Những Lễ hội khai màn ngày mồng 6 Tết

Những Lễ hội khai màn ngày mồng 6 Tết

(GD&TĐ) - Tết đến, xuân về cũng là mùa của lễ hội tưng bừng khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Mỗi nơi mỗi nét riêng, mỗi tập quán làm nên đặc trưng lễ hội của địa phương mình. Và người Việt cũng có rất nhiều lễ hội chung, lễ hội mang tính quốc gia, khắc in niềm tự hào, tự tôn, truyền thống ngàn đời của dân tộc. Và có những địa danh, những lễ hội mà đã là người Việt thì dù sinh sống ở nơi đâu cũng biết đến và hướng về.

Xin giới thiệu một số lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội, được bắt đầu vào ngày mồng 6  Tết hàng năm:

Hội Đền An Dương Vương (Đền Cổ Loa, Đông Anh - Hà Nội)

Những Lễ hội khai màn ngày mồng 6 Tết ảnh 1
Đền thờ An Dương Vương - Đền Cổ Loa

Đền thờ An Dương Vương toạ lạc trên mảnh đất thuộc làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 17 km nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên. Đền nằm trong vị trí khu Thành Cổ, bao gồm một cụm các di tích: Đình Ngự Triều Di Quy, tương truyền đây là nơi ngự triều của vua Thục; Am Bà Chúa - nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái vua Thục. Trong am vẫn còn pho tượng đá cụt đầu, dấu tích của nỗi lòng oan khiên hận tình nợ nước của nàng công chúa vì nhẹ dạ mà mắc mưu kẻ địch để nỗi nước mất nhà tan.

Lễ hội mở đầu bằng đám rước Văn Chỉ và kiệu Thành hoàng các xóm sáng mồng 6 tháng Giêng sang đền thờ Vua chủ. Đền Thượng sẽ là nơi cử hành tế lễ, sân đền có cắm cờ ngũ sắc và bày các khí tự: đôi ngựa hồng, ngựa bạch hai bên tả hữu, chính giữa là hương án có bày đồ lễ, hộp kính đựng hia vàng và các đồ ngũ sự cùng với các khí giới của nhà vua.Đám rước xong cũng là lúc dân làng tham dự hội với những trò vui cổ truyền: đánh đu, đáo, đĩa, các cụ thì chơi tổ tôm, cờ bỏi... Hội cứ thế kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tạ trời đất và đóng đám.

Hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội)

Động Hương Tích - chùa Hương
Động Hương Tích - chùa Hương

Hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội)Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, thuộc địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Phần lễ tại Lễ hội chùa Hương bao gồm gần như là cả một tổng thể tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam: có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Những tính chất tôn giáo có phần bị tình yêu thiên nhiên, tinh yêu nam nữ, tình cảm cộng đồng… tràn đầy chất thẩm mỹ vừa thanh cao, rất trần tục lấn đi.

Trẩy hội chùa Hương vì vậy cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong mây ngàn cỏ nội. Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ đền ra đình. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí ấy làm tâm linh mọi người sảng khoái.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều  khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng mơ… là những đoàn người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ. Họ gặp nhau, quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng. đằm thắm và ấm áp…

Du khách đến chùa Hương sẽ có dịp được chứng kiến và may mắn tham dự vào không khí sinh hoạt văn hóa của lễ hội. Cảm nhận tinh thần thiên nhiên của ngày hội lịch sử ấy để từ đó hồi âm về quá khứ của tổ tiên ở một làng quê ven chân núi.Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

Trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người.Quan niệm lưỡng hợp biểu hiện ở thế đối ứng hai hiện tượng, hai phạm trù khác nhau mà bên nhau, làm cho cuộc hành trình về nơi thờ Phật dù có lúc vất vả nhưng vẫn đem lại sự cân bằng trong tâm thức và thể lực cho du khách.Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

UBND Huyện Mỹ Đức cho biết, Lễ hội chùa Hương năm 2013 sẽ được tổ chức hoành tráng nhất từ trước đến nay, là lễ hội mở màn của Hà Nội trong năm mới, hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2013 với chủ đề  “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt” 

Hội Đền Sóc (Sóc Sơn - Hà Nội)

Từ ngày 01 Tết đến ngày 05 Tết, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách về thăm quan vãng cảnh tại khu di tích Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội)n Sóc
Từ ngày 01 Tết đến ngày 05 Tết Quý Tỵ, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách về thăm quan vãng cảnh tại khu di tích Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội). (Ảnh: Hải Phong)

Khu di tích lịch sử đền Sóc là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Khu di tích này được Vua Lê Đại Hành cho xây dựng tại khu vực núi Sóc, xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời, nên hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng ở đây mở hội linh đình tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương.

Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.Núi Sóc nằm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là nơi Gióng ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất nước lần cuối rồi cởi áo bỏ lại và cưỡi ngựa về trời. Tại khu vực này có một quần thể di tích gồm đền Thượng, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, đền Hạ, miếu Thánh Mẫu và nhà Bia.

Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).

Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: "Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ".

Lộc Hà (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.