Những lớp học xuyên hè

GD&TĐ - Cả cô giáo và học trò, không ai thích nghỉ hè vì lớp học là nguồn vui, động viên giúp họ trải qua mỗi ngày một cách ý nghĩa nhất.

Cô Lê Thị Mai và học trò - bệnh nhi đang điều trị các bệnh mạn tính tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: NVCC
Cô Lê Thị Mai và học trò - bệnh nhi đang điều trị các bệnh mạn tính tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: NVCC

Lớp học của niềm vui

18 giờ, lớp học bắt đầu, không phải bằng tiếng trống trường mà là tiếng cười đùa vui vẻ của các em nhỏ - những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TPHCM).

Lớp học được tổ chức trong căn phòng khoảng 20m2 của khoa Ung bướu - Huyết học. Số lượng trẻ đến lớp cũng không cố định như ở các lớp phổ thông mà khi nhiều khi ít, có hôm khoảng 30 trẻ mà cũng có lúc chỉ còn một nửa.

Bệnh nhi N.L.T. (10 tuổi, ung thư buồng trứng giai đoạn 3) được mẹ đưa đến lớp trên chiếc xe lăn. Em vào điều trị tại BV Nhi đồng 2 nhiều tháng nay. Không còn cơ hội để đến trường, lớp học này là nơi duy nhất để em tìm lại quãng thời gian vui tươi và hồn nhiên của tuổi học trò.

Em N.M.T. (11 tuổi, TP Thủ Đức, bị ung thư máu) vào lớp học với chiếc máy thải sắt trên bụng, cho biết: “Cô Mai còn mở lớp là em còn đến học. Cô dạy em và các bạn nhiều thứ”.

Đây là lớp học chữ cho bệnh nhi điều trị các bệnh về ung thư, huyết học, thận... ở BV Nhi đồng 2. Lớp ra đời vào tháng 12/2017, từ công sức của cô Lê Thị Mai (50 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ Nét chữ xinh). Lớp hoạt động vào 18 giờ tối thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Các em được học, ôn tập môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Vào ngày cuối tuần, trẻ được học kỹ năng như sinh hoạt nhóm, kể chuyện.

Cô Lê Thị Mai cho biết: “Tùy theo lứa tuổi, có em ôn lại bài học ở trường, em được học để chuẩn bị đến trường hoặc học ngoại ngữ. Các em học nhẹ nhàng, hạn chế sức viết và học chủ yếu qua hình ảnh. Điều này giúp các em dễ tiếp thu, học như chơi nhưng vẫn có thể tự tin, năng động, giao tiếp được bằng tiếng Anh”.

Cách đó khoảng 20 km, BV Ung bướu TPHCM cũng có lớp học dành cho bệnh nhi điều trị dài ngày. Đây có thể xem là lớp với lịch sử lâu đời nhất: 14 năm. Chủ nhiệm lớp học là cô giáo về hưu Đinh Thị Kim Phấn, 67 tuổi – trước là giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Đuốc Sống, Quận 1, TPHCM.

Lớp học của cô Phấn có khoảng 20 bệnh nhi ung thư, hoạt động vào sáng thứ 7 hằng tuần, trong căn phòng của nhà trọ dành cho bệnh nhân ung thư, gần sát BV Ung Bướu TPHCM. Các em được học Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và mỹ thuật.

Cô Kim Phấn kể, khi bệnh viện còn ở nằm ở quận Bình Thạnh, lớp học được tổ chức trong một căn phòng nhỏ của khoa Nội 3 (điều trị ung thư cho trẻ em). Nhưng từ năm 2022 - khi bệnh viện chuyển sang cơ sở mới ở TP Thủ Đức, lớp học phải chuyển ra ngoài khuôn viên của bệnh viện để thuận tiện cho việc học của các em.

“Một phụ huynh của bệnh nhi thấy thương các em nên cứ sáng thứ 7 thì dọn dẹp căn phòng trống trong nhà trọ để các em học. 7 giờ sáng cô đến, gọi cửa từng phòng và sau đó ngồi chờ đến 8 giờ để bắt đầu lớp học. Khi có sự kiện như ngày 1/6 hay Tết Trung thu, phụ huynh mỗi người một tay giúp cô tổ chức hoạt động vui chơi cho các em”, cô Phấn nói.

Không chỉ có 2 bệnh viện nói trên, từ thành công của lớp học ở BV Nhi đồng 2, vào ngày 1/6, cô Lê Thị Mai đã mở thêm một lớp học dành cho bệnh nhi tại BV Nhi đồng TP.

Ngoài ra, CLB Tình nguyện Bé khỏe bé ngoan của sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM từ năm 2013 cũng thường xuyên tổ chức các buổi học về chăm sóc sức khỏe, chia sẻ tâm lý, kỹ năng chăm sóc bản thân cho bệnh nhi tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2.

Cô Đinh Thị Kim Phấn bên những học trò - bệnh nhi ung thư đang điều trị tại BV Ung bướu TPHCM. Ảnh: NVCC

Cô Đinh Thị Kim Phấn bên những học trò - bệnh nhi ung thư đang điều trị tại BV Ung bướu TPHCM. Ảnh: NVCC

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

“13 năm qua duy trì lớp học. Sao đến năm thứ 14, chỉ vì đường xa mà mình lại bỏ cuộc?”, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn đã tự hỏi như vậy khi lớp học mà bản thân dành nhiều tâm huyết gặp một số trục trặc.

Khi BV Ung bướu TPHCM còn ở quận Bình Thạnh, quãng đường từ nhà cô sang bệnh viện khoảng 5 km. Mọi thứ đều quen thuộc và dễ dàng vì đã nhiều năm cô gắn bó với lớp học, từng bảo vệ hay nhân viên y tế, căn phòng các bệnh nhi nằm điều trị.

Thế rồi, khi đại dịch Covid-19 ập đến, lớp học trực tiếp phải tạm dừng, cô Phấn xoay xở làm quen với dạy trực tuyến cho các bệnh nhi. Đến khi dịch hết thì bệnh viện lại chuyển đi, cách nhà cô gần 20 km. Không thể chạy xe máy một mình trên quãng đường xa đến vậy, cô lại dần quen với việc đón xe buýt, cách nhà 10 phút đi bộ.

Tìm cách thích ứng với thay đổi, cô Phấn không chỉ duy trì được lớp học mà còn thu hút, động viên các tình nguyện viên khác cùng tiếp tục dạy học cho bệnh nhi. Cũng với tinh thần đó, cô tìm cách giúp học trò của mình nỗ lực hơn mỗi ngày. Có lẽ nhờ đó, nhiều em sau những năm tháng điều trị ở bệnh viện đã ổn hơn, có thể về nhà tiếp tục việc học tại trường phổ thông.

“Có em về quê học nhưng vẫn tham gia lớp học trực tuyến với cô vì nhớ và quen với lớp học này. Điều trị bệnh ung thư khiến các em không thể đến trường được nữa nhưng luôn có nhu cầu được thuộc về một tập thể. Lớp học giúp các em cảm thấy mình có giá trị, sống có ý nghĩa và vui hơn rất nhiều”, cô Phấn chia sẻ.

Tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, lớp học vào buổi chiều các ngày thứ 5 và thứ 6 của CLB Bé khỏe bé ngoan tập trung nhiều hơn vào truyền thông chăm sóc sức khỏe và nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhi. Các buổi học được tổ chức ở hành lang bệnh viện, do anh chị sinh viên y khoa tổ chức. Bệnh nhi được dạy về bệnh, dinh dưỡng, các quy tắc ứng xử cơ bản và song song đó là những nâng đỡ giá trị tinh thần cho các em.

Anh Dương Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Bé khỏe bé ngoan cho hay: “Đối với y khoa, không có điều trị bệnh mà là điều trị người bệnh. Nghĩa là phải chú ý cả tâm lý cho bệnh nhân. Nhưng trong môi trường y tế quá đông như hiện nay, các bác sĩ khó lòng chăm sóc về mặt tinh thần cho các em. Chính vì vậy, lớp học của CLB ra đời ngoài truyền thông sức khỏe, còn là để chia sẻ, đồng hành cùng các em trong quá trình điều trị”.

Để thực hiện việc này, CLB mời các chuyên gia tâm lý để huấn luyện cho thành viên kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, giúp trẻ quên đi nỗi đau bệnh tật bằng các trò chơi, câu chuyện và ca hát “Mọi người, kể cả cha mẹ bé thường quên mất việc con mình cũng cần quan tâm đến tinh thần.

Các bé buồn vì không có ai chơi, không có ai chia sẻ nỗi lo âu trước khi vào truyền thuốc hoặc nỗi nhớ nhà, nhớ bạn. Lớp học do đó không chỉ dạy kỹ năng sống, hiểu biết về thế giới xung quanh, khoa học mà còn là dịp để anh chị tình nguyện viên chia sẻ cảm xúc với bệnh nhi, giúp các em nhẹ nhàng hơn trong quãng thời gian ở bệnh viện”, anh Dương Quang Huy nói.

Lớp học vui vẻ của cô Lê Thị Mai tại BV Nhi đồng TP. Ảnh: NVCC

Lớp học vui vẻ của cô Lê Thị Mai tại BV Nhi đồng TP. Ảnh: NVCC

Cần nhiều niềm vui để những viên thuốc bớt đắng

Theo chị Trần Kim Huệ, mẹ của em T.T.T.A (11 tuổi, lớp 6, Trường Tiểu học Tân Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), lớp học của cô Kim Phấn đã tạo nên nền tảng vững chắc không chỉ về kiến thức ở trường học mà còn giúp con chị vui vẻ hơn rất nhiều. T.A. điều trị u ác tính tại BV Ung Bướu TPHCM liên tục trong 3 năm, từ khi em mới 2 tuổi. Suốt quãng thời gian ở đây, em theo học lớp của cô Kim Phấn, tham gia vui chơi, hát múa cho đến học đánh vần.

Sau thời gian điều trị, sức khỏe ổn định, em được xuất viện về nhà, cũng đúng thời điểm chuẩn bị vào lớp 1. Nhờ thời gian học ở bệnh viện, em nhanh chóng bắt nhịp với các bạn, liên tục là học sinh xuất sắc suốt 5 năm tiểu học. Trong thời gian này, T.A. vẫn tiếp tục học trực tuyến vào tối thứ 4 và thứ 7 với lớp cô Phấn. Không chỉ học Toán, tiếng Việt, T.A. được học thêm môn Vẽ, Tiếng Anh và Tiếng Nhật.

Không chỉ dạy các môn học theo chương trình sách giáo khoa phổ thông, lớp học của cô Kim Phấn còn giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Những hoạt động tại lớp học khiến T.A không chỉ vui vẻ mà còn tự tin, hoạt bát và sôi nổi hơn. T.A nhớ mãi lần tái khám, em về lại lớp học và được cô Kim Phấn cho làm ông Địa để múa lân biểu diễn trong dịp Tết Trung thu. Sự xuất hiện của em khiến các bạn bất ngờ, rối rít trò chuyện. Tất cả trở thành kỷ niệm thật vui.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 2 nhấn mạnh: “Nụ cười và sự lạc quan giúp bệnh nhi nhanh hồi phục hơn. Các em cần nhiều niềm vui để những viên thuốc bớt đắng và sự ngọt ngào luôn ở lại trong tâm hồn thơ bé”.

Sau hơn 5 năm tổ chức lớp học cho bệnh nhi tại BV Nhi đồng 2, cô Lê Thị Mai cho biết: “Những lớp học này giúp các em vui vẻ vì được hàn huyên cùng bạn bè, cô giáo. Khi tinh thần được chăm sóc, trẻ ổn định sức khỏe hơn trước ca phẫu thuật hoặc trước khi thực hiện liệu trình điều trị. Lớp học cũng giúp vực dậy được tinh thần, giảm đi nhiều cảm xúc đau buồn vì bệnh tật. Khi trở về nhà, các em thường khoe tiếp tục học tốt ở trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.