Những lớp học tiếp sức từ cộng đồng

GD&TĐ - Thầy giáo Hồ Văn Ngọc (Quảng Nam) vừa đứng lớp vừa kiêm luôn nhiệm vụ “cô nuôi”...

Học sinh điểm trường Ông Thái với bữa ăn trưa được hỗ trợ trong suốt năm học 2023 - 2024 từ sự kết nối của CLB Bạn thương nhau.
Học sinh điểm trường Ông Thái với bữa ăn trưa được hỗ trợ trong suốt năm học 2023 - 2024 từ sự kết nối của CLB Bạn thương nhau.

Ngoài lớp ghép 1 - 2, điểm trường Ông Thái (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) còn có thêm nhóm học sinh đặc biệt: “lớp nhô” mẫu giáo. Thầy giáo Hồ Văn Ngọc vừa đứng lớp vừa kiêm luôn nhiệm vụ “cô nuôi”, tổ chức bữa ăn bán trú từ nguồn đóng góp của cộng đồng để giữ chân học sinh.

Bếp ấm cho trò nghèo

Điểm trường Ông Thái có 12 học sinh, trong đó 6 em lớp 1 và 2, còn lại 6 trò ở tuổi mẫu giáo. Thầy Trương Công Một - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cho biết: “Đây là một trong 3 điểm lẻ khó và xa nhất của trường.

Do số trẻ mẫu giáo ở nóc Ông Thái không đủ để mở một lớp nên ngoài lớp ghép cấp tiểu học, thầy Ngọc dạy kiêm cả 6 học sinh “dự thính” lớp 1. Vừa dạy lớp ghép và “lớp nhô” khá vất vả nhưng nhà trường động viên thầy sắp xếp các hoạt động dạy học sao cho khoa học để vẫn đảm bảo chất lượng”.

Dạy học ở điểm trường thôn, thầy Hồ Văn Ngọc ở lại nhà công vụ đến cuối tuần. Thầy để ý thấy 4 học sinh, hết giờ học buổi sáng thường không về nhà mà luẩn quẩn chơi ở trường. Đây là những học trò mồ côi. Có hôm các em ở lại chơi đến giờ vào học buổi chiều. Bữa cơm trưa của thầy Ngọc vì vậy thường phải nấu dôi ra, thêm vài cái bát, mấy đôi đũa. Thức ăn thì thầy có gì trò ăn nấy. Những ngày cuối tuần, đôi khi thầy trò cùng ăn cơm trắng chấm muối vì thực phẩm dự trữ hết nhẵn.

Trong số những học sinh của mình, thầy Hồ Văn Ngọc dành sự chăm chút đặc biệt cho em Hồ V. Q, người Ca Dong. Mẹ Q qua đời khi em còn nhỏ, ba có vấn đề về sức khỏe, thường đi lang thang và không thể lao động. Q còn một người chị gái nhưng đã bỏ nhà đi từ lâu.

Q gần như sống thui thủi một mình, đến gạo cũng không có để ăn. Cứ cuối tuần, Q vào rừng kiếm rau nên bữa ăn thường chỉ có rau và sắn; đôi khi em phải nhịn đói qua bữa. Thầy Ngọc thấy thương, nấu cơm trưa hay tối đều gọi em ăn cùng.

Khi Câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau (TP Đà Nẵng) nhận hỗ trợ kinh phí để tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh ngay tại điểm trường, thầy Hồ Văn Ngọc không giấu được niềm vui.

“Với Bữa cơm miền núi tại điểm trường Ông Thái, CLB hỗ trợ cho mỗi học sinh 10.000 đồng/suất cơm trưa và thầy, cô đứng điểm đảm nhận việc nấu nướng cho các em. Nghe vậy, thầy Ngọc rất vui, sốt sắng nhắn tin, gọi điện thoại để đăng ký ngay cho học trò. CLB đã hỗ trợ cả vật dụng ban đầu để điểm trường phục vụ tổ chức bán trú cho học sinh, từ nồi niêu, xoong chảo, chén bát đũa thìa, dầu, gạo, mắm muối…”, anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau kể.

Nhà ở Trà Đốc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), quãng đường đi dạy của thầy Hồ Văn Ngọc khoảng 50km đi xe máy, còn lại phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ. Vào đến điểm trường là mất sóng điện thoại, không điện, nước sạch. Để chuẩn bị bữa ăn trưa bán trú đầu tiên cho học sinh, thầy quay về trung tâm xã mua sắm vật dụng, ngủ nhờ ở thôn một đêm để sáng sớm hôm sau “cõng” nồi niêu xoong chảo, thức ăn… lên trường.

Những giọt mồ hôi lặng thầm của thầy Ngọc đã đổi lấy bữa trưa tươm tất cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Và cậu bé Q sẽ không còn cảnh phải ăn sắn cả ngày thay cơm…

Thầy Trương Công Một chia sẻ: “Chúng tôi bàn tính nhờ phụ huynh mang gạo từ điểm trường chính lên nóc Ông Thái. Nhà trường sẽ lo tiền gạo cho các em, kinh phí hỗ trợ từ CLB Bạn thương nhau để dành mua thức ăn cho có thêm dinh dưỡng.

Vì điểm trường chưa có điện, không thể dự trữ thức ăn tươi nên đầu tuần, bữa ăn của các em có thịt. Còn những ngày sau ăn cá khô, trứng...”. Nhà trường cũng vận động phụ huynh cùng phụ giúp thầy Ngọc chuẩn bị bữa ăn nếu sắp xếp được thời gian.

Thầy giáo Hồ Văn Ngọc “cõng” các vật dụng để tổ chức bữa ăn cộng đồng cho học sinh tại điểm trường Ông Thái.

Thầy giáo Hồ Văn Ngọc “cõng” các vật dụng để tổ chức bữa ăn cộng đồng cho học sinh tại điểm trường Ông Thái.

Đến trường ăn bữa sáng

Sáng sớm, thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên ở nóc Ông Bình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) lại đun sẵn một ấm nước sôi để… pha mì tôm cho học sinh.

Năm học này, học sinh điểm trường Ông Bình có khai giảng thật đặc biệt. Lần đầu tiên các em được nghe tiếng trống trường như các bạn ở điểm trường chính. Các em cũng được thầy cô đón vào trường trong bộ đồng phục mới tinh.

Từ khai giảng này, điểm trường Ông Bình nhận nhiều hỗ trợ của cá nhân, CLB đội nhóm thiện nguyện. Một lượng lớn mì tôm gửi tặng trường để học sinh không phải ngồi học với cái bụng lép kẹp. Chương trình Nuôi em đã hỗ trợ 3 bữa ăn trưa cho học sinh lớp ghép 1 và 2. Hai bữa trưa còn lại, CLB Bạn thương nhau đảm nhận để trưa nào các em cũng có thể ở lại trường.

Thầy Nguyễn Văn Nhân cho biết, tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh thì thầy cô nhận thêm nhiều phần việc, từ dự trữ, cân đối thực phẩm… nhưng đổi lại, thể trạng, sức khỏe của các em được cải thiện. Hơn cả, giữ học sinh ở lại buổi trưa đồng nghĩa tỷ lệ chuyên cần tăng lên. Trước đây, các em về nhà sau giờ học buổi sáng, tình trạng không quay trở lại trường thường xuyên xảy ra.

Điện lưới vẫn chưa về đến nóc Ông Bình. Điểm trường được tặng thêm bộ điện năng lượng Mặt trời. Thế nên, núi rừng ban đêm cũng bớt đi sự u tịch khi có ánh sáng điện rọi ra từ phòng học của thôn. Nhà dân ngay bên cạnh trường, thầy Nhân dặn học trò sau bữa cơm tối quay trở lại trường để kèm thêm kiến thức. Tiếng đọc bài ê a của những đứa trẻ vùng cao hứa hẹn về một ngày mai đổi thay…

Thầy Nguyễn Văn Nhân tâm sự, là người đồng bào, mình hiểu rõ tâm lý cũng như hạn chế của học sinh. Lớp học ban đêm sẽ giúp các em vững kiến thức, từ đó không thấy việc học quá khó khăn mà bỏ học giữa chừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tự đánh giá của một đứa trẻ trước hết xuất phát từ sự đánh giá của người khác về trẻ, và điều quan trọng nhất là sự đánh giá của cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Lý do cha mẹ cần tin tưởng con

GD&TĐ - Để giáo dục và rèn luyện tốt cho trẻ một cách cơ bản, chúng ta nên nuôi dưỡng ý thức về giá trị bản thân của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.