Những ngành học được “săn đón”

GD&TĐ - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống kinh tế, xã hội trong 2 năm liên tiếp và cũng góp phần thay đổi nhu cầu học tập, việc làm của thanh thiếu niên.

Khoa học Kỹ thuật phần mềm đòi hỏi sinh viên nắm chắc kiến thức toán học.
Khoa học Kỹ thuật phần mềm đòi hỏi sinh viên nắm chắc kiến thức toán học.

Khoa học kỹ thuật phần mềm và y tế sức khỏe là những lĩnh vực có tiềm năng việc làm vô cùng lớn trong tương lai.

Khoa học Kỹ thuật phần mềm

Ngành Khoa học Kỹ thuật phần mềm đào tạo sinh viên kỹ năng thiết kế phần mềm, chương trình hoặc ứng dụng chuyên nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế hoặc nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, sinh viên cũng được học về cấu trúc máy tính, thiết kế cơ sở dữ liệu, tìm hiểu về hệ điều hành, giải tích và đại số…

Đây là ngành học đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức toán học vững chắc bởi việc thiết kế phần mềm, ứng dụng dựa trên nhiều lý thuyết toán học, khoa học.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, các chuyên gia giáo dục dự đoán những ngành học liên quan đến công nghệ thông tin sẽ vô cùng phát triển. Trong đó, nhu cầu phát triển phần mềm là rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của các công ty công nghệ.

Y đa khoa

Nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành Y đa khoa hiện nay rất lớn, đặc biệt khi dịch Covid-19 xuất hiện gây quá tải cho hệ thống y tế các nước và cần lượng lớn y, bác sĩ nhằm đáp ứng sự thiếu hụt trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, triển vọng nghề nghiệp trong ngành Y đa khoa hiện nay đến từ vấn đề già hóa dân số, thúc đẩy nhu cầu khám chữa bệnh để cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như giải quyết tình trạng sức khỏe liên quan đến  tuổi tác.

Chưa bao giờ hết “nóng” mỗi mùa tuyển sinh đại học, Y đa khoa là ngành học danh giá, cơ hội phát triển cao và được xã hội tôn trọng. Ngành học này đào tạo y, bác sĩ có kỹ năng khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý phổ biến, đáp ứng nhu cầu khám chữa khẩn cấp hay làm phẫu thuật.

Trong những năm gần đây, việc đào tạo Y đa khoa luôn song hành cùng năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phục vụ sức khỏe người dân.

Nhiều nước “khát” nhân lực ngành y tế.
Nhiều nước “khát” nhân lực ngành y tế.

Y nha khoa

Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn, là tiềm năng để ngành Y nha khoa phát triển, mở rộng cơ hội việc làm. Điều khiến ngành Y nha khoa trở thành một trong những nhu cầu bằng cấp thực tế nhất hiện nay là mọi người luôn cần chăm sóc răng miệng, dù công nghệ nha khoa tại nhà có phát triển đến đâu.

Ngành Y nha khoa là lĩnh vực chuyên môn các bệnh về răng. Bác sĩ nha khoa được đào tạo kiến thức về việc chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh trong khoang miệng và các bệnh cấu trúc của răng. Sinh viên theo học ngành này được tìm hiểu về giải phẫu, sinh lý, hóa sinh, mô phôi răng miệng, da liễu…

Quản trị chăm sóc sức khỏe

So với các ngành y khoa truyền thống, mức lương và vị trí việc làm của ngành Quản trị chăm sóc sức khỏe thường thấp hơn nhưng cơ hội thăng tiến cao hơn vì các cơ sở y tế cần nhiều quản trị viên có trình độ. Vấn đề già hóa dân số trên thế giới đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe và công tác hành chính trong các cơ sở y tế.

Quản trị chăm sóc sức khỏe là chuyên ngành khá mới nhưng nhiều tiềm năng phát triển bên cạnh những chuyên ngành y khoa truyền thông luôn được xã hội quan tâm. Đây là lĩnh vực ngày càng được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn.

Người sở hữu bằng cấp về quản trị chăm sóc sức khỏe thường là lãnh đạo, quản lý cấp cao trong các cơ sở y tế, bệnh viện… Không chỉ có kiến thức chuyên môn y khoa sâu rộng, cử nhân ngành Quản trị chăm sóc sức khỏe còn nắm rõ vấn đề y đức, trách nhiệm trong công việc và hướng phát triển cho cơ sở y tế.

Trong chương trình học, sinh viên phải tham gia các lớp học y khoa cơ bản để hình thành kiến thức về lĩnh vực y tế nói chung. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải liên tục cập nhật những thách thức mà lĩnh vực y tế phải đối mặt để sinh viên thảo luận, tìm ra giải pháp và biết cách xử lý trong thực tế.

Thú  y

Nằm trong lĩnh vực chăm sóc thú cưng, ngành Thú y, chương trình đạo tạo bác sĩ thú y, được đánh giá là thị trường tiềm năng khi nuôi thú cưng đã trở thành xu hướng trong nhiều gia đình. Đây cũng là ngành nghề được rất nhiều bạn trẻ yêu động vật quan tâm.

Ngành Thú y nghiên cứu, ứng dụng việc chẩn đoán và điều trị bệnh y học cho động vật như gia súc, gia cầm, vật nuôi, động vật hoang dã… Sinh viên sẽ được học về dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, ngoại khoa, giải phẫu hay phòng chống bệnh hay gặp ở  động vật.

Dù có nhiều tiềm năng, Thú y chưa phải ngành học phổ biến trên thế giới. Đơn cử, tại Mỹ, chỉ có 28 chương trình đào tạo thú y. Điều này hạn chế số lượng bác sĩ thú y trình độ cao, càng khiến ngành này trở thành một trong những công việc được săn đón nhất.

Khoa học dữ liệu

Khoa học dữ liệu, còn gọi là Khoa học dữ liệu và Phân tích, là ngành học về quản trị và phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, đánh giá các rủi ro có thể gặp phải trên thị trường và tăng lợi thế cạnh tranh.

Đây là lĩnh vực khá rộng gồm khai thác dữ liệu, thống kê, học máy, phân tích, lập trình… Sinh viên ngành Khoa học dữ liệu được đào tạo về toán học, trí tuệ nhân tạo, cấu trúc dữ liệu, phương pháp thống kê, phân tích dữ liệu…

Ngành học này được đánh giá rất cần thiết trong thời đại công nghệ số, khi các doanh nghiệp đều cần tập hợp dữ liệu để phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu theo hướng hiện đại, tân tiến nên dễ dàng thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.