Vì thế việc đào tạo giáo viên của các nhà trường sư phạm trong những năm tới không thể không chú ý tới yêu cầu phát triển năng lực chung, đặc biệt là năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm chính là năng lực chuyên biệt của người giáo viên.
Để đạt được mục tiêu vừa trước mắt, vừa lâu dài, PGS cho rằng, giáo viên của tất cả các cấp cần được trang bị và phát triển năng lực sư phạm trên nền tảng của các năng lực sau:
Năng lực giao tiếp
Dạy học chính là hình thức giao tiếp có đầy đủ các thành tố tiêu biểu nhất. Người giáo viên cần có năng lực giao tiếp để thực hiện tốt mục tiêu dạy học bằng việc sử dụng các phương tiện, công cụ nhằm chuyển tải nội dung bài học một cách hiệu quả và tốt nhất cho đối tượng người học.
Năng lực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT)
Dạy học hiện đại không thể không cần đến ICT. Năng lực ICT đòi hỏi người người giáo viên cần có những kiến thức tối thiểu về công nghệ thông tin truyền thông, trước hết là biết sử dụng máy tính, Internet và một số phần mềm dạy học thông dụng vào công việc hàng ngày của mình để vừa nâng cao trình độ, mở rộng tri thức, vừa góp phần đổi mới phương pháp dạy học.
Năng lực thích ứng và hợp tác
Thích ứng là việc thay đổi và hành động sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng và tạo ra hiệu quả cao. Như thế thích ứng đòi hỏi sự linh hoạt và mềm dẻo trong nhận thức và hành động. Có năng lực thích ứng, linh hoạt, mềm dẻo thì mới dễ hợp tác, cộng tác với người khác nhanh chóng và có hiệu quả.
Nghề dạy học đòi hỏi giáo viên cần có phản ứng nhanh trước các tình huống sư phạm khác nhau; cần có sự hợp tác đa chiều; cần biết thay đổi để tự thích ứng với các yêu cầu mới của cuộc sống, của khoa học kỹ thuật và phát triển chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của các địa phương, nhà trường…
Năng lực tư duy phê phán, giải quyết vấn đề và sáng tạo
Nhà trường cần tạo ra một lớp người mới có năng lực phê phán, biết phản biện xã hội, biết phát hiện, nêu vấn đề và đề ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đó một cách độc đáo, sáng tạo. Muốn thế trước hết người giáo viên cần có năng lực này.
Và không chỉ thể hiện nó trong việc giảng dạy chuyên môn như biết tiếp nhận một cách chủ động chương trình, SGK và tài liệu dạy học; mà còn thể hiện mọi phương diện của đời sống để làm gương cho học sinh của mình.
Năng lực tự học, học cách học
Trong xã hội hiện đại với sự phát triển hết sức mau lẹ của tri thức khoa học, cách lựa chọn thông minh nhất của mỗi cá nhân cũng như tập thể, nhà trường là học cách học; học cách tiếp cận; cách lý giải và cắt nghĩa; cách thu thập và sử lí thông tin… để tự mình khám phá, sáng tạo, tự học và học suốt đời.
Nhà trường cần hình thành và phát triển năng lực này cho học sinh và như thế trước hết người giáo viên cần có năng lực học cách học ngay từ lúc còn trong nhà trường sư phạm.
Không có năng lực tự học và học cách học, giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh phát triển năng lực này càng không có năng lực tự học cho chính mình để học suốt đời.
Năng lực văn hóa chung
Người thầy cần biết 10 mới dạy 1. Yêu cầu của năng lực sư phạm không chỉ dừng lại ở những kiến thức chuyên sâu của môn học mà còn là nhiều kiến thức văn hóa tổng hợp khác.
Rất nhiều cách dạy học hay và có hiệu quả bắt đầu từ tầm hiểu biết văn hóa sâu rộng, nhiều kĩ thuật và thủ pháp dạy học không xuất phát từ bản thân các tri thức chuyên sâu mà được gợi ý từ những hiểu biết văn hóa đa dạng, các kĩ năng mềm, những hiểu biết ngoài khoa học. Dĩ nhiên những phương pháp ấy phải quy tụ và phục vụ cho mục đích cần đạt của bài học.
Năng lực xúc cảm thẩm mĩ – nhân văn
Giáo dục nhà trường luôn hướng tới chân, thiện, mĩ; tạo ra lớp người có tâm hồn đẹp, có nhân cách cao thượng, biết yêu thương và trân trọng cái tài, cái đẹp.
Người thầy là kĩ sư tâm hồn theo cách gọi của nhà sư phạm Xu-khôm-lin-xki, vì thế hơn ai hết người kĩ sư ấy phải biết lắng nghe và thấu hiểu thế giới tâm hồn đa dạng, phong phú và phức tạp của học sinh; biết chia sẻ và cảm thông với những số phận khác nhau… Nghĩa là năng lực, xúc cảm, thẩm mĩ rất cần cho việc phát triển năng lực sư phạm.