1. Giận dữ và la hét khi con không làm theo ý mình
Trẻ con rất hay nài nỉ và đãng trí, nhiều khi điều đó khiến bạn rất bực mình. Nhiều bậc cha mẹ thường than vãn rằng chỉ riêng việc nhắc con đi tắm cũng đã khiến họ đau đầu. Trẻ thích nán lại nghịch đồ chơi, hay tiếp tục xem tivi cho tới khi bố mẹ nhắc nhở thêm nhiều lần nữa.
Đến lần thứ ba, hầu hết các bậc phụ huynh phải quát to và tỏ ra giận dữ với con để chúng làm theo lời bạn. Nhiều lần như thế sẽ tạo thói quen rất xấu cho chính bạn và các con khi bạn cho rằng la hét là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Con bạn cũng sẽ mặc nhiên nghĩ rằng những lời bạn nói chỉ có giá trị khi bạn phải hét lên.
Giải pháp: Bạn phải luôn giữ bình tĩnh khi giao tiếp với con và giữ con bạn bình tĩnh bằng những lời khích lệ con. Bạn hãy nhớ rằng thái độ của bạn trong việc dạy con sẽ ảnh hưởng tới hành vi con bạn sau này.
Vì thế, dù rất muốn dạy con nghe lời, bạn hãy cố kìm chế, đừng la hét. Thay vào đó hãy nhắc con bạn hậu quả của việc không ngay lập tức làm theo lời bạn nói. Khi bé đã vâng lời thì đừng quên khen ngợi bé cho dù bạn phải nói lại 2 lần.
2. Bạn luôn nghĩ rằng chỉ cần thời gian mọi chuyện sẽ ổn
Một lỗi mà bố mẹ thường hay mắc phải nữa là khi thấy con làm điều gì đó không đúng họ thường vô thức cho rằng trẻ đang trong giai đoạn phát triển và không kiểm soát được hành động của mình.
Bạn chỉ đơn thuần nghĩ rằng: "Chúng đang lớn và điều đó là không tránh khỏi”. Vì thế, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề, bạn thường lờ chúng đi.
Nhưng bạn không biết rằng nếu cứ để bé tự do làm những điều đó, bé sẽ cho rằng những điều đó được chấp nhận. Ví dụ như trẻ con ngâm nga hát những bài của người lớn, người lớn sẽ cho rằng bé đang ở độ tuổi bắt chước và bé rất ngộ nghĩnh, buồn cười.
Bé có xu hướng tiếp tục làm thế vì được mọi người chú ý. Những điều nhỏ đó sẽ ảnh hưởng nhiều tới tính cách sau này của con bạn và rất khó định hướng lại khi chúng lớn lên.
Giải pháp: Sẽ hoàn toàn bình thường nếu bạn dạy con theo cách cho con tự do hành động trong giới hạn nhất định. Việc của bạn là thiết lập những giới hạn cho con và khen ngợi kịp thời nếu con không tiếp tục những hành động như thế sẽ giúp chúng phát triển lành mạnh và đúng hướng.
3. Bạn luôn cho rằng bọn trẻ trêu tức hay làm phiền
Không ít bố mẹ đã chia sẻ những hành động của con mình như thể chúng đang cố tình trêu tức hay làm phiền mình. Ví dụ như khi mẹ nói con chuẩn bị đồ để đi về quê, bé vùng vằng không thích hoặc ngồi ì ở đó và tiếp tục với những trò nghịch ngợm của mình. Phụ huynh thường rất bực bội và quy cho bé tội cố tình cản trở hay gây rắc rối.
Mọi chuyện sẽ trở nên nghiệm trọng hơn nhiều nếu bạn cho rằng con đang cố tình không vâng lời bạn thay vì nhìn nhận chúng như những hành động vô tư của đứa trẻ. Nếu bạn cho rằng các bé đang chống đối bố mẹ, bạn sẽ có xu hướng phản ứng theo hướng tiêu cực.
Bạn khó có thể bình tĩnh suy nghĩ cách nào vừa nhẹ nhàng và vừa có tính khuyến khích để bé sửa chữa những khuyết điểm đó trong tương lai. Thật khó để bạn khen ngợi lũ nhỏ nếu bạn đang trong tâm trạng tức giận như thế.
Giải pháp: Trẻ em rất ngây thơ và các bé chẳng thể nghĩ được quá sâu xa như vậy. Bạn sẽ gặp rắc rối với chính cách suy nghĩ tiêu cực của mình. Việc tức giận và la mắng con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bình tĩnh và kiểm soát tâm trạng bản thân mình.
Bạn phải có một cái đầu lạnh và có một kế hoạch thật sự nếu muốn biết con có phải đang muốn chọc tức bố mẹ hay không? Bùng phát cơn giận dữ chẳng những không giúp con bạn nhận ra lỗi sai mà nhiều khi khiến chúng cảm thấy mình oan uổng và bị đối xử bất công.