Cộng đồng Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ, chữ viết.
Chùa là trường
Chùa Serymengcol (chùa Rạch Giồng), tọa lạc tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình được xây dựng vào năm 1788, là một trong những ngôi chùa cổ kính, có mặt sớm nhất ở vùng đất Cà Mau.
Năm nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 20/22 chùa Phật giáo Nam tông mở các lớp dạy chữ Khmer dịp hè. Riêng tại chùa Buppharam (chùa Hoa) mở 6 lớp, nhà chùa cũng đặt may đồng phục, trang bị máy tính phục vụ việc học cho học sinh. Ngoài dạy Ngữ văn Khmer, nhiều chùa còn mở các lớp Giáo lý, Pali cho các vị sư đang tu học tại chùa.
Hòa thượng TĂNG SA VONG - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, trụ trì chùa Buppharam (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi).
Mùa Hè này, chùa mở 3 lớp dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc Khmer, từ lớp 1 đến lớp 3. Cứ đầu giờ chiều hàng ngày (trừ Chủ nhật), nhà chùa lại vang lên tiếng vui đùa, học chữ của học sinh.
Ông Thạch Trường, một trong 3 giáo viên đảm nhận việc dạy học cho biết trước đây ông từng là trụ trì của chùa, nhưng sau đó hoàn tục, lập gia đình. Dù vậy, ông vẫn duy trì việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào.
“Tôi đã có hơn 20 năm dạy chữ Khmer và rất yêu thích công việc này. Mục đích tôi dạy học chủ yếu mong muốn con em người Khmer biết tiếng mẹ đẻ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Thạch Trường chia sẻ.
Tọa lạc tại trung tâm thành phố Cà Mau, chùa Monivongsa Bopharam (Liên Hoa tự) không chỉ được biết đến bởi lối kiến trúc đẹp, sự rộng lớn, uy nghiêm, mà còn là nơi tập trung sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Ngôi chùa này đã có hàng chục năm tổ chức gieo chữ cho hàng nghìn lượt học sinh người Khmer vào mỗi dịp Hè.
Năm nay, do số lượng học sinh ít (hơn 20 em) nên chùa chỉ tổ chức dạy một lớp. Cứ 15 giờ chiều, tiếng đọc bài của thầy và trò lại vang lên đều đặn tại một nơi mà mọi người vẫn thường gọi là “Trường chùa”.
“Mới đầu học tiếng các em còn bỡ ngỡ, phát âm sai nhiều lắm, mình phải chịu khó dạy từng câu, chữ. Ngoài giờ học trên lớp, mình cũng động viên phụ huynh về nhà thường xuyên chỉ dạy và giao tiếp với con bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để các em mau tiến bộ, năm sau lên lớp”, sư Lê Thiện Trí - người đứng lớp dạy chữ tại chùa chia sẻ.
Bạc Liêu cũng là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, với hơn 17 nghìn hộ, 75 nghìn nhân khẩu, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, việc dạy chữ cho con em đồng bào Khmer trên địa bàn vào dịp hè cũng được các điểm chùa duy trì thường xuyên.
Hè này, chùa Komphirsakorprêkchru (Xiêm Cán) ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu mở 6 lớp dạy chữ Khmer, bao gồm 4 lớp 1, còn lại là lớp 2 và lớp 3. Các lớp học chia thành 2 ca trong ngày, do các sư trong chùa phụ trách giảng dạy.
“Việc giảng dạy chữ Khmer vào dịp hè đã trở thành thông lệ hàng năm, được phật tử đồng tình ủng hộ, con em phum sóc học rất tích cực. Trong chùa có nhiều cây xanh, khuôn viên rộng rãi nên thuận lợi mở các lớp dạy chữ.
Hoạt động này hướng đến giúp các em biết đọc, viết chữ Khmer, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, Hòa thượng Dương Quân - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết.
Đi học là niềm vui
Đối với học sinh con em đồng bào Khmer, việc đến chùa đi học vào mỗi dịp hè là cả niềm vui. Em Lương Minh Phú, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình, Cà Mau) cho biết, em thường đi học sớm hơn giờ quy định, tranh thủ thời gian vui chơi cùng các bạn.
“Khuôn viên chùa Rạch Giồng rất thoáng mát, rộng rãi, chúng em thỏa sức chơi các trò chơi dân gian trước khi vào lớp học. Sau giờ chơi, em sẽ tập trung học nghiêm túc để mau biết tiếng mẹ đẻ”, Minh Phú bộc bạch.
Học cùng lớp Khmer với Lương Minh Phú, Hữu Phương Đông chia sẻ, năm sau em sẽ lên lớp 10, vào học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau nên tranh thủ hè này đi học chữ Khmer để biết tiếng, giao tiếp cùng bạn bè.
“Mới đầu học chữ em cảm thấy lạ, khó nhưng một vài tuần cũng bắt đầu quen. Giáo viên hướng dẫn chúng em rất nhiệt tình, dạy dễ hiểu nên em tiếp thu cũng nhanh, giờ đã biết đọc, nói một số câu giao tiếp cơ bản. Riêng phần viết chữ còn yếu em sẽ cố gắng luyện tập thêm”, Phương Đông nói.
Sơn Ngọc Tư hiện học lớp 2 tiếng Khmer tại chùa Rạch Giồng cho biết: Hè ở nhà một mình cũng buồn, em luôn mong sớm đến giờ để được đến chùa học chữ. “Đi học rất vui, giờ ra chơi chúng em thường xúm lại chơi trò nhẩy dây, trốn tìm xung quanh khuôn viên chùa. Được thầy chỉ bảo nhiệt tình, hiện em đã biết đọc, biết viết, về nhà có thể giao tiếp với cha mẹ bằng ngôn ngữ Khmer”, Ngọc Tư hồ hởi khoe.
“Thời gian dạy trong hè thường chỉ có 2 tháng nhưng cũng giúp các em quen dần với ngữ điệu, cách viết, phát âm tiếng dân tộc. Em nào chịu khó học, về nhà thường xuyên giao tiếp với gia đình bằng ngôn ngữ Khmer thì sẽ mau tiến bộ.
Ở đây, các sư thầy, giáo viên không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em một số phong tục, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình, dạy các em lễ nghĩa, biết kính trọng ông bà, cha mẹ; anh em, bạn bè yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”, ông Thạch Trường chia sẻ.
Trong những tháng hè, bà Sơn Thị Phe hàng ngày đều đưa 2 cháu đến chùa Moniserey Sophon Cosdon (chùa Cỏ Đôn), xã Vĩnh Phú Tây (Phước Long, Bạc Liêu) học chữ. Bà Phe cho biết, cố gắng mấy tháng hè cho cháu đi học để biết mấy chữ “Co-Kho” (các phụ âm đầu tiên trong bảng chữ cái Khmer).
Chịu khó mấy mùa Hè thì các cháu nó cũng biết đọc, biết viết. “Tôi thấy việc mở các lớp dạy chữ Khmer mùa Hè là việc làm thiết thực, ý nghĩa, không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer, mà còn giúp cho con, em mình rời xa điện thoại, màn hình tivi, máy tính”, bà Phe chia sẻ.
Nâng cao chất lượng
Thời gian qua lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nói riêng luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Việc dạy chữ Khmer không chỉ được tổ chức tại các điểm chùa, Salatel, mà còn diễn ra ở các khu dân cư có đông đồng bào sinh sống. Những nơi này thường mượn nhà dân hoặc điểm trường, trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp tổ chức dạy chữ cho con em đồng bào.
Theo thống kê, năm 2024 trên địa bàn Cà Mau có 21 điểm dạy chữ Khmer trong dịp hè với 27 giáo viên, hơn 670 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 3. Trong đó có 9 điểm dạy ở trường học, 5 điểm dạy tại nhà dân.
Để việc dạy chữ Khmer đạt hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, tập sách cho học sinh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên.
“Việc mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kiến thức và trang bị kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy chữ Khmer; giúp giáo viên nắm được các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ phổ biến cho từng thành phần và kỹ năng ngôn ngữ; thiết kế kế hoạch bài dạy phù hợp với tình hình thực tế.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô phát huy năng lực, sở trường và tham gia giảng dạy ngày càng hiệu quả hơn; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao mặt bằng dân trí trong đồng bào các dân tộc thiểu số”, bà Quách Kiều Mai - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Hiện nay, con em dân tộc Khmer biết chữ Khmer ngày càng ít, việc gieo chữ trong mùa Hè được xem như giải pháp hữu hiệu, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhiều con em đồng bào Khmer đến với các lớp học chữ mùa Hè, được các sư, thầy động viên học tập, đã có thêm động lực thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Không ít học sinh từng tham gia các lớp học chữ như thế, sau này trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cán bộ các cơ quan Nhà nước... có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quê hương, đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Những năm qua, nhờ được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất lẫn tinh thần vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Cà Mau đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trình độ dân trí của con em người Khmer nâng lên đáng kể. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện để phật tử, các gia đình Khmer cho con em được đến trường học tập cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, hòa vào dòng chảy phát triển chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc - Hòa thượng Thạch Hà, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, trụ trì chùa Monivongsa Bopharam.