Những ngày hè không nghỉ của nhà giáo vùng cao

GD&TĐ - Ngày hè là thời gian để học sinh 'xả hơi', song với nhiều thầy cô thì đây lại là quãng thời gian bộn bề công việc.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải chụp ảnh lưu niệm nhân Lễ Tổng kết năm học 2022 - 2023.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải chụp ảnh lưu niệm nhân Lễ Tổng kết năm học 2022 - 2023.

Tất bật từ đầu hè

Cô Nguyễn Thị Hải (SN 1994) là giáo viên dạy môn Toán, công tác tại trường THCS & THPT Quyết Tiến, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Các hè trước, những giáo viên ở vùng cao như cô Hải vốn đã bận rộn, nay lại bộn bề hơn.

Năm 2023 là năm đầu trường THCS & THPT Quyết Tiến có học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Toàn trường có 88 học sinh (cả nội và ngoại trú) tham dự kỳ thi.

Bởi thế, sau khi kết thúc chương trình năm học 2022- 2023, các cô lại tiếp tục đồng hành với các sĩ tử “vượt vũ môn”.

“Để đảm bảo công tác ôn tập, chuẩn bị cho các em, nhà trường đã vận động học sinh ngoại trú vào ở nội trú để tiện cho việc ôn luyện, chăm sóc. Các thầy cô lại tiếp tục phân công nhau để trực nội trú, đảm bảo cho các em học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ. Rồi nhắc nhở chuyện học hành cho đến việc ổn định tâm lý giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi quan trọng”, cô Hải kể.

Mọi năm khi trường chưa tổ chức thi thì cô Hải được phân công tham gia làm thi ở các trường bạn. Còn năm nay cô tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ học sinh tại nhà trường.

“Công tác ôn thi ở trường nào cũng có sự vất vả, song với lực học của học sinh vùng cao và đặc trưng khí hậu khu vực miền núi, sự vất vả ấy như tăng lên bội phần. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, việc duy trì sĩ số và tâm lý cho học sinh ôn thi cũng vất vả hơn”, cô Hải bộc bạch.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi trường THCS & THPT Quyết Tiến có nhiều điều đáng nhớ. Cô Hải ấn tượng đặc biệt với trường hợp học sinh Giàng Thị Cơ Ni. Cơ Ni cũng là trường hợp đặc biệt ở trường vì em đang ở nhà chồng. Em định bỏ thi do trời mưa, đường trơn trượt.

“Đến ngày thi, các thầy cô điểm danh thì chưa thấy Cơ Ni. Gọi điện cho em không được. Thầy cô đã liên lạc với bố mẹ chồng em thì được biết do đêm trước trời mưa, đường trơn trượt nên em không ra điểm thi được. Nghe xong, thầy giáo Bùi Duy Hưng, giáo viên của trường đã tức tốc mặc áo mưa vào đón Cơ Ni để kịp đưa em đến điểm thi. Cũng may có thầy cô kịp thời hỗ trợ nên kì thi của Cơ Ni đã diễn ra trọn vẹn. Kết quả là em đã đỗ tốt nghiệp THPT”, cô Hải vui mừng kể.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên khép lại, kết quả của trường THCS & THPT Quyết Tiến có 87/88 học sinh thi đỗ tốt nghiệp. Đối với trường vùng cao còn nhiều khó khăn và cũng là lần đầu tổ chức kỳ thi quan trọng này, đây là tín hiệu đáng mừng.

Cô Nguyễn Thị Hải (bên trái) tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử tại trường.
Cô Nguyễn Thị Hải (bên trái) tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử tại trường.

Sẵn sàng bắt đầu năm học mới

Nghỉ hè chưa đầy một tháng, cô Hải lại tất bật sắm sửa đồ đạc để lên trường. Nhà cô Hải ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nên một năm cô chỉ tranh thủ về quê vào dịp Tết và hè. Nhưng thời gian cũng chẳng được dài bởi như thường lệ, việc tất yếu của các cô giáo vùng cao là sau mỗi dịp nghỉ lễ là các cô lại tất bật để vận động học sinh ra lớp. Lương không thêm, thưởng không có nhưng mỗi lần đi vận động học sinh ra lớp lại là những câu chuyện vất vả vô vàn.

“Mỗi hôm lên lớp thấy thiếu vắng học trò, tôi gọi điện thì có phụ huynh trả lời: "Trời mưa, đường trơn lắm cô giáo ạ, tôi không đi xe chở con ra học được", lúc ấy chúng tôi cũng không biết làm gì. Chỉ dặn dò phụ huynh "trời tạnh thì đưa con ra lớp" thôi. Nhưng cũng có những em ham học, đội mưa đến lớp, trân trọng nghị lực của các em lắm!” cô Hải tâm sự.

Trong câu chuyện kể, cô Hải đưa chúng tôi trở lại thời điểm cách đây vài năm. Khi đó cô Hải cũng mới được nhận công tác tại trường THCS & THPT Quyết Tiến. Vào đầu năm, sau khi đã thông báo lịch học cho các em học sinh thì có trường hợp em G.T.S, nhà tại một bản xa nhất của xã Xá Nhè. Từ trường đến nhà em Hoa chừng 10km thì có hơn nửa đường đất, trơn trượt, chỉ thể đi bộ. Dẫu vậy, cô Hải cũng không quản ngại để mà “thượng sơn” để đến tìm trò.

“Thực ra học sinh này phải vào nhà vận động không chỉ một lần. Có những lần vào nhà không gặp ai cả, có lần vào thì chỉ gặp phụ huynh thôi. Học sinh thấy bóng giáo viên là đã chạy mất. Mà ngặt nỗi, việc bất đồng ngôn ngữ với phụ huynh lại là cản trở lớn nên phải nhờ một học sinh khác người dân tộc đi để làm “phiên dịch viên”, cô Hải chia sẻ.

“Vẫn biết sự nghiệp “trồng người” còn dài và gian nan nhưng vì học sinh thân yêu, vì tương lai các em và tình yêu với nghề chúng tôi sẽ vượt qua”, cô Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.