Những lớp học ấy, không chỉ dạy chữ mà còn lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống.
“Biến” nhà thành lớp học
Huyện Cờ Đỏ có nhiều đồng bào Khmer sinh sống của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, phần lớn thế hệ trẻ người Khmer nơi đây chỉ biết nói chứ không biết viết, đọc tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer). Tại xã Thới Xuân, các em nhỏ muốn học chữ Khmer thường phải đến chùa, nhưng đường đến đó rất xa. Vì thế, các Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc) tổ chức họp bàn mở lớp truyền dạy chữ viết Khmer cho con cháu.
Từ đó, những ngày hè, căn nhà của nhà ông Đào Hoa (70 tuổi, ngụ ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) rộn ràng âm thanh các em nhỏ học đọc chữ Khmer. Đến lớp học, điều ấn tượng với chúng tôi là các em say sưa học tập. Lớp có đủ các dãy bàn ghế, bảng đen, còn nổi bật với tấm phông xốp dán bộ chữ cái của tiếng Khmer.
Chia sẻ về việc sẵn lòng biến nhà thành lớp học hè, ông Đào Hoa nói: “Chúng tôi ráng dạy để tụi nhỏ hiểu biết, yêu quý văn hóa dân tộc Khmer”. Ông kể, trước đây, lớp học chữ Khmer vào dịp hè từng được tổ chức ở chùa, nhưng vì đường xa, cha mẹ không đưa rước được nên các em theo học không đông, không hết khóa.
Cho nên, ông bà tình nguyện cho mượn nhà để mở lớp học. Bàn ghế mượn từ trường học gần đó. Số còn thiếu, ông mua cây, mướn thợ đóng để các em có chỗ học tươm tất. “Điều chúng tôi luôn trăn trở, là làm sao để các em biết chữ viết, tiếng nói của dân tộc Khmer, về văn hóa truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc mình”, ông Hoa bộc bạch.
Tiếp lời chồng về việc tổ chức lớp học tại nhà, bà Danh Thị Hiền cho hay: “Chúng tôi rất tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc nên lớp học Khmer ngữ tại nhà đã được mở trong mùa Hè được 2 năm nay.
Lớp được mở vào các buổi sáng (trừ ngày 30, mồng 1 mỗi tháng). Hè năm 2023, lớp học chữ Khmer có 34 cháu theo học; sau đó nghỉ 4, 30 cháu hoàn thành lớp học được cấp giấy chứng nhận. Năm nay, lớp có 27 cháu theo học. Các cháu từ 8 đến 14 tuổi là con em trên địa bàn ấp Thới Trường 1, Thới Trường 2 (xã Thới Xuân).
Mỗi buổi ra chơi, vợ chồng ông bà chuẩn bị bánh kẹo dành tặng các cháu. Đặc biệt, ông bà còn dạy các em múa, hát Khmer, với những điệu múa truyền thống, những giai điệu cổ truyền, theo bà Danh Thị Hiền.
Vun bồi tình yêu văn hóa Khmer
Lớp tại nhà ông Hoa do các thầy Thạch Diễm và Danh Hở (người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer) có kinh nghiệm dạy chữ Khmer tình nguyện thay nhau giảng dạy. Thầy Thạch Diễm (60 tuổi) chia sẻ, dù lớn tuổi và bận việc đồng áng nhưng thầy Thạch Diễm vẫn sắp xếp thời gian đến lớp dạy đọc, viết cho lớp cho các em.
“Con em người Khmer ở ấp đa phần đều nói thạo tiếng Khmer nhưng không biết chữ, biết viết. Tôi đã có kinh nghiệm dạy chữ cho sư sãi nên được sự tin tưởng của mọi người. Mặc dù cũng bận đi làm ruộng nhưng tôi cố gắng sắp xếp đóng góp chút công sức để truyền dạy chữ Khmer cho các con cháu”, thầy Thạch Diễm bày tỏ.
Nặng lòng với chữ Khmer, cùng tham gia đứng lớp giảng dạy, thầy Danh Hở cho biết: Trong thời gian những tháng hè, các thầy sẽ dạy các em tập đọc, tập viết và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Khmer. Điều đáng mừng là các em rất chịu khó học, nghe thầy dạy và tập đọc, tập viết. Sau một thời gian, học sinh của lớp viết chữ Khmer rất đẹp, nắn nót từng nét.
Tham gia lớp học, em Sơn Gia Bảo (lớp 8 của Trường THCS Thới Xuân) rất nghiêm túc và vừa viết xong mấy dòng chữ Khmer ngay ngắn. Gia Bảo chia sẻ, khi theo học lớp này, ngoài việc luyện chữ viết, đọc chữ giỏi, em còn học múa, hát Khmer. “Em tham gia lớp học chữ Khmer đã 2 mùa Hè rồi. Lớp học rất vui. Em học để biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình. Ở nhà, em cũng nói chuyện với ông bà, cha mẹ bằng tiếng Khmer”, Gia Bảo nói.
Ở lớp học có một học sinh đặc biệt, em Lý Đào Thanh Phong (lớp 9, Trường THCS Đặng Tấn Tài, TP Thủ Đức, TPHCM). Mẹ Phong quê ở Thới Xuân, còn cha em quê ở Long An, hiện gia đình sinh sống tại TPHCM. Thanh Phong rất yêu quý tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer của mẹ, của ông bà ngoại và bà con quê ngoại.
Hè năm rồi, khi biết ở quê ngoại có mở lớp dạy chữ Khmer, em đã xin cha mẹ về học. “Về quê ngoại, em có thêm nhiều bạn, được trải nghiệm không gian sông nước, đồng quê rất thú vị và nhất là được học chữ Khmer. Bây giờ, em có thể tự tin đọc và viết chữ Khmer”, Thanh Phong phấn khởi kể.
Chùa mở lớp dạy tiếng Khmer
Cùng với các lớp dạy tiếng Khmer ngữ trong cộng đồng, nhiều chùa tại TP Cần Thơ tổ chức dạy chữ Khmer miễn phí cho người dân. Tại vùng sâu của huyện Vĩnh Thạnh, nhiều năm qua chùa Samaki (ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình) luôn mở lớp Khmer ngữ hè cho học sinh trong khu vực.
Tham gia dạy tại chùa Samaki, thầy Danh Phước cho biết: Phần lớn các em theo học đều không biết viết đọc tiếng Khmer, phát âm không chuẩn. Vì thế, thầy đã dạy học sinh về cách ghép vần, tập phát âm, tập viết.
Tuy khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền; các thầy đứng lớp cố gắng giảng dạy để các em biết chữ, có tri thức để cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. “Phát tâm dạy hè hết lòng để truyền đạt cho các em. Để các em có kiến thức nền tảng cùng giữ gìn bản sắc văn hóa. Qua khóa học các em nói, đọc và viết được”, thầy Phước nói.
Tham gia học lớp Khmer ngữ hè tại chùa Samaki, em Danh Thị Minh Châu (học sinh lớp 11 Trường THPT Thốt Nốt) không giấu được niềm vui. Lớp phổ cập chữ Khmer trong suốt trong 3 tháng hè đã giúp em biết viết, đọc, nói tốt hơn, giao tiếp thông thường bằng tiếng Khmer.
Hơn nữa, Châu còn được hiểu thêm về các phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống. “Em sẽ nỗ lực phát huy, học tập tốt và rèn luyện kiến thức, đạo đức tốt hơn. Bản thân em là học sinh song ngữ Khmer - Việt. Em thành thật biết ơn các thầy cô trong 3 tháng hè vừa qua, tạo điều kiện cho các con được học chữ Khmer”, Minh Châu bày tỏ.
Nằm ngay trung tâm TP Cần Thơ, chùa Munir Ansay tọa lạc tại số 36 Đại lộ Hòa Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đêm vẫn sáng đèn, rộn ràng với lớp dạy chữ Khmer. Việc mở lớp dạy tiếng Khmer là tâm huyết của Thượng tọa Trần Sol, Trụ trì chùa Munir Ansay.
Sư Kim Tấn Tài - phụ trách giảng dạy chữ Khmer tại chùa Munir Ansay, cho rằng: Nhiều gia đình vẫn trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer tại nhà, các em giao tiếp rất tốt nên việc học chữ cũng nhanh hơn.
Ngay cả các sinh viên tham gia lớp học tập với tinh thần rất cao, nên tiếp thu khá nhanh. Theo sư Kim Tấn Tài, việc tổ chức dạy chữ Khmer ở chùa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Bởi vì, khi các em có nền tảng kiến thức, am hiểu chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình sẽ giúp các em bảo tồn tốt hơn các tinh hoa văn hóa dân tộc.
Tham gia lớp học tại chùa Munir Ansay, Trần Thị Minh Thảo - sinh viên Trường Cao đẳng FPT Cần Thơ phấn khởi cho biết: Chùa mở lớp dạy chữ Khmer là rất quý, vì ở trường các em chỉ được học tiếng phổ thông. Em đã đăng ký tham gia học để nâng cao vốn từ, kiến thức, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình.
Không chỉ truyền giữ những bản sắc văn hóa truyền thống, chùa Munir Ansay còn là nơi cưu mang “tiếp bước” bao thế hệ sinh viên nghèo hiếu học. Cùng với đó, những “Lớp học 0 đồng” tại các địa phương ở TP Cần Thơ được duy trì bằng nguồn xã hội hóa, từ giáo viên đến tập vở, dụng cụ học tập… đã góp sức không nhỏ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer ở địa phương.
Thượng tọa Lý Hùng - Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ cho biết, Hội đã chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các em tham gia học tập, nâng cao trình độ nói tiếng dân tộc. TP Cần Thơ đã mở các lớp dạy chữ Khmer hè được sự hỗ trợ giảng dạy của 23 vị sư và 19 thầy giáo trực tiếp đứng lớp tại 7 điểm chùa và các cụm dân cư tập trung.
Hè năm 2024, có 218 học sinh được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp Khmer ngữ hè. Kết thúc lớp hè, 100% các em đạt yêu cầu nói, hiểu và viết được những từ ngữ thông thường bằng tiếng Khmer. Thượng tọa Lý Hùng mong muốn các lớp học Khmer ngữ tiếp tục được phát huy và duy trì được lâu dài.
Rất cần sự quan tâm của Chư tôn Hòa thượng, thượng tọa, trụ trì các chùa, Ban quản trị các chùa. Đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các cấp hỗ trợ về chính sách hiện hành đối với con em đồng bào dân tộc Khmer nhằm phát huy chữ viết, tiếng nói, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc được tốt đẹp hơn.