Những kiêng kỵ gắn liền với mái tóc

Mái tóc vốn là hiện thân vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng xung quanh nó cũng có ít nhiều những câu chuyện kỳ lạ, những điều cấm kỵ khó lý giải được truyền miệng từ xưa đến nay.

Những kiêng kỵ gắn liền với mái tóc

Kiêng kị gội đầu ban đêm

Con gái ban đêm gội đầu xong để tóc dài chưa thể cột gọn lại vì tóc còn ướt thì nên ở nhà làm cho tóc khô rồi muốn đi đâu làm gì thì làm chứ để tóc dài mà ướt nhẹp ra đường bị ma giật tóc.

Chải tóc trên xe ô tô

Ngày nay, các tài xế vẫn kiêng việc chải tóc trên xe ô tô. Nhiều bạn nữ điệu đà không biết điều này sẽ gặp rắc rối lớn với tài xế và những hành khách khác đi cùng chuyến xe. 

Các lái xe cho rằng, nếu trên xe có một ai đó dùng lược chải tóc, thì đó là dấu hiệu báo trước của việc xe sẽ gặp tai nạn và có những thiệt hại về người và những tổn thất khác.

Những sợi tóc rơi ra trên sàn xe sau khi chải được cho là hình ảnh rất không tốt dự báo những điềm gở và xui xẻo mà xe sẽ gặp phải trên suốt hành trình. Chúng là những sợi tóc chết bị lìa ra khỏi một mái tóc khỏe mạnh, gợi liên tưởng đến sự tan rã đột ngột không báo trước.

Đang chải tóc, lược gãy làm đôi

Đang chải tóc trơn tru thì chiếc lược tự dưng gãy làm đôi sẽ được coi là điềm gở dự báo có những chuyện rất xấu xảy ra với người làm gẫy lược và những người thân liên quan đến họ như ốm đau, gặp tai nạn, mất của, xô xát giữa những người trong nhà…

Chiếc lược và mái tóc dài thường xuất hiện trong những câu chuyện đêm khuya, khiến các bà, các mẹ chúng ta thường liên tưởng rằng chúng chính là cầu nối giữa hai thế giới: thế giới thực và thế giới tâm linh.

Chải tóc, soi gương nửa đêm

Nhiều người có thói quen chải tóc, soi gương trước khi đi ngủ, đặc biệt là các bạn nữ thường hay tẩy trang và bôi kem dưỡng da trước khi ngủ. Nhưng xưa kia, các cụ ta đặc biệt kiêng việc chải tóc hay soi gương vào đêm khuya.

Các cụ quan niệm đó là khi giao thời giữa đêm và ngày, các cô hồn hay lang thang tìm chỗ nương náu, chải tóc vào đêm khuya, nếu tóc rụng ra, có nghĩa là phần dương khí theo tóc toát ra nhiều, âm khí mạnh lên, tạo điều kiện cho cô hồn xâm nhập hoặc quậy phá. Người đó sẽ bị ốm đau hoặc gặp những xui xẻo trong những ngày tiếp theo.

Không cắt tóc đầu tháng

Đã thành thông lệ, nhân viên những tiệm cắt tóc, gội đầu hầu như được nhàn nhã trong vài ngày đầu tháng, bởi lượng khách đến cắt tóc vào những ngày này rất ít. Lý do là đầu tháng, rất nhiều người kiêng cắt tóc, họ sợ nếu cắt tóc thì tài lộc sẽ tiêu hao suốt cả tháng đó.

Thực ra những kiêng kỵ này không có cơ sở khoa học nào cả, phần lớn do truyền miệng. Trong một số trường hợp có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nên người ta mặc nhiên coi sự hên xui là 50/50. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" vốn là câu nói cửa miệng của người Việt.

Kiêng cắt tóc trước kỳ thi

Các bạn học sinh, sinh viên ngoài lên chùa cầu may trước mỗi kỳ thi, còn rỉ tai nhau bí quyết đạt điểm cao là kiêng không cắt tóc gội đầu. Thế là trong suốt một tháng thi học kỳ vất vả, các sĩ tử mải mê "dùi mài kinh sử" nên bỏ bẵng mái tóc của mình.

Lý giải cho hành động này, một số người cho rằng tóc chính là ăng ten của bộ não,cắt tóc trước kỳ thi, khi mà bộ não cần tập trung cao độ, có khác gì phá đi bộ phận thu - phát hiệu quả. Do đó trí thông minh và sự tập trung sẽ giảm sút dẫn đến kết quả thi cử sẽ không được như mong muốn.

Kiêng xõa tóc ngày Tết

Ở vùng quê Việt Nam và một số gia đình gốc Hoa, người ta kỵ việc xõa tóc của các thiếu nữ. Họ cho rằng tóc xõa rũ rượi gợi lên liên tưởng đến những hình ảnh ma quái, cõi âm.

Vì vậy, tốt nhất, vào những ngày này, phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp gọn gàng khi ra đường. Tuy nhiên theo ghi nhận của Tiến sĩ Nguyễn Đệ, tập tục này không phổ biến lắm.

Theo Đẹp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ