1. Đầu năm 2015, chàng trai Khắn Khăm ở tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào) đã sang Kon Tum đăng ký học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Đến tháng 9, Khăm đăng ký xét tuyển đầu vào chuyên ngành Công nghệ thông tin thuộc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Tính đến nay, Khăm đã có 3 năm học tập ở Việt Nam.
Khắn Khăm nói tiếng Việt rất giỏi. Anh cho biết, trước năm 2015, anh là phóng viên của Đài Truyền hình tỉnh Sê Kông và từng sang tỉnh Kon Tum cùng Đoàn công tác của tỉnh Sê Kông.
“Đến Kon Tum, tôi thấy không gian sinh hoạt đẹp, con người nơi đây rất nhiệt tình, cởi mở. Hơn nữa, 2 tỉnh Kon Tum và Sê Kông rất gần gũi, có mối quan hệ thâm giao lâu đời.
Nhiều cán bộ Việt Nam sang Lào học ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, các đồng nghiệp của tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Năm 2015, tôi có ý định sang Kon Tum học tập, nâng cao chuyên môn về công nghệ thông tin, lãnh đạo Đài Truyền hình tỉnh Sê Kông đã ký văn bản xin chủ trương cấp trên thống nhất. Tính ra, tôi đã sang đây được 3 năm”.
Theo anh Khăm, những ngày đầu khó khăn nhất là không nói được tiếng Việt nhiều. Khăm thường xuyên sử dụng tiếng Anh để trao đổi với các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Dần dà, sau các giờ học tiếng Việt, các thầy cô giáo đã hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài gặp gỡ, kết bạn với sinh viên Việt Nam tại trường.
Nhiều bạn đã nhiệt tình giúp Khăm học ngôn ngữ Việt, đưa anh đi tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường và các chuyến dã ngoại, đi làm công tác từ thiện ở địa phương…
“Sau 4 tháng qua tỉnh Kon Tum, mình đã tự tin giao tiếp, hòa nhập môi trường học tập của các bạn sinh viên Việt Nam” - Khăm nói.
2. Hòa nhập môi trường giáo dục tại Kon Tum sau Khăm 1 năm, bạn Nalayao Mitdi ở tỉnh Attapư (Lào) là học sinh giỏi được nhận học bổng học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, thuộc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
Mitdi cũng nhận xét, tiếng Việt là trở ngại lớn nhất khi mới sang Việt Nam. “Tuy nhiên, Phân hiệu đã có các giải pháp giúp lưu học sinh Lào hòa nhập môi trường giáo dục rất nhanh. Lưu học sinh Lào được khuyến khích tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, các câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa - văn nghệ.
Các buổi sinh hoạt đều có các giảng viên trẻ vui tính, thân thiện quan tâm, kêu gọi sinh viên tình nguyện giúp các bạn mới học tiếng Việt, các môn văn hóa, hướng dẫn thích nghi môi trường học tập chuyên ngành đã đăng ký đào tạo…” - Mitdi cho biết.
Anh Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đoàn trường Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum thông tin: Hiện tại, đơn vị có 108 lưu học sinh Lào đang ở ký túc xá của trường và theo học các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, 20 bạn đang học tiếng Việt ở Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum, 88 bạn đang theo học ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Ban đầu các lưu học sinh còn bỡ ngỡ, rụt rè trong giao tiếp. Nhưng qua thời gian, Phân hiệu đều có các hoạt động giúp đỡ các bạn hòa nhập môi trường giáo dục Việt Nam.
Theo anh Linh, nhà trường bố trí cho các lưu học sinh ở ký túc xá miễn phí. Mỗi phòng ở, Ban quản lý ký túc xá quan tâm bố trí đầy đủ thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập như: bàn, ghế, tủ, ti vi, quạt, bếp ăn, kết nối mạng internet...Các bạn rất hòa đồng với sinh viên Việt Nam đang theo học tại Phân hiệu.
Các lưu học sinh cũng rất thích và thường tham gia tích cực các hoạt động, cuộc thi văn nghệ - thể thao, các buổi tọa đàm, giao lưu vào dịp lễ kỷ niệm lớn, trọng đại của Việt Nam, Lào. Vào các dịp này, Ban giám hiệu luôn kêu gọi sinh viên Việt Nam kết bạn, giúp bạn trẻ Lào học tiếng Việt nhiều hơn. Đến nay, 108 lưu học sinh Lào tại Kon Tum có môi trường sinh sống, học tập tích cực.
Qua trò chuyện, các lưu học sinh Lào tâm sự muốn được tăng thời lượng học tiếng Việt nhiều hơn, song song với chuyên ngành đào tạo được học. Khắn Khăm chia sẻ: Trong các giờ học chuyên ngành công nghệ thông tin có nhiều từ ngữ chuyên môn, giảng viên cung cấp kiến thức, trao đổi thực tế, tôi thấy khá lạ.
Có thể, họ dùng từ địa phương, hoặc thuật ngữ khoa học mới của Việt Nam. Do đó, có lúc tôi không viết kịp, phải nhờ bạn bè (đa phần sinh viên Việt Nam) giải thích, thuật lại dùm.
Còn Mitdi thì lạc quan khẳng định, khó khăn ngôn ngữ Việt, chắc chắn có các bạn sinh viên và giảng viên người Việt giúp đỡ. Thời gian học tập, nghiên cứu ở giảng đường đại học, Mitdi muốn thu nạp được nhiều kiến thức, được hoạt động ứng dụng thực tế nhiều lý thuyết đã học. Để khi tốt nghiệp, lưu học sinh này mong ước sẽ mở công ty giao thương thu mua, chế biến và kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản giữa các tỉnh của Việt Nam - Lào.