Những câu chuyện buồn
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em. Gần đây nhất là vụ 2 bé gái là Nguyễn Thị Trang (9 tuổi) và Tạ Thu Trang (10 tuổi), cùng ở thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái mất tích bí ẩn đến nay vẫn chưa rõ tung tích.
Theo phản ánh của ông Tạ Văn Khải bố của cháu Tạ Thu Trang (10 tuổi) ở thôn Vĩnh Trung, chiều ngày 14/5, cháu Tạ Thu Trang và cháu Nguyễn Trang (chị em họ) cùng đi chơi ở trong thôn. Đến chiều tối, gia đình không thấy cháu về nên đi tìm khắp thôn. Ông Khải cũng tìm đến nhà cháu Nguyễn Trang (9 tuổi) để hỏi thông tin, nhưng gia đình cháu Trang cũng đang hốt hoảng đi tìm.
Tiếp đó, vào sáng 15/5, tại khu tập thể Trường THCS thị trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), cháu bé 3 tuổi đang được mẹ bón ăn sáng đột nhiên bị một người đàn ông lạ mặt xông đến bế chạy đi. Người mẹ liền túm lấy chân con rồi tri hô. Kẻ bắt cóc trẻ em bị nhân dân vây bắt và giao cho công an.
Chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Nghị - Trưởng Công an xã Bạch Đằng (Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, tại địa phương này vừa xuất hiện người đàn ông lạ mặt có dấu hiệu bắt cóc trẻ em. Vụ việc đã được một thầy giáo ngăn chặn thành công.
Một số vụ việc trẻ mất tích hoặc có dấu hiệu bị bắt cóc là nỗi lo không chỉ của phụ huynh mà thực sự đang trở thành một mối quan tâm lớn của toàn xã hội.
Giúp trẻ kỹ năng thoát hiểm
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tư vấn Mai Thị Bưởi - một trong những người tham gia tư vấn trực tiếp trên ask14.vn (website tư vấn tâm lý online miễn phí dành cho học sinh trong độ tuổi 12 - 18 tuổi) cho biết: Đa phần mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm như hỏa hoạn, bị bắt cóc... thường rất hoảng hốt, lo sợ. Chúng luống cuống, sợ hãi, không biết xử trí thế nào. Nhiều trẻ thường gào thét ầm ĩ để cầu cứu mọi người xung quanh. Ở những nơi đông người như trên đường phố, công viên... việc hét to sẽ rất hiệu quả nhưng ở nơi vắng vẻ lại không phù hợp.
Vì thế, việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện, tập dượt thực hành thường xuyên để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Theo chuyên gia tư vấn Mai Thị Bưởi, từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này.
Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ biết. Dặn trẻ chỉ được đi theo người thân trong gia đình khi tan học; không được nhận bất cứ đồ vật gì của người lạ mặt vì đó có thể là cạm bẫy lừa lọc.
Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc.
Cha mẹ cần cảnh báo cho trẻ biết những mối nguy hiểm khôn lường luôn rình rập, khi trẻ đi một mình tại những nơi vắng vẻ. Nếu trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, thì hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn.
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, trẻ sử dụng Internet khá thành thạo. Tuy nhiên, cha mẹ dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng. Bởi vì bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ. Chúng cũng có thể khai thác các thông tin về gia đình trẻ để phục vụ cho mục đích đen tối của chúng.
Gia đình và nhà trường cần quán triệt về việc đưa đón trẻ, giờ giấc và người đưa đón. Nên đón trẻ đúng giờ hoặc đón sớm, tránh đón trẻ muộn. Nếu phụ huynh nhờ người đón hộ cần gọi điện thông báo trước với giáo viên. Dạy những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ bản thân đó là cách tốt nhất để trẻ có thể ứng xử với các tình huống nguy hiểm trong cuộc sống.