Những khoản thu nhập nào không tính đóng BHXH từ 2018?

GD&TĐ - Từ ngày 1/1/2018, bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đóng trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, nhưng không phải tất cả các khoản thu nhập của người lao động đều làm căn cứ đóng BHXH…

Tiền thưởng sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, hỗ trợ điện thoại… là những khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018. (Ảnh minh họa)
Tiền thưởng sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, hỗ trợ điện thoại… là những khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018. (Ảnh minh họa)

Loại trừ 14 khoản thu nhập

Hiện nay, tiền lương phải đóng BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH năm 2014 và được hướng dẫn trong Nghị định 115 và Thông tư số 59 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (LĐTBXH).

Theo đó, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc từ 1/1/2016 đến 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 1/1/2018, BHXH bắt buộc đóng trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trường hợp tiền lương tháng quy định cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH cho biết, không phải tất cả các khoản phụ cấp lương cũng như không phải tất cả các khoản bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng từ ngày 1/1/2018. Thông tin từ ngày 1/1/2018 chúng ta đóng dựa trên tổng thu nhập (gồm tất cả các khoản thu trong tháng) của người lao động là chưa chính xác.

Điều 30, Thông tư số 59 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc của Bộ LĐTBXH cũng quy định rõ có 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018.

Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2012; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; tiền hỗ trợ xăng xe; tiền hỗ trợ điện thoại; tiền hỗ trợ đi lại; tiền hỗ trợ giữ trẻ; tiền hỗ trợ nhà ở; tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết; tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn; tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Bảo đảm quỹ bền vững

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Cụ thể: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác tính đóng BHXH bắt buộc là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

BHXH là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Một trong những nguyên tắc chung của BHXH là đóng - hưởng và bảo đảm sự công bằng cho những người tham gia vào quỹ. Việc đóng BHXH trên nền tiền lương thực tế là để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, đặt biệt là hưu trí.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đóng BHXH cao hơn thì sẽ được hưởng lương hưu cao hơn và nếu thời gian tham gia BHXH càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao. “Chúng ta đang hướng tới sàn an sinh xã hội và sàn lương hưu để tất cả người về hưu mức hưởng thấp nhất cũng ở sàn tối thiểu, ai đóng cao hơn thì được hưởng cao hơn”, ông Lợi nói.

Để bảo đảm sự công bằng, minh bạch, BHXH Việt Nam đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử để người lao động có thể tự kiểm tra về trách nhiệm đóng của mình, quyền lợi của mình và sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện Luật BHXH một cách hoàn thiện hơn, tích cực hơn.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.