Luria bằng tiếng Nga thôi”. “Thế em phải đọc bằng tiếng Nga đi chứ, tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp là phải thông thạo một ngoại ngữ đấy”.

Thế thì bằng giết tôi rồi, một tuần học 2 tiết tiếng Nga, mà có sử dụng nói năng bao giờ đâu mà thầy bắt tôi đọc trực tiếp văn bản? Thầy cười tủm tỉm: “Tôi hiểu rồi, làm sao em đọc được, tôi đã dịch toàn bộ bài giảng của Luria ra tiếng Việt, một nhà xuất bản hứa duyệt để in, trong khi chờ in, tôi cho em mượn một bản để đọc tham khảo, cấm sao chép nhé, em mà cóp của tôi là tôi biết đấy”.

Hôm sau thầy mang cho tôi tập bản thảo dày gần 400 trang. Tôi cầm mà cảm động đến không nói được câu nào. Thầy còn ném tọt vào lòng tôi một bọc giấy, nóng bỏng. Tôi kêu lên “Gì thế ạ?”. “Trứng vịt lộn, tôi vừa đi qua phố Hàng Bông, mua cho vợ mấy quả, nghĩ thương cô trò nhỏ giờ chắc cũng đói rồi, mua thêm 3 quả cho em, ăn đi, lấy sức rồi viết. Một tuần nữa, em phải có chương 1 cho tôi đấy”. Không đợi tôi cảm ơn, thầy sải bước ra về luôn.

Tôi nghĩ, bọn học Văn làm sao được biết những bệnh nhân ngôn ngữ? Những chứng mất ngôn ngữ khác nhau, mà sau đại chiến thứ 2, các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu và công bố trên hàng loạt tạp chí, còn ở Việt Nam mới chỉ có một vài bác sỹ chú ý và Tiến sĩ Nguyễn Hàm Dương nghiên cứu về mặt ngôn ngữ, cùng các học trò của mình. Tôi là sinh viên thứ 3 thầy Dương truyền thụ cho kiến thức này.

Tôi đã cùng thầy vào Viện Quân y 103, tới thăm các thương binh, những người bị mất ngôn ngữ. Họ tuy lành lặn, nhưng chỉ ú ớ, hoặc lắc đầu, hoặc im lặng dùng bàn tay để nói. Rất nhiều người bị những thương tật khác kèm theo nhưng  khả năng ngôn ngữ thật thương tâm khi họ không nói được. Vấn đề ở đây là ngoài các biện pháp y học lâm sàng, về mặt ngôn ngữ, phải có biện pháp gì để có thể khôi phục cho bệnh nhân? Chúng tôi được đưa tới khoa Giải phẫu để được xem tận mắt những tổn thương trên não của những bệnh nhân mất ngôn ngữ.

Ở đây, tôi được nhìn thấy rất nhiều não người được ngâm phoocmon để trong các bình khác nhau. Một đại úy vớt một bộ não ngâm trong bình thuỷ tinh ra, ông cắt dọc xuống, như người ta cắt thạch vậy, để chỉ ra các vết máu tụ rải rác trên toàn bộ thân não. Thầy Dương chỉ cho chúng tôi thấy máu tụ ở vùng ngôn ngữ đậm đặc hơn các vùng khác. Tôi hỏi: “Sao không mổ để hút máu vùng đó ra? Khi đó có thể cứu vãn được ngôn ngữ chứ ạ?”. Ông đại úy trả lời: “Bệnh nhân đã chết trên đường đến đây, không nói được gì với anh em”.

Cũng như 2 sinh viên các khóa trước, thầy Dương và chúng tôi chỉ đưa ra được một số biện pháp khôi phục ngôn ngữ cho người bệnh, hoàn toàn thuần túy ngôn ngữ học. Nhưng theo tôi được biết , trên thế giới người ta đã làm thật quy mô để chữa chứng mất ngôn này, đó là có sự kết hơp chặt chẽ giữa bác sỹ nội khoa và nhà ngôn ngữ học, cùng với các phương tiện máy móc luyện âm hiện đại cũng như có các loại thuốc đặc hiệu khác nhau dùng phối hợp. Đến nay, thầy Dương không còn nữa, giáo trình của thầy cũng không thấy in ra và những đề xuất của chúng tôi chắc cũng rơi vào lãng quên.

x
Nhớ mãi một thuở học trò...

Lợi đôi đường

Tôi kể lan man nhiều thứ như vậy, cũng để nói rằng: Tôi không ân hận vì đã vào học lớp Ngữ văn. Vì tôi đã được lợi kép cả 2 đường, được học Văn với những thầy cô “đỉnh” như cô Lê Hồng Sâm, cô Đặng Thị Hạnh, cô Nguyễn Thị Hoàng... thầy Hà Minh Đức, thầy Trần Đình Hượu, thầy Đỗ Hồng Chung...

Với lớp Ngữ, tôi được biết đến sự uyên bác của thầy Nguyễn Tài Cẩn, sự chu đáo và tận tâm với sinh viên của cô Nonna Xtankievic vợ thầy, sự nhiệt tình đến bốc đồng của thầy Hoàng Trọng Phiến, sự cẩn thận, mực thước của thầy Đỗ Thiện Thuật, và sư tài hoa, thông minh một cách lãng tử của thầy Nguyễn Hàm Dương... Lớp tôi còn có một “ngôi sao” học giỏi xuất sắc , nói năng hùng biện, nay là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH - TS Vũ Đức Nghiệu.

Không hiểu Nghiệu có đọc những dòng hồi tưởng này của tôi không, mà chắc gì nó đã được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc như tôi? Tôi chỉ nhớ, Nghiệu là một chàng trai bé nhỏ, lúc nào cũng tươi cười, tranh cãi bao giờ cũng đến cùng. Hồi ấy, tôi không chú ý lắm đến đám con trai lớp mình.

Chẳng phải vì kiêu, mà chỉ vì có rất ít những đợt sinh hoạt chung như bọn lớp Văn, nên tôi không có cơ hội hiểu mọi người. Tôi không biết bây giờ khi đã chia thành 2 khoa riêng biệt - khoa Văn và khoa Ngôn ngữ học, sinh viên có được học kép như thời chúng tôi không? Nhưng có một điều chắc chắn, thời chúng tôi học, sinh viên và thầy cô gần gũi, trong sáng, thân thiết cảm động hơn bây giờ nhiều. Người đời nói là tại thời đại nó thế. Cho nên, tôi vẫn mong sao “Bao giờ cho đến ngày xưa” tuy con tôi thì cho rằng kiểu học của mẹ đã hết thời rồi.

 Ừ, biết thế rồi, nhưng những kỷ niệm một thời khoa Ngữ văn yêu dấu sẽ không bao giờ rời xa. Tuổi 17 vào đại học của chúng tôi là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức mỗi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ