Những lớp học không bảng đen, phấn trắng

GD&TĐ -  Bục giảng dù không phấn trắng, bảng đen, các nghệ nhân vẫn miệt mài truyền nghề cho học sinh, sinh viên.

Học sinh tham gia những tiết học trải nghiệm thực tế ở làng nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Học sinh tham gia những tiết học trải nghiệm thực tế ở làng nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Những “giáo viên” này đang thầm lặng “thổi lửa”, để giữ nghề truyền thống của cha ông.

Khi nghệ nhân, nông dân… đứng lớp

Là giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ, thầy Bùi Thanh Phú luôn đau đáu với câu chuyện giữ nghề truyền thống của cha ông. Để thế hệ trẻ biết nhiều hơn đến làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), thầy Phú đã kết nối với ông Trần Ngọc Vinh – một nghệ nhân có thâm niên trong vùng tham gia trải nghiệm để trao truyền nghề cho giới trẻ. Cứ như thế, khoảng 3 năm trở lại đây, xưởng nước mắm của anh bình quân mỗi năm đón khoảng 20 đoàn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm.

Bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Vinh vẫn hào hứng mỗi khi thế hệ trẻ cần tìm hiểu về làng nghề Nam Ô. “Nghề nước mắm truyền thống Nam Ô được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là cư dân làng nghề lâu năm, chúng tôi rất tự hào về điều đó. Việc trao truyền nghề cũng là trách nhiệm của những người đi trước, tiếp nối như chúng tôi. Cuộc sống ngày càng đô thị hóa, làng nghề mất dần, tôi mong nghề của làng mình được gìn giữ để nhắc đến Nam Ô. Mỗi người dân đều tự hào về truyền thống xứ biển”, ông Vinh chia sẻ.

Những ngày cuối tuần, thầy Bùi Thanh Phú cùng các thợ làm nghề nước mắm của xưởng Hương Làng Cổ và hàng chục sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) men theo bờ biển Nam Ô, bắt đầu công việc. Họ đến mấy con tàu công suất nhỏ đón lấy những thúng cá cơm tươi rói để chuẩn bị nguyên liệu cho việc làm nước mắm.

Bà Nguyễn Thị Lự (trú tổ 49, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) có hơn 50 năm làm nghề nước mắm cho biết, nghề làm mắm được truyền trong gia đình từ gần 100 năm nay.

Tỉ mỉ chỉ về quy trình làm nước mắm, bà Lự chia sẻ, để có nước mắm ngon, điều quan trọng là chọn cá và muối. “Muốn nước mắm thơm và ngon thì chỉ chọn loại cá cơm than. Thông thường người dân nơi đây làm mắm nhiều vào tháng 3 và tháng 7, vì đó là thời gian cá cơm than nhiều và tươi nhất”, bà Lự nói đồng thời cho hay: Cá phải chọn con tươi, không quá to hoặc quá nhỏ. Ướp cá thì chọn muối Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) hoặc muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi), với điều kiện hạt hơi vàng và khô.

Theo bà Lự, quy trình và công thức làm mắm rất chặt chẽ. Đây là khâu quyết định đến quá trình cho ra nước mắm, nếu sai một bước mắm sẽ hư. Điều này bà được cha ông của mình dặn rất kỹ khi bước vào học nghề làm mắm. Thông thường, người dân sẽ ướp cá với muối theo tỷ lệ 3/1 hoặc 4/9. Sau đó, trộn cho cá và muối đều với nhau. Công đoạn này cũng rất quan trọng.

“Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của nước mắm Nam Ô chính là sản xuất bằng phương pháp thủ công, không sử dụng hóa chất. Cá và muối trộn đều và bỏ vào chum đất hoặc lu đất rồi ủ trong vòng 1 năm. Sau đó đem đi lọc, mới ra thứ nước mắm nguyên chất”, bà Lự chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Hữu Tú – lớp Báo chí Trường Đại học Sư phạm cho hay, qua những lớp học thực tế, sinh viên có thể nhớ, hiểu rõ hơn về làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô. “Chúng em may mắn vì được những người thầy là ngư dân, nghệ nhân cầm tay chỉ việc. Để từ đó hiểu rõ hơn những ngành nghề truyền thống mà cha ông ta đã tạo nên”, Tú nói.

Tiếp thu những lời dạy từ các nghệ nhân, Nguyễn Thùy Trang - sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, bài học thực tế luôn có sức cuốn hút riêng. “Em thường tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, tham quan các làng nghề, tìm hiểu và tích lũy thêm kiến thức để sau này khi đứng trên bục giảng, có thể truyền đạt lại cho học trò”, Trang tâm sự.

Không chỉ trường đại học, nhiều năm qua, làng nghề nước mắm Nam Ô đã trở thành điểm đến trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khóa của rất nhiều học sinh địa bàn TP Đà Nẵng.

Cô Trịnh Thị Gấm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) cho hay, trong chương trình trải nghiệm thực tế, định hướng nghề nghiệp, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề nước mắm Nam Ô. “Qua các buổi trải nghiệm, các em có thêm kiến thức, tầm nhìn bao quát về nghề truyền thống của thế hệ đi trước. Đó là những nét văn hóa đặc trưng cần gìn giữ và kết nối”, cô Gấm nhấn mạnh.

Những tiết học thực tế cùng với “giáo viên” là nghệ nhân, ngư dân hay nông dân sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát triển bền vững nghề truyền thống.

Những tiết học thực tế cùng với “giáo viên” là nghệ nhân, ngư dân hay nông dân sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát triển bền vững nghề truyền thống.

Những tiết học trên bục giảng mở

TS Chu Mạnh Trinh - thành viên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhận thấy việc học ở “bục giảng mở” đem lại nhiều bài học bổ ích, thiết thực với học sinh. Vì thế, ông đã khởi xướng mô hình học tập dựa vào cộng đồng.

Theo ông Trinh, được kết nối, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm thực tế… đặc biệt là được các nghệ nhân cầm tay chỉ việc thì những tiết học thú vị, có sức cuốn hút. Bên cạnh đó còn giúp các em rèn luyện thể lực và có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường hơn.

Cùng với hoạt động trải nghiệm thực tế ở cộng đồng, học sinh được yêu cầu viết nhật ký sau mỗi buổi học. Điều này giúp các em trình bày những quan điểm, nói lên điều mình phát hiện, khám phá được sau tiết học. Đồng thời tránh được sự nhàm chán và nâng cao tư duy, độc lập trong cách làm việc.

Từ lâu, ở các vùng như Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hay vùng núi Hòa Bắc (TP Đà Nẵng)… mô hình phục hồi nông nghiệp truyền thống gắn kết với du lịch để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội được nhóm học tập cùng cộng đồng triển khai.

TS Chu Mạnh Trinh cho rằng, du lịch học tập là hình thức khá mới mẻ như các tour học tập về cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải, sinh kế cộng đồng… Trong đó, người dân bản địa phải tham gia, làm chủ và là người thầy truyền đạt thông tin, kinh nghiệm hướng dẫn thực hành kỹ năng.

“Nếu làng bản là trường học thì ngư dân, nông dân là người thầy. Một ao cá cũng có thể trở thành lớp học khi có học sinh hỏi về mối quan hệ giữa vườn – ao - chuồng. Một con nhện giăng tơ trên cành cây cũng có thể là chủ đề trao đổi của lớp học để bổ sung cho những bài học ở trường”, TS Chu Mạnh Trinh khẳng định.

Chị Đỗ Thị Quỳnh Trâm - người thiết kế các nội dung của lớp học cuối tuần dành cho học sinh tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, những lớp học cuối tuần là bước đệm để Hòa Bắc triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Thông qua tương tác với các bạn nhỏ, những người nông dân sẽ dần tự tin và có kỹ năng hơn để tương tác với khách du lịch sau này.

Những tiết học trên “bục giảng mở” hay nói cách khác là những tiết học trên thực địa, mang tính trải nghiệm thực tế cùng với đó có “giáo viên” là các nông dân, ngư dân hoặc là một nghệ nhân của làng nghề chính là nơi có thể lưu truyền kiến thức đi xa hơn. Bài học từ sách giáo khoa sẽ trở nên gần gũi khi các em được nhìn, nghe và tự tay thực hành dưới sự hướng dẫn của nông dân, ngư dân, nghệ nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ