Những kỹ năng thoát hiểm dạy con càng sớm càng tốt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh quan niệm, khi còn nhỏ con thường ở trong vòng tay cha mẹ nên chưa cần thiết phải dạy về thoát hiểm.

Trẻ cần được dạy kỹ năng thoát hiểm càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa.
Trẻ cần được dạy kỹ năng thoát hiểm càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, cần tùy thuộc vào độ tuổi của con mà có cách dạy phù hợp, nên dạy càng sớm càng tốt.

Biết “bỏ của chạy lấy người”

Nhiều phụ huynh bao bọc con quá kỹ, khiến con không thích nghi được với môi trường xung quanh, dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong xử lý tình huống. Thậm chí, nhiều trẻ không biết những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình như cách xử trí khi người lạ cho quà, làm gì khi bị lạc, ở nhà một mình…

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang - giáo viên dạy kỹ năng sống Trung tâm Thanh Thiếu niên quận Ba Đình - cho biết: “Trong đời sống hằng ngày, tai nạn có thể ập tới với trẻ từ mọi phía. Chỉ đơn giản là tò mò khi ở nhà một mình, trẻ cố tình chọc vào ổ điện được cha mẹ bọc kín. Hay hỏa hoạn xảy ra, trẻ chỉ biết sợ hãi chui vào chỗ khuất…

Cha mẹ dù muốn tạo một môi trường an toàn cho con nhưng không thể bao bọc hoàn toàn trẻ khỏi những chuyện bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Do vậy, phải dạy trẻ kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm càng sớm càng hiệu quả”.

Trong nhiều trường học, trẻ tùy từng độ tuổi mà có những bài học về kỹ năng sống khác nhau. Khi lớn hơn, trẻ được dạy về kỹ năng sinh tồn nhiều hơn là thoát hiểm.

Theo cô Giang, với trẻ ở lứa tuổi mầm non, những nội dung được học là khi bị lạc con sẽ làm gì? Nếu không nhận quà từ người lạ thì từ chối như thế nào? Ngoài ra, trẻ còn được học một số kỹ năng sơ cứu khi chẳng may bị xây xước hoặc chảy máu.

Nguyên tắc khi trẻ ở nhà một mình là cần làm theo thời gian biểu và lời dặn của cha mẹ. Đồng thời, con cần ghi nhớ số điện thoại cần thiết. Thậm chí, giáo viên còn lồng ghép bài học để trẻ nhận biết thực phẩm nào ăn được và thực phẩm bị hỏng… để trẻ phân biệt, tránh ngộ độc.

Nhiều cha mẹ chỉ ngăn cản con khi thấy trẻ có một hành động nghịch dại mà không chỉ bảo, giải thích cặn kẽ. Theo cô Giang, điều này đánh giá sai trí tuệ học hỏi của trẻ ở giai đoạn tốt nhất. Và sự ngăn cấm vô hình trung chỉ càng làm kích thích sự tò mò của trẻ ở lứa tuổi thích khám phá.

“Vì vậy, thay vì nói con đừng chọc vào ổ điện, con đừng đi theo người lạ” thì hãy giải thích thêm nguyên nhân như sẽ bị điện giật dẫn đến chết người. Hay đi theo người lạ dễ bị bắt cóc hoặc gặp những điều không may như bạo hành, tra tấn… Cha mẹ có thể cho trẻ xem một số video, hình ảnh liên quan để con hiểu hơn những nguy hại nếu làm việc đó.

Thực tế, nhiều trẻ ở độ tuổi THCS hay bị bắt nạt, giật đồ. Trong trường hợp này, cô Giang cho rằng, cha mẹ cần hướng trẻ theo cách bảo vệ bản thân an toàn thay vì đuổi theo để lấy lại đồ.

Nếu trên đường có đông người cần hô hoán để được trợ giúp. Hay đơn giản như nếu điện thoại, máy tính gần hết pin hãy nhắn tin để cha mẹ nắm được tình hình. Còn khi đã sập nguồn thì không nên tự ý sạc hay cắm điện mà không có người lớn.

Tùy từng địa phương để ưu tiên bài học thích hợp

Khi nói về độ tuổi để dạy trẻ tránh được các nguy hại khi ở nhà một mình, cô Giang cho rằng: “Các nhà giáo dục khuyên rằng trẻ cần được dạy về kỹ năng nhận diện mọi rủi ro từ 18 tháng trong những trải nghiệm hàng ngày. Hơn nữa, các kỹ năng sinh tồn cũng nên đưa vào chương trình giáo dục nhất là hệ mầm non như một môn học cần thiết”.

Cũng theo cô Giang, những sự cố xảy ra với các em nhỏ thời gian qua cho thấy, mối nguy hiểm luôn có khả năng đến với con trẻ khi không được trang bị kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ cần phù hợp nhất với môi trường sống. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô cần hiểu được đặc điểm tình hình của nơi cư trú, địa phương mình để có những bài học thích nghi cho các con.

Ví dụ như trẻ miền biển, gần sông nước thì học bơi là điều được ưu tiên. Trẻ ở thành phố ở nhà một mình mùa dịch, cần được trang bị kiến thức về nhận diện người xấu, nhận biết thực phẩm nên và không nên ăn, tránh xa nguồn điện…

Muốn thoát khỏi bàn tay của những kẻ bất lương và được an toàn tính mạng thì cả phụ huynh lẫn con em mình cần chuẩn bị tốt tâm lý trước các tình huống nguy hiểm.

Đầu tiên, cha mẹ nên giúp con nhận biết đâu là tình huống nguy hiểm bằng cách cho con đọc những đoạn tin trên báo, xem những đoạn video hoặc kể cho con nghe một câu chuyện về vấn đề này.

Thật sai lầm khi một số người cho rằng không nên cho trẻ đọc, xem những tình huống nguy hiểm bởi đó là bạo lực và nếu xem nhiều dẫn đến việc trẻ có hành động không tốt sau này. Trong khi đó giúp con nhận biết được nguy hiểm, trẻ sẽ có cách đối phó khi không có cha mẹ bên cạnh. Dù không muốn nhưng trong cuộc sống, những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với mọi người, kể cả con trẻ.

Tuy nhiên, việc dạy trẻ kỹ năng sống trong các trường học cũng cần được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, đồ dùng vật dụng, giáo cụ trực quan để trẻ được trải nghiệm thực tế. Việc này dễ dàng hơn đối với tiếp thu của trẻ thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết.

TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương - cho biết: “Đành rằng, bản năng sinh tồn đã có sẵn trong mỗi người từ khi sinh ra nhưng muốn trở thành kỹ năng phải được giáo dục, rèn luyện và quá trình đó không phải ngày một ngày hai. Đôi khi, cùng một tình thế cấp bách, một hoàn cảnh nguy hiểm, có người biết cách thoát ra còn có người lại thiệt mạng. Sự khác nhau có khi chỉ đơn giản là một bước chân chạy, một sự bình tĩnh phán xét trong giây phút”.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, bên cạnh việc giáo dục ở trường học, thì việc giáo dục kỹ năng sinh tồn từ cha mẹ là vô cùng quan trọng. Những điều đôi khi tưởng là rất nhỏ như buộc trẻ phải nhớ số điện thoại, biết gây tiếng ồn thu hút sự chú ý khi bị lạc, khi gặp nguy hiểm, cách nhận diện cảnh sát, nhân viên an ninh, bảo vệ, cách thoát khỏi xe ô tô khi bị bỏ quên, cách thoát khỏi đám cháy… lại có thể tránh được tai nạn hay thiệt mạng xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.