Những lớp học ‘không vách ngăn’

GD&TĐ - Trường HNQT iSchool Quảng Trị tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, không chỉ dạy HS trên lớp mà tăng cường dạy ngoài không gian lớp học.

Trường HNQT iSchool Quảng Trị tăng cường dạy học sinh ngoài phạm vi nhà trường.
Trường HNQT iSchool Quảng Trị tăng cường dạy học sinh ngoài phạm vi nhà trường.

Dạy học gắn với trải nghiệm thực tế

Bám sát nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2,3,6,7, 10 và chương trình GDPT theo QĐ 16/2006 của Bộ GD&ĐT cùng với chương trình Hội nhập quốc tế, Trường iSchool Quảng Trị đã cung cấp cho học sinh (HS) nền tảng kiến thức vững chắc, cùng những kỹ năng quan trọng.

Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm Tập đoàn NHG đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, nguồn kinh phí ưu tiên cho dạy học lớn, đội ngũ giáo viên (GV) có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ tốt (nhiều GV được công nhận là những chuyên gia GD sáng tạo toàn cầu), đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học mới tiệm cận quốc tế của Hệ thống iSchool nên ngày càng khẳng định chất lượng giáo dục vượt trội của nhà trường.

Học sinh iSchool Quảng Trị tham quan, học tập tại Khu di tích Tân Sở - nơi có đền thờ vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương.

Học sinh iSchool Quảng Trị tham quan, học tập tại Khu di tích Tân Sở - nơi có đền thờ vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương.

Những năm học vừa qua, tại iSchool Quảng Trị, nhiều môn học đã được giáo viên tổ chức dạy học gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế kiểu lớp học “không vách ngăn”, giúp phát huy hiệu quả trong dạy học: môn Sinh học, bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, GD các kỹ năng mềm cho HS, giúp HS biết vận dụng các kiến thức học trong nhà trường để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. HS iSchool Quảng Trị có nhiều dự án tham gia tại cuộc thi KHKT cấp tỉnh và đạt nhiều giải, trong đó có những giải cao...

Cô giáo Lê Thị Lâm Phương (giáo viên iSchool Quảng Trị) cho biết, năm học 2022-2023, với môn Sinh học và Khoa học tự nhiên, học sinh của nhà trường được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhà trường đã xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm mô hình chăn nuôi hữu cơ, thăm vườn trà cổ (huyện Cam Lộ); thăm quan hệ sinh thái Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh); thăm quan Viện công nghệ sinh học (ở Huế); tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn Bắc Phước.

Học sinh tham quan trải nghiệm ở rừng ngập mặn Bắc Phước.

Học sinh tham quan trải nghiệm ở rừng ngập mặn Bắc Phước.

Theo cô giáo Lâm Phương, hiện nay đối với các lớp 6,7 và 10 đang áp dụng Chương trình GDPT 2018, sẽ có những dự án, hoạt động trải nghiệm riêng thuộc về phân phối chương trình. Với các lớp khác, nhà trường kết hợp các hoạt động trải nghiệm riêng để củng cố kiến thức cho học sinh, hoặc cho các em trải nghiệm những dự án không nằm trong phân phối chương trình. Qua đó, giáo viên tự sáng tạo hoạt động riêng kết hợp với điều kiện của địa phương.

Tùy vào từng chương trình/từng môn học để tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm khác nhau. Cụ thể, nhà trường tổ chức tham quan Viện công nghệ sinh học dành cho học sinh lớp 9, lớp 11 và 12; tổ chức tham quan Rú Lịnh với học sinh lớp 6 và 7; tổ chức tham quan khu di tích Tân Sở và Vườn chè cổ, rừng ngập mặn Bắc phước, dạy học gắn với di sản cho học sinh lớp 1,2,3 và lớp 6,7,8...

“Những chuyến trải nghiệm được tổ chức với mục đích giúp cho học sinh gắn với thực tế cuộc sống. Trên lớp, học sinh được học những kiến thức lý thuyết cơ bản, xem hình ảnh về nguyên lý, quy trình sản xuất. Khi đi trải nghiệm, học sinh được quan sát, được tận mắt nhìn thấy và có hướng dẫn viên giới thiệu. Qua đó, các em có thể thực hành vài công đoạn nhỏ của quy trình sản xuất, đóng vai làm nông dân, kỹ sư nông nghiệp... Từ đó, vừa giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp cho mình trong tương lai, vừa phát huy các hoạt động nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tạo sản phẩm, kỹ năng phối hợp liên môn hoạt động STem...”, cô Lâm Phương cho biết.

Học sinh Tiểu học trải nghiệm ở mô hình trồng hoa.

Học sinh Tiểu học trải nghiệm ở mô hình trồng hoa.

Em Trần Ngọc Bảo Châu (lớp 6A) chia sẻ: Trong quá trình học ở trường, em được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức, nhưng thích nhất là các hoạt động trải nghiệm thực tế ngoài thiên nhiên liên quan đến các di tích lịch sử và các loài sinh vật.

“Tham quan các di tích lịch sử, em tận mắt nhìn thấy, quan sát, tận tay chạm vào các hiện vật được trưng bày, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu. Qua đó, em hiểu về lòng biết ơn và tự hào về những đóng góp của thế hệ cha ông. Khi đến tham quan mô hình chăn nuôi gà, em tận mắt thấy quy trình nuôi, chăm sóc gà cung cấp thực phẩm. Đây là những trải nghiệm quý giá đối với em”, Bảo Châu nói.

Theo em Nguyễn Đình Thức (lớp 12A): Mỗi hoạt động trải nghiệm khác nhau giúp em học hỏi được nhiều điều, ngoài các kiến thức, kĩ năng được trang bị trên lớp. Các hoạt động trải nghiệm giúp em thực hành được các kĩ năng mới, đặc biệt phát huy được năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

“Khi mới học lớp 10, em chưa biết mình thích gì, muốn học ngành gì cả. Thông qua các hoạt động trải nghiệm em dần định hướng được nghề nghiệp tương lai của bản thân. Sau chuyến trải nghiệm tại nhà máy điện năng lượng mặt trời Huyện Gio Linh, em cảm thấy ngành kỹ sư điện có một số yêu cầu nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, nên em đã chủ động chọn thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên để có thể có nhiều cơ hội xét tuyển ngành mà mình mong muốn”, Thức cho hay.

Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học

Thạc sĩ Trần Thị Ngọ - Hiệu trưởng Trường iSchool Quảng Trị cho biết, nhà trường có những ưu thế nổi bật đó là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, trang thiết bị được đầu tư bài bản, hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ trung, năng động, sáng tạo, với trình độ, chất lượng đồng đều.

Học sinh tham quan vườn trà cổ ở huyện Cam Lộ.

Học sinh tham quan vườn trà cổ ở huyện Cam Lộ.

iSchool Quảng Trị là một trong những ngôi trường thực hiện chuyển đổi số từ sớm. Không chỉ chuyển đổi số trong dạy học, quản lý, mà chuyển đổi số trong quản trị nhà trường. Đây là một ưu thế nổi trội phục vụ cho việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học.

Việc áp dụng những lớp học “không vách ngăn” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, đối với môn Lịch sử, việc thay đổi phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để môn học này trở nên hấp dẫn với học sinh, yêu thích bộ môn lịch sử hơn.

Học tập từ thực tế giúp học sinh nhớ lâu hơn.

Học tập từ thực tế giúp học sinh nhớ lâu hơn.

Học tập ngoài không gian lớp học là phương pháp đổi mới, giúp học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết về cuộc sống.

Học tập ngoài không gian lớp học là phương pháp đổi mới, giúp học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết về cuộc sống.

"Học lịch sử theo cách gắn với di sản được xem là hình thức tổ chức dạy học lịch sử rất hiệu quả, bởi học sinh chỉ nghe giáo viên thuyết giảng ở trên lớp sẽ rất nhàm chán, khó nhớ, khó hiểu, còn nếu tổ chức cho HS đi đến nơi các di tích, tham gia sự kiện, hoạt động thực tế thì việc hiểu bài nhanh hơn, nhớ bài kỹ hơn rất nhiều. Nhà trường có điều kiện về phương tiện và kinh phí để đưa học sinh tham gia học tập ngoài nhà trường. Do đó, lớp học “không vách ngăn” chính là phương pháp giáo dục khác biệt ở ngôi trường này”, thạc sỹ Trần Thị Ngọ cho hay.

Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tăng cường tổ chức những lớp học “không vách ngăn”, đây là một lợi thế trong dạy học tại iSchool Quảng Trị. Không chỉ tập trung dạy học trên lớp mà còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa trải nghiệm ngoài phạm vi của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.